Có cần quá nhiều sân bay?
Có cần quá nhiều sân bay?
Thông tin nhiều địa phương xin xây dựng sân bay lại rộ lên thu hút sự chú ý của dư luận với câu hỏi đi cùng: Có quá nhiều sân bay? Và liệu có lãng phí về việc này?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết thời gian gần đây “xuất hiện” nhiều sân bay là theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay trong cả nước năm 2050.
Việc lập quy hoạch này thực hiện theo Luật quy hoạch và quy hoạch là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng phải hoàn thành trước khi đầu tư sân bay. Ngoài ra, không có nghĩa cứ có quy hoạch là đầu tư ngay và sân bay để khai thác liên vùng chứ không bay từ tỉnh này sang tỉnh lân cận.
Phải đảm bảo hiệu quả đầu tư
* Một số địa phương vừa đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch như sân bay Bắc Kạn, sân bay chuyên dùng Đất Đỏ tại Vũng Tàu… Vậy những đề xuất này được tiếp thu thế nào, thưa ông?
– Trong thời gian qua, có một số địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc. Việc lập quy hoạch chi tiết các cảng hàng không phải phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay đã được Thủ tướng duyệt tại quyết định số 236/QĐ-TTg.
Khi chưa điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc thì không có cơ sở để lập quy hoạch chi tiết một cảng hàng không, sân bay cụ thể.
Triển khai Luật quy hoạch, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2050 (sau khi hoàn thành sẽ thay thế cho quy hoạch mạng cảng hàng không đã được duyệt trong quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng).
Tiến độ sẽ hoàn thành và trình Bộ GTVT trong quý 4-2020. Vì vậy, các đề xuất của địa phương sẽ được tư vấn tính toán, đánh giá và đề xuất phương án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2050.
* Ông có thể giải thích rõ hơn sự khác biệt từ bước quy hoạch và bước thực hiện đầu tư sân bay. Quan điểm đầu tư của Chính phủ, Bộ GTVT như thế nào? Có lo ngại rằng cứ quy hoạch xong sẽ tìm mọi cách đầu tư sân bay hoành tráng rồi bị lỗ, không có hiệu quả đầu tư…
– Theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, để có thể triển khai xây dựng công trình thì phải có quy hoạch và công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch.
Vì vậy, quy hoạch là một trong các cơ sở pháp lý quan trọng, phải hoàn thành trước khi thực hiện bước đầu tư xây dựng công trình. Về quan điểm, hiện tại Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Cục Hàng không thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng điều cần chú ý là việc quy hoạch cảng hàng không, sân bay được tính toán theo thời kỳ quy hoạch cụ thể, đảm bảo sự đồng bộ của mạng cảng hàng không toàn quốc, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không.
Quá trình thực hiện phải có dự án đầu tư và dự án đầu tư phải phân tích, tính toán cụ thể để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận, đảm bảo sự cần thiết trong đầu tư, đảm bảo hiệu quả đầu tư và đảm bảo đáp ứng nhu cầu khai thác.
Đến năm 2030 có 28 sân bay
* Hiện tại VN có bao nhiêu sân bay và dự kiến quy hoạch bao nhiêu sân bay trong thời gian tới? Ông giải thích gì khi có những ý kiến cho rằng chúng ta đã có nhiều sân bay nên chưa cần thiết có những sân bay mới?
– Hiện tại VN đang có 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Theo quyết định số 236/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020, VN có 23 cảng hàng không (thêm cảng hàng không Phan Thiết – chưa xây dựng), giai đoạn đến năm 2030 có 28 cảng hàng không (thêm 5 cảng gồm: Long Thành, Lai Châu, Nà Sản, Sa Pa, Quảng Trị).
Mật độ của 22 cảng hàng không đang khai thác trên diện tích cả nước đạt khoảng 16.000km2/cảng hàng không.
So sánh với số lượng và mật độ cảng hàng không của một số nước trong khu vực thì thấy tuy trình độ phát triển kinh tế có khác nhau nhưng mật độ quy hoạch xây dựng và số lượng các cảng hàng không tại VN ở mức trung bình.
Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia có mật độ cao hơn chúng ta rất nhiều, chỉ khoảng 5.000 – 7.000km2 là đã có một cảng hàng không (Nhật Bản: 93 cảng hàng không/377.973km2; Hàn Quốc: 28 cảng hàng không/100.363km2, Thái Lan: 38 cảng hàng không/513.120km2; Philippines: 70 cảng hàng không).
Hiện Cục Hàng không VN đang triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Số lượng các cảng hàng không sẽ được rà soát và báo cáo Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo sự phân bổ hợp lý và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.
6/22 cảng hàng không đang khai thác có lãi
Hiện nay cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác gồm: 21 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) quản lý, khai thác và cảng hàng không Vân Đồn của Tập đoàn Sungroup đầu tư, quản lý, khai thác.
Trong số 21 cảng hàng không mà ACV đang quản lý, khai thác có 6 cảng có lãi (tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019) gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài.
Trong đó, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai cảng hàng không có lãi nhiều nhất và cáng đáng phần lớn chi phí bù lỗ cho 15 cảng hàng không còn lại. Tuy nhiên, xét trên bình diện tổng thể thì toàn bộ mạng cảng hàng không của VN đang hoạt động có lãi, đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
* Thời gian qua thị trường hàng không VN tăng trưởng nhanh nên có nhiều sân bay nhanh chóng bị quá tải sau khi đầu tư. Vậy quy hoạch và thực hiện quy hoạch lần này tính toán như thế nào để tránh chuyện này?
– Việc quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang triển khai được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để triển khai. Theo đó tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050 và thực hiện quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ với quy hoạch của địa phương, quy hoạch chung của ngành GTVT, cũng như phù hợp với quy hoạch quốc gia đang được Chính phủ triển khai.
Vì vậy Cục Hàng không tin tưởng kỳ lập quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang triển khai, hệ thống cảng hàng không sẽ được quy hoạch đồng bộ, toàn diện và phù hợp với quy hoạch của ngành GTVT, quy hoạch của địa phương, cũng như quy hoạch của quốc gia; đảm bảo sự phát triển dài hạn và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn định hướng đến năm 2050.
* Nhiều người cho rằng không cần đầu tư hay nâng cấp những sân bay nhỏ, nhất là cạnh đó đã có sân bay như Quảng Trị khi đã có sân bay Đồng Hới và Phú Bài; sân bay Tuy Hòa khi đã có sân bay Cam Ranh và Phù Cát; sân bay Chu Lai khi đã có sân bay Đà Nẵng… Vậy các sân bay liền kề nhau sẽ được khai thác thế nào?
– Thực tế khai thác và xây dựng trong những năm qua, hệ thống cảng hàng không, sân bay của chúng ta đã cơ bản thể hiện rõ tính hợp lý, phân bổ hài hòa trên toàn bộ lãnh thổ và các vùng miền. Ở một số khu vực trọng điểm có các cảng hàng không gần nhau. Nhưng mục đích chính quy hoạch các cảng hàng không này không phải để bay các tuyến nội vùng, mà nhằm mở rộng, phát triển thị trường liên vùng.
Trước đây, các cảng hàng không như Vinh, Đồng Hới, Tuy Hòa, Phù Cát, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau khi quy hoạch và xây dựng cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả. Tuy nhiên qua thực tế khai thác, sản lượng các cảng hàng không này đã có sự tăng trưởng thực sự ấn tượng (trung bình trên 30%/năm).
Thực sự các cảng hàng không này đã có sự đóng góp không nhỏ vào việc thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như sự phát triển chung về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương.
* TS Lương Hoài Nam (chuyên gia kinh tế):
Đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư sân bay
So với các quốc gia khác trên thế giới, VN hiện có số lượng sân bay ít, công suất bay thấp. Ví dụ Thái Lan với dân số ít hơn nhưng lại có tới 38 sân bay đang hoạt động, công suất 200 triệu khách/năm. Họ vẫn đang tiếp tục mở rộng, xây thêm sân bay thứ ba ở Bangkok. Trong khi đó VN chỉ có 22 sân bay với công suất hơn 70 triệu khách/năm.
Vì thế, việc xây dựng thêm sân bay ở các tỉnh thành là rất cần thiết, đồng thời cũng cần mở rộng, nâng công suất ở các sân bay lớn. Mỗi tỉnh thành có thể có nhiều sân bay với các mục đích: dân dụng, du lịch… phục vụ các mục đích, nhu cầu khác nhau. Có như vậy, nước ta mới có thể khai thác hết tiềm năng kinh tế, du lịch ở từng vùng, từng khu vực.
Việc đầu tư xây dựng sân bay ở nước ta còn đơn điệu, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn nhà nước. Mô hình sân bay xã hội hóa hầu như chưa có, ngoại trừ sân bay Vân Đồn hiện không phải do doanh nghiệp nhà nước đầu tư.
Do đó, các bộ ngành cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay. Khi doanh nghiệp tư nhân bắt tay vào đầu tư xây dựng sân bay, họ có xu hướng đầu tư luôn các tiện ích dịch vụ, hạ tầng giao thông, khu dân cư… tạo thành quần thể kinh tế hoàn chỉnh. Nhà nước, người dân sẽ không còn nỗi lo đầu tư kém hiệu quả như trước nay nữa.
* TS Nguyễn Hữu Huy (khoa công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):
Ưu tiên các vùng kinh tế trọng điểm
Việc xây dựng các sân bay cần ưu tiên ở các vùng kinh tế trọng điểm để thúc đẩy kinh tế – xã hội trước. Mỗi sân bay được xây dựng phải căn cứ trên quy hoạch hàng không, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị…
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải nghiên cứu đồng bộ vận tải hàng không với vận tải thủy, vận tải bộ… tạo liên kết để nâng cao hiệu quả khai thác, tránh việc đầu tư quá dàn trải, cục bộ, tỉnh nào cũng có sân bay nhưng không khai thác hiệu quả.
Đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, hầu hết các cảng hàng không trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc là dùng chung dân dụng – quân sự nên đã có những hoạt động hiệp đồng nhịp nhàng đảm bảo tốt nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Các hoạt động khẩn cấp như phòng chống thiên tai trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả của việc phát triển hệ thống cảng hàng không theo quy hoạch.
Vì vậy, không thể tính riêng hiệu quả khai thác của 1 cảng hàng không mà phải tính trên phương diện tổng thể hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc. Một vấn đề cần lưu ý rằng xét trên bình diện tổng thể thì toàn bộ mạng cảng hàng không của chúng ta đang hoạt động có lãi và hằng năm vẫn đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.
Thực tiễn phát triển ngành hàng không trên thế giới cho thấy các nước đều duy trì chính sách phát triển một số cảng hàng không đạt hiệu quả kinh doanh để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị – kinh tế – xã hội.
Ông Đinh Việt Thắng