20/11/2024

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh

Hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới, và là ngày thứ 24 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trên toàn cầu, số ca nhiễm lên gần 4,1 triệu và gần 1,4 triệu ca hồi phục.

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Người già ở Thổ Nhĩ Kỳ được ra khỏi nhà

Lần đầu tiên sau gần hai tháng, người già ở Thổ Nhĩ Kỳ được ra đường ngày 10-5. Họ được phép ra khỏi nhà trong khoảng thời gian 11-15h trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp dụng chặt chẽ vào cuối tuần, theo đó cấm tất cả mọi người, trừ người lao động trong các lĩnh vực cấp thiết, ra đường.

Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế theo độ tuổi, cấm người trên 65 tuổi và người trẻ dưới 20 tuổi ra khỏi nhà.

Từ đầu tuần sau, nước này dự kiến bắt đầu nới lỏng các hạn chế, theo đó dần dần mở cửa lại các dịch vụ và trung tâm thương mại.

Đức tăng tốc lây nhiễm, Tây Ban Nha có số ca tử vong thấp

Số liệu ngày 10-5 cho thấy Đức dường như đang chứng kiến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 “tăng tốc” trở lại.

Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết tỉ lệ lây nhiễm (R0, tức tỉ lệ một người bệnh truyền bệnh cho người khác) đã tăng lên 1,1, nghĩa là 10 người nhiễm COVID-19 lây trung bình cho 11 người khác. RKI cảnh báo nếu thực sự khống chế và giảm dần dịch bệnh, R0 phải ở mức dưới 1.

Ngược lại Tây Ban Nha trong ngày 10-5 tiếp tục ghi nhận số ca tử vong giảm. Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 143 ca tử vong, giảm so với 179 ca của ngày trước đó và là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 vừa qua.

Việt Nam 24 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 10-5, nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới, và là ngày thứ 24 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 288, trong đó 48 ca từ nước ngoài được cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay đã có 241 trường hợp được điều trị khỏi, chiếm 84%. Hiện còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.

Riêng trường hợp bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này là bệnh nhân 91 phi công người Anh, hôm nay 10-5 Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn, tìm giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân.

Các chuyên gia đã đề xuất chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.

Hơn 1,4 triệu ca hồi phục

Tính đến 18h ngày 10-5 theo giờ Việt Nam, thống kê của trang worldometers.info cho biết số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã lên hơn 4,1 triệu với hơn 280.000 người đã qua đời. Tổng số ca hồi phục là hơn 1,4 triệu.

Trong đó, hơn 1,3 triệu người ở Mỹ đã dương tính với COVID-19 và hơn 80.000 ca tử vong.

Ý ghi nhận thêm 194 ca tử vong trong ngày 9-5, nâng tổng số bệnh nhân qua đời vì COVID-19 lên 30.395. Trong khi đó, số ca nhiễm của Ý cũng tăng thêm 1.083 lên 218.268.

Bộ Y tế Pháp ngày 9-5 thông báo số ca tử vong vì COVID-19 tăng 80 lên 26.310 và không ghi nhận ca nhiễm mới.

Nga vượt mốc 200.000 ca nhiễm

Nhà chức trách Nga ngày 10-5 cho biết, trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 11.012 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 209.688. Số ca tử vong tại Nga cũng tăng lên 1.915 người sau khi có thêm 88 ca tử vong mới được ghi nhận trong cùng thời gian.

*Singapore chiều 10-5 thông báo đã ghi nhận thêm 876 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.336 trường hợp. Phần lớn trong số này là các lao động nhập cư, sống tại các khu ký túc xá cho người nước ngoài.

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Malaysia kéo dài lệnh hạn chế di chuyển thêm 4 tuần

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 10-5 thông báo lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện sẽ được kéo dài thêm 4 tuần đến hết ngày 9-6. Theo đó, các doanh nghiệp được mở cửa hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch.

Ông Yassin cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong thời gian lệnh hạn chế di chuyển còn hiệu lực, và giữ vệ sinh. Malaysia hiện ghi nhận 6.589 ca nhiễm COVID-19 với 108 người chết.

Thụy Điển thừa nhận chưa bảo vệ đầy đủ người cao tuổi trước đại dịch COVID-19

Thuỵ Điển, đất nước có cách phòng chống COVID-19 khác với hầu như tất cả các nước châu Âu khác, khi không giãn cách xã hội triệt để, đã thừa nhận thất bại trong việc bảo vệ đầy đủ những người cao tuổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế và các vấn đề xã hội Lena Hallengren phát biểu trên truyền hình Thuỵ Điển: “Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ những người cao tuổi. Chúng ta phải học bài học này, vì chưa từng gặp đại dịch này bao giờ.

Theo AFP, người cao tuổi chiếm khoảng 50% trong số các ca tử vong ở các nhà dưỡng lão. Số liệu đến ngày 9-5 cho thấy nước này có 3.220 trường hợp tử vong.

Trước đó, Thuỵ Điển khẳng định ưu tiên bảo vệ những người trên 70 tuổi, nhưng trớ trêu là 90% những người tử vong từ 28-4 đến nay do COVID-19 đều trong độ tuổi này, theo thống kê của Cơ quan Y tế và An sinh Thuỵ Điển.

Sydney (Australia) mở lại nhiều hoạt động từ 15-5

Thủ hiến Gladys Berejiklian của bang New South Wales, bang lớn nhất ở Úc với thủ phủ là thành phố Sydney ngày 10-5 tuyên bố sẽ cho các quán cà phê, nhà hàng, sân chơi, hồ bơi ngoài trời hoạt động lại vào ngày 15-5.

Theo đó, nhà hàng, quán cà phê trong nhà hay ngoài trời chỉ được đón tối đa 10 khách cùng lúc. Người dân cũng được đến thăm nhà nhau với số lượng tối đa 5 người mỗi lần.

Khu vui chơi, hồ bơi hoạt động với những hạn chế nghiêm ngặt. Địa điểm tôn giáo chỉ được cho 10 người vào hành lễ. Đám cưới từ giới hạn trong phạm vi 2 khách mời nay được tăng lên 10 khách. Tang lễ trong nhà được phép tối đa 20 người dự.

Bang này là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 ở Úc với 45% số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Úc xảy ra ở New South Wales. Tuy nhiên, trong ngày 9-5, chỉ có 2 trường hợp nhiễm mới trong số gần 10.000 được xét nghiệm ở bang này.

Ngày 10-5, Thái Lan ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, không có trường hợp nào tử vong với COVDI-19.

Tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở Thái Lan là 3.009 trường hợp và 56 người tử vong.

Số ca nhiễm mới tăng ít đã khuyến khích Thái Lan cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau nhiều tuần bán phong tỏa đất nước.

Bộ Y tế Mexico ghi nhận thêm 1.938 ca COVID-19 và 193 trường hợp tử vong vào ngày 9-5. Số liệu mới đã nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 33.460, cùng với 3.353 ca tử vong.

Tính đến hết ngày 9-5, Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận thêm 14 ca nhiễm virus corona mới. Đây là con số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày ở nước này kể từ 28-4. Ngoài ra, không có trường hợp tử vong.

Trong số các ca nhiễm mới, chỉ có 2 ca là bệnh trở về từ nước ngoài. 12 ca được xác nhận còn lại là nhiễm virus từ trong nước và có đến 11 trường hợp là ở tỉnh Cát Lâm.

Số ca dương tính nhưng không có triệu chứng mới phát hiện là 20, 9-5 cũng là ngày có số ca dương tính không triệu chứng cao nhất kể từ ngày 1-5.

Tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới của Trung Quốc là 82.901, và tổng số người tử vong do bệnh COVID-19 là 4.633.

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 10-5, Hàn Quốc ghi nhân thêm 34 ca nhiễm virus corona chủng mới, có liên quan rõ ràng đến cụm lây nhiễm mới nhất cho các câu lạc bộ ở quận Itaewon ở Seoul.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, với số ca nhiễm mới này, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới của Hàn Quốc là 10.874, và tổng số người tử vong do bệnh COVID-19 giữ nguyên ở mức 256 người.

Sự gia tăng về số ca nhiễm mới này xuất phát từ một thanh niên 29 tuổi. Theo nhà chức trách, người này đã đi đến 5 quán bar và câu lạc bộ ở Itaewon trong tối ngày 1-5 rạng sáng ngày hôm sau.

Brazil ảnh hưởng nặng nhất khu vực Nam Mỹ

Trong vòng 24 giờ qua, Brazil có thêm 10.611 ca nhiễm mới và 730 trường hợp tử vong, và 9-5 là ngày có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh COVID-19 trong một ngày ở đất nước này.

Theo số liệu do Bộ Y tế nước này công bố ngày 9-5, giờ địa phương, Brazil hiện là quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhất ở Nam Mỹ, với tổng số 10.627 ca tử vong và 155.939 ca dương tính được xác nhận. Các nhà khoa học cho rằng con số thực tế có thể cao hơn từ 15-20 lần vì Brazil không có điều kiện xét nghiệm hàng loạt.

Theo AFP, Quốc hội và Toà án tối cao Brazil đã tuyên bố dành ba ngày tưởng nhớ các nạn nhân của dịch bệnh, còn các nhà lập pháp kêu gọi người dân tuân theo những khuyến cáo của cơ quan chức năng để giảm tỷ lệ lây nhiễm.

Tổng thống Jair Bolsonaro, người phản đối kịch liệt những biện pháp hạn chế như ở nhà vì quan ngại tác động kinh tế đến đất nước, vừa đi chơi mô tô nước ở hồ Paranoa ở Brasilia, trong lúc số người chết do dịch bệnh vượt mốc 10.000 người.

Giám đốc CDC Mỹ tự cách ly 2 tuần

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Robert Redfield, sẽ làm việc từ xa trong 2 tuần tới sau khi tiếp xúc với một người tại Nhà Trắng đã dương tính với COVID-19, theo người phát ngôn của CDC.

Thông tin này đến sau khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tuyên bố giám đốc của họ, bác sĩ Stephen Hahn, có kế hoạch tự cách ly vì nguyên do tương tự.

Cả 2 cơ quan trên đều không nêu tên người dương tính với COVID-19 mà ông Redfield và ông Hahn tiếp xúc.

Hai quan chức trên đều là thành viên lực lượng chuyên trách COVID-19 của Nhà Trắng. Cuộc họp gần nhất của nhóm này diễn ra hôm 7-5.

Theo hãng tin AFP, thống kê của đại học Johns Hopkins cho thấy trong vòng 24 giờ qua, Mỹ có thêm 1.568 ca tử vong do bệnh COVID-19. Tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở Mỹ là 1.309.164, và tổng số người tử vong do bệnh COVID-19 là 78.746 người.

Hiện Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất về nhân mạng do dịch bệnh này trên toàn thế giới.

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh - Ảnh 3.

Bệnh nhân nghi nhiễm virus corona chủng mới tại một bệnh viện thành phố Mexico, ngày 7-5 – Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Canada lo ngại tình hình ở Montreal

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 9-5 tuyên bố bản thân lo lắng trước tình hình dịch bệnh tại vùng Montreal, tỉnh Quebec. Số ca mắc COVID-19 đã giảm tại đa số các vùng của Canada, trừ thành phố Montreal.

Canada hiện đã ghi nhận hơn 68.000 ca nhiễm và 4.8000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm tại Motreal chiếm tới 1/4 trong tổng số cả nước, giới chức địa phương cho biết.

Tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 346 người trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 31.587 người.

Mỹ chuẩn bị mua 3 tỉ USD nông sản

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-5 cho biết sang tuần sau Mỹ sẽ bắt đầu mua 3 tỉ USD nông sản từ nông dân, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao buộc nhiều người dân nước này xếp hàng nhận trợ cấp lương thực.

Cho đến nay, giới truyền thông vẫn chưa rõ tuyên bố của ông có phải là một phần của kế hoạch giải cứu trị giá 19 tỉ USD do Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra hồi tháng 4 hay không. Cơ quan này cũng từng cho biết sẽ mua 3 tỉ USD hàng nông sản.

Mỹ đã mất khoảng 20,5 triệu việc làm trong tháng 4 và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức 14,7%, theo số liệu công bố hôm 8-5.

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 ngày 10-5: Hội đồng chuyên môn hội chẩn cho bệnh nhân phi công Anh - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TR.PHƯƠNG – NGUYÊN HẠNH – LAN ANH – HỒNG VÂN – DUY LINH
TTO