Kinh tế gia WB: Việt Nam có thể tránh bẫy kinh tế COVID-19
Nền kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, giữa lúc đại dịch virus corona bùng phát trở lại, và theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia Đông Nam Á này phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để tránh bẫy kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Kinh tế gia WB: Việt Nam có thể tránh bẫy kinh tế COVID-19
Nền kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, giữa lúc đại dịch virus corona bùng phát trở lại, và theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia Đông Nam Á này phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để tránh bẫy kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 0,4% trong quý 2 của năm nay (một tỷ lệ đặc biệt trong đại dịch), nhưng đó là một mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua, theo Kinh tế gia trưởng và người đứng đầu chương trình quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), Jacques Morisset.
Chính phủ Việt Nam ước tính rằng hơn 30 triệu lao động – chiếm khoảng 1 nửa lực lượng lao động trên toàn quốc – đã bị ảnh hưởng vào thời điểm cao trào của lệnh cách ly toàn xã hội hồi tháng 4. Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng 33% trong quý 2 năm nay, trong khi mức thu nhập trung bình trên một lao động giảm 5%.
Nhìn về phía trước, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước các làn sóng dịch virus corona mới và ngay cả khi không có những làn sóng mới thì Việt Nam cũng có thể bị kẹt trong cái mà chúng ta có thể gọi là “bẫy kinh tế COVID-19,” ông Morisset nhận định trong một bài blog đăng trên trang web của WB ra hôm 4/8.
Nhận định của ông Morisset được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang chống chọi với một làn sóng lây nhiễm mới trong cộng đồng ở Việt Nam, với hàng trăm ca dương tính mới và 8 trường hợp tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận.
Nhà kinh tế trưởng của WB tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ không hoàn toàn dựa vào hai động lực tăng trưởng truyền thống – gồm nhu cầu nước ngoài và tiêu dùng tư nhân. Do sự bất định trong bối cảnh đại dịch trong nước và quốc tế, các hộ gia đình không muốn rủi ro sẽ hạn chế kế hoạch đầu tư và tiêu dùng của họ, trong khi các nhà xuất khẩu sẽ tiếp tục bị hạn chế di chuyển quốc tế và sự sụt giảm về thu nhập toàn cầu. Ông Morisset đưa ra một ví dụ là ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể mất đi 20 triệu khách quốc tế dự kiến tới thăm Việt Nam trong năm nay.
Nhưng theo một cập nhật kinh tế mới nhất của WB có tiêu đề “Đâu sẽ là bình thường mới cho Việt Nam: Tác động kinh tế của COVID-19”, thì dù sao Việt Nam vẫn ở một vị trí tốt để thoát khỏi bẫy kinh tế COVID-19 vì ít nhất hai lý do.
Đầu tiên, chính phủ đã tạo ra đủ không gian tài chính để thực hiện một kích thích tài khóa đầy tham vọng. Vào cuối năm 2019, mức nợ công trên GDP thấp hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với năm 2016 – và chính quyền đã tích lũy được lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ.
Một lợi thế thứ hai, theo ông Morisset, là bằng cách vượt lên trước trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có thể gia tăng dấu ấn của mình đối với nền kinh tế thế giới bằng cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang tìm cách đa dạng hoá các hoạt động và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các cú sốc trong tương lai.
Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thương mại bằng cách củng cố liên minh với các quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp và xuất khẩu gạo (và các sản phẩm nông nghiệp khác) sang số lượng quốc gia ngày càng phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn, theo kinh tế gia của WB.
Tháng trước, chuyên gia kinh tế học ASEAN Edward Teather nhận định rằng rằng việc Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 đã nâng tầm vị thế và tận dụng lợi thế đó để nhanh chóng mở cửa phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục thực hiện cải cách, lấp đầy những lỗ hổng, hạn chế, nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Các lãnh đạo Việt Nam cũng đang quyết tâm thực hiện ‘mục tiêu kép’, vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chính phủ quyết không để cho làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra cũng như không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Thoát khỏi bẫy kinh tế COVID-19 đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, theo ông Morisset. “Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có cơ hội di chuyển nhanh hơn những người khác. Cơ hội này không chỉ có thể giúp Việt Nam điều chỉnh nền kinh tế của chính mình với thực tế mới, mà còn truyền cảm hứng cho các chính phủ khác trong nỗ lực xác định điều gì sẽ là bình thường mới trong thế giới hậu đại dịch.”
Nguồn: VOA Tiếng Việt