19/11/2024

Tinh giản chương trình: Cơ hội để xoá bệnh thành tích

Tinh giản chương trình: Cơ hội để xoá bệnh thành tích

Học kỳ 2 ‘đặc biệt’ sắp khép lại, năm học kết thúc muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng cũng từ ‘cái khó’ này nên ‘ló cái hay’ khi Bộ GD-ĐT tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019 – 2020.
Từ việc phải nghỉ học do dịch Covid-19, chúng ta hy vọng việc tinh giản chương trình lạc hậu sẽ là cơ hội để thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá /// Ngọc Dương
Từ việc phải nghỉ học do dịch Covid-19, chúng ta hy vọng việc tinh giản chương trình lạc hậu sẽ là cơ hội để thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá  NGỌC DƯƠNG
Khoảng một tháng rưỡi trở lại trường sau khi nghỉ phòng chống dịch Covid-19, điều thầy trò tâm đắc nhất là Bộ GD-ĐT tinh giản một số nội dung chương trình, nhất là những bài học xa thực tế, lạc hậu. Thầy trò rất vui khi được giải thoát khối kiến thức ấy ở nhiều môn.
Được biết chương trình phổ thông hiện hành sẽ được rà soát, tinh giản ở năm học 2020 – 2021, giáo viên chúng tôi rất hoan nghênh. Như vậy từ việc phải nghỉ học quá nhiều do dịch bệnh, chúng ta có cơ hội nhìn lại để giảm tải chương trình, bỏ một số bài học đã quá lạc hậu, xa rời thực tế.
Việc tinh giản nội dung không còn phù hợp kết hợp việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của người học là điều rất cần thiết, qua đó cũng phát huy năng lực và phẩm chất của người dạy.
Chương trình học kỳ 2 đã được tinh giản khá hợp lý khi dịch bệnh kéo dài và thời gian học trực tiếp ở trường rút ngắn. Nhân dịp sẽ tiếp tục tinh giản chương trình ở các năm sau, Bộ cũng nên “lấy lại” một số bài học hay, bổ ích đã để lại ở học kỳ 2 năm nay. Còn ở chương trình học kỳ 1, khá nhiều nội dung lạc hậu, những nội dung nặng lý thuyết, ghi nhớ cần soi kỹ để cắt đi. Cần tích hợp tạo thuận lợi cho dạy học phát triển năng lực học sinh; tăng cường nội dung vận dụng kiến thức thực tế, những kỹ năng giải quyết vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, đẩy mạnh năng lực, năng khiếu của học sinh.
Từ tinh giản chương trình, năm nay các nhà trường cũng đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đây là cơ sở để thoát khỏi bệnh thành tích. Áp lực của thi cử, điểm số là bệnh thành tích khiến học sinh khó phát huy thế mạnh của bản thân. Học để đạt điểm cao đã đánh mất rất nhiều thời gian cho quá trình phát huy năng lực, năng khiếu. Cách dạy “đồng phục” để làm sao cho học sinh điểm cao mới là giỏi không phù hợp với thực tế của sự phát triển. Việc phát triển năng lực, những phẩm chất của học sinh mới là điều quan trọng.
Từ việc phải nghỉ học do dịch Covid-19, chúng ta hy vọng việc tinh giản chương trình lạc hậu, thêm nội dung mới phù hợp với thời đại sẽ là cơ hội để thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, thoát khỏi bệnh thành tích và dạy học thiếu thực tế.
THÁI HOÀNG
TNO