Có nên dừng mua bán sáp nhập doanh nghiệp ?
Có nên dừng mua bán sáp nhập doanh nghiệp ?
Lo ngại doanh nghiệp Việt dễ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất có thể tạm dừng việc mua bán sáp nhập (M&A) trong giai đoạn dịch bệnh.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) vào cuối tuần qua (9.5), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhiều DN. Hiện tượng M&A trong thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho biết đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng xem xét bảo vệ DN nội, thậm chí đề xuất phương án tạm dừng M&A trong giai đoạn dịch bệnh này.
Nên cởi mở đón nhận
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc cảnh báo này chưa thực sự cần thiết, bởi M&A trong 4 tháng đầu năm đạt con số rất thấp, bình quân chỉ đạt 0,77 triệu USD cho một lượt góp vốn, bằng 54% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Dẫn thông tin Apple đã chính thức sản xuất tai nghe tại Việt Nam với tỷ lệ lên đến 30% tổng sản lượng toàn cầu từ tháng 4 năm nay, GS Nguyễn Mại nói: “Ngay trong tâm dịch, Apple đã âm thầm sản xuất đến 30% tai nghe tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Đây là đáp số cho làn sóng dịch chuyển đầu tư rời Trung Quốc mà Việt Nam bắt buộc phải nắm bắt và tăng tốc đón đầu hơn thế nữa. Thế nên, đầu tư mới hay M&A đều là xu thế phát triển và cần cởi mở để đón nhận. Chúng ta đang mong chờ các nhà đầu tư mới trước làn sóng chuyển dịch đầu tư, làm sao có thể bảo tạm ngưng M&A được, mà ngưng bằng cách nào?”.
Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy tính chung trong 4 tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 34%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại. Tuy nhiên, quy mô của dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng lại khá khiêm tốn, với tổng giá trị gần 2,48 tỉ USD, giảm 65,3% so với cùng kỳ năm 2019, bình quân chỉ 0,77 triệu USD/lượt góp vốn.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC (phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương), nhận định: “Loạt các quỹ đầu tư, nhà đầu tư vẫn rất “rủng rỉnh” và sẵn sàng đầu tư bằng tiền mặt lúc này nhằm mua cơ hội phát triển trong tương lai. Thế nên, DN yếu, thiếu vốn, việc được đàm phán mua lại là điều quá tốt thay vì gồng mình chống đỡ để rồi đóng cửa giải tán. Nói như Thủ tướng là biến nguy thành cơ, lúc này đây là cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tham gia M&A để mở rộng đầu tư”. Ông Robert Trần cho rằng không thể đề xuất ngưng giao dịch M&A. Nhưng theo ông thì Chính phủ có thể can thiệp vào các dự án chủ chốt trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng… trong quá trình mua cổ phần, góp vốn của nhà đầu tư ngoại.
Không phải lĩnh vực nào cũng bán được
Có góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các công ty lớn nước ngoài đang “nhòm ngó” những dự án lớn.
Ví dụ dự án điện mặt trời ở Bình Thuận và Phú Yên mới đây đã chính thức rơi vào tay nhà đầu tư Thái Lan.
“Loạt dự án năng lượng mặt trời do nhà đầu tư tư nhân làm, không cầm cự nổi do chúng ta chậm và không quyết đoán trong việc đưa ra biểu giá mới, khiến nhà đầu tư không yên tâm, lại gặp khó khăn về vốn, có nhà đầu tư nước ngoài mua cao nên bán luôn. Nếu không ngăn chặn, cảnh báo, vài dự án như vậy được M&A vô tư, tích tiểu thành đại, lâu dần ngành năng lượng mặt trời nằm trong tay nhà đầu tư ngoại lúc nào không hay”, bà Lan cảnh báo.
Ngoài Tập đoàn Super Energy mua lại cụm nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận, trong thời gian gần đây, nhiều thương vụ lớn từ nhà đầu tư Thái cũng được hoàn tất hoặc thương thảo. Gần đây nhất là thương vụ mới hoàn tất trị giá 240 triệu USD do Tập đoàn Stark Corporation chuyên sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Thái Lan mua lại Cáp điện Thịnh Phát và Kim loại màu và nhựa Đồng Việt; mới đây, SCG đánh tiếng muốn chi 400 tỉ để mua Công ty bao bì Biên Hòa.
Bà Lan nhấn mạnh, cảnh báo của Bộ KH-ĐT không phải đối với DN nhỏ, mà ngay đối với DN nhỏ và vừa, trong thời gian qua đã được nhà đầu tư nước ngoài mua lại nhiều. Xu hướng đó sẽ còn kéo dài sau dịch. Dịch cúm có thể chỉ diễn ra trong vài tháng, nhưng ảnh hưởng tác động đến nhiều ngành trong thời gian dài.
DN đóng cửa ngưng hoạt động vì không có tiềm lực đã đành. Với các DN đang thời điểm khó khăn, sắp tới có thể lúng túng không rõ khả năng phục hồi thế nào, vốn liếng ra làm sao, đứng trước những lời mời chào hấp dẫn của các nhà đầu tư mới, ắt hẳn họ sẽ lung lay. Lúc này, nhà nước cần có chính sách định hướng thậm chí can thiệp nếu cần thiết.
Từ cảnh báo của Bộ KH-ĐT, tôi nghĩ Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của DN trong nước để bảo vệ một số ngành nhạy cảm. Đối tượng cần cân nhắc không nên là người có tiền và trả giá cao là mua được, mà cần xem xét nhiều yếu tố năng lực, công nghệ…”, bà Lan nói.
Trong thực tế đã có nhiều trường hợp đầu tư ẩn danh, đánh tráo khái niệm trên quan điểm tỷ lệ góp vốn; dùng vài ba nhà đầu tư khác nhau để thâu tóm ngành hàng trong nước.
Thế nên hiện nay, thế giới đang rất cẩn trọng nguồn FDI, ngay cả Mỹ cũng thận trọng vì sợ làn sóng đầu tư từ Trung Quốc để né thuế. Mỹ đưa ra luật định chính phủ có quyền xem xét đầu tư nước ngoài chứ không phải tự do như trước đây. Việt Nam cũng nên tham khảo ý này.
TS Phạm Chi Lan
NGUYÊN NGA
TNO