24/11/2024

Trường đại học cảnh báo vì sinh viên bị lừa học chương trình quốc tế giả mạo

Trường đại học cảnh báo vì sinh viên bị lừa học chương trình quốc tế giả mạo

Trung tâm Đào tạo quốc tế của Trường ĐH Sài Gòn vừa phát đi cảnh báo về chuyện đơn vị này bị giả mạo thông báo tuyển sinh chương trình quốc tế. Đã có một số sinh viên về nhà xin tiền gia đình theo học. 
Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn /// SGU
Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn SGU

Theo thông báo mới đây của Trung tâm Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Sài Gòn), vừa qua trung tâm nhận thông tin phản ánh của phụ huynh về một số chương trình quốc tế. Theo các phụ huynh, con cái họ là sinh viên của trường có về xin gia đình 150 triệu đồng để đăng ký để được học bổng theo học chương trình liên kết quốc tế. Phụ huynh liên hệ trung tâm để xác định thực hư về các chương trình này.

Cụ thể, các sinh viên có đưa gia đình một văn bản thông báo tuyển sinh các chương trình đào tạo quốc tế theo phương thức xét tuyển. Nội dung gồm 2 nội dung là chương trình liên kết đào tạo IMC – KREM, đào tạo trong 4 năm. Đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và đáp ứng các yêu cầu tuyển chọn của chương trình.

Nội dung thứ hai là Học bổng giáo dục Châu Á – Singapore. Đối tượng và tiêu chí tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và đáp ứng các yêu cầu tuyển sinh của chương trình. Phương thức tuyển sinh sẽ do Tập đoàn Giáo dục quốc tế Singapore phỏng vấn xét tuyển. Văn bản này còn hứa hẹn trợ cấp mỗi tháng 200 đô la Singapore (SGD), thu nhập từ 2.500 SGD/tháng tại những nơi làm việc là các bệnh viện hàng đầu Singapore như Bệnh viện Tan Tock Seng hoặc Bệnh viện John Hopkins.

Trường đại học cảnh báo vì sinh viên bị lừa học chương trình quốc tế giả mạo - ảnh 1

Văn bản giả mạo ghi PGS.TS Phạm Hoàng Quân là Phó hiệu trưởng trong khi ông là Hiệu trưởng từ năm 2016   ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đại diện Trung tâm Đào tạo quốc tế Trường ĐH Sài Gòn khẳng định đây là văn bản giả mạo và phụ huynh, sinh viên cần cảnh giác nếu nhận được những văn bản này để tránh bị lừa. Trên văn bản giả mạo có những điểm không đúng thực tế như: không có ngày – tháng – năm, trên phần chữ ký – đóng dấu ghi “PGS.TS Phạm Hoàng Quân – Phó hiệu trưởng” trong khi ông Quân là Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, trên tất cả văn bản tuyển sinh, xét tuyển các chương trình học và liên kết của Trường ĐH Sài Gòn luôn luôn có mục thông tin liên hệ cụ thể đơn vị, phòng ban tổ chức/quản lý ngay trong trường để phụ huynh, thí sinh liên hệ nhưng trong văn bản giả mạo không hề có.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng nhà trường, rất may mắn là khi sinh viên xin gia đình theo học các chương trình quốc tế giả mạo trên, các phụ huynh đều có liên hệ nhà trường nên cho đến lúc này không có sinh viên nào bị lừa. Đối với sinh viên trong trường, lãnh đạo nhà trường đã có thông tin để sinh viên không bị vướng vào trường hợp tương tự.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO