25/11/2024

‘Do quan liêu, tiền về cứ để đấy nhưng không làm’

‘Do quan liêu, tiền về cứ để đấy nhưng không làm’

Mỗi khi làm với địa phương, với các bộ ngành đều xin vốn, nhưng có vốn rồi làm không đến nơi đến chốn. Phải tìm ra nguyên nhân khiến giải ngân kém cỏi, nguyên nhân chính của sự chủ quan, giải quyết cho được 3 cái đọng: vốn, nợ và thủ tục.

 

Do quan liêu, tiền về cứ để đấy nhưng không làm - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức sáng 16-7.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhân dân cả nước đang khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19: công nhân mất việc làm, người lao động tiền lương thấp, tăng trưởng kinh tế thấp so với 10-20 năm đổi mới.

Khó khăn sẽ càng khó hơn khi các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư nhà nước đều chậm, thấp so với kế hoạch.

Đến thời điểm hiện tại chỉ có 10 tỉnh, thành phố giải ngân đạt mức cao, trên 60%, trong khi một loạt các tỉnh, thành khác đều có tỉ lệ giải ngân rất thấp, dưới 20% như Đồng Nai, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cần Thơ…

“Lần này nếu đổ khách quan thì Chính phủ sẽ có giải pháp, không để tình trạng trì trệ nữa, ảnh hưởng đến đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình lớn tiếng.

Vì lẽ đó, theo Thủ tướng, đầu tư công chính là “cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cứ 1% đầu tư của chúng ta sẽ góp phần tăng trưởng GDP 0,06%”.

Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại.

“Mỗi khi làm với địa phương, với các bộ ngành đều xin vốn, nhưng có vốn rồi lại làm không đến nơi đến chốn. Tỉ lệ giải ngân những năm gần đây thấp. Năm nay khá hơn nhưng vẫn còn số lượng lớn chưa giải ngân”, Thủ tướng nói thẳng.

Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, của các địa phương trong cả nước rất lớn, phải tập trung đầu tư công với số vốn lên đến hơn 633.000 tỉ đồng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm tìm ra nguyên nhân khiến giải ngân kém cỏi, từ nguyên nhân khách quan đến chủ quan thế nào, “do lãnh đạo tỉnh ở chỗ nào, kể cả các ban quản lý dự án. Phải tìm ra chủ quan là (nguyên nhân) chính chứ không phải đổ cho khách quan”.

Ông cũng cho rằng sở dĩ có tình trạng cũng cơ chế, chính sách ấy, nhưng có địa phương làm tốt, có nơi lại giải ngân thấp, “là do quan liêu. Tiền về cứ để đấy, không làm”.

Ngoài yêu cầu phải tìm các giải pháp khả thi để giải ngân, Thủ tướng đặt yêu cầu trách nhiệm của các bí thư, chủ tịch, bộ trưởng “phải nêu cao vai trò với đất nước”.

“Chúng ta thảo luận, đưa ra chế tài nào cho người đứng đầu trong việc chậm giải ngân. Anh không làm thì phải có biện pháp xử lý anh chứ nói hoài nói mãi không chịu làm. Lần này dứt khoát phải có chế tài. Và phải điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác, từ dự án, địa phương này sang địa phương khác”, Thủ tướng kiên quyết.

Ông cũng yêu cầu người đứng đầu bộ máy có trách nhiệm khi đền bù giải phóng mặt bằng, “bí thư, chủ tịch phải đi xuống tận nơi nắm tình hình. Bệnh quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng đến tình hình”.

Có vậy mới tháo gỡ để cùng rút kinh nghiệm, thúc đẩy giải ngân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

 

TRẦN VŨ NGHI
TTO