Doanh nghiệp chỉ xin cơ chế, không xin tiền
Doanh nghiệp chỉ xin cơ chế, không xin tiền
“Trong khó khăn, doanh nghiệp nói không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp, tôi tin là tâm thế của người chiến thắng”.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét trên trong báo cáo về kiến nghị, đề xuất sáng kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại buổi họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9.5 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Khai mở mặt trận phục hồi kinh tế
Ông Lộc cho biết, VCCI đã gửi báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng với gần 150 sáng kiến và kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp và rất cảm ơn khi Chính phủ xem xét các kiến nghị này trong quyết định của các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cách đây hơn 3 tuần, Thủ tướng đã có một quyết định quan trọng và rất khó khăn là dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước. Với quyết định này của Thủ tướng, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực. Một khảo sát cộng đồng doanh nghiệp vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 của VCCI cho thấy, 55% doanh nghiệp cho biết tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% quyết định mở rộng quy mô trong quý 3 và chỉ có 21% ý kiến cho biết thu hẹp quy mô”, ông Lộc nói và nhận xét xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với khảo sát trước đó. Điều này cho thấy sức sống kiên cường, khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt trong khó khăn khủng hoảng rất cao.
Nhiều doanh nghiệp doanh thu sụt giảm, lợi nhuận không còn nhưng vẫn cố gắng cao nhất duy trì việc làm cho người lao động. Điều này chứng tỏ tình cảm và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, họ chính là cỗ máy tạo việc làm cho nền kinh tế, đánh đổi sự bình yên an nguy của cá nhân, gia đình mình tạo sinh kế cho người lao động, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh này.
|
“Tôi đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân đã dũng cảm kiên cường trong đại dịch”, ông Lộc nhấn mạnh. Tuy tình hình đã được cải thiện, theo ông Lộc, vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng…
Trong khó khăn, Chính phủ đã dành gói tài khóa tín dụng quy mô chưa từng có để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ miễn giảm các sắc thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế trong 6-12 tháng và có giải pháp nâng trần tăng trưởng tín dụng… Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn. Lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Lộc nhấn mạnh.
Về giải pháp căn cơ dài hạn, ông Lộc dẫn lời của Thủ tướng “trong nguy có cơ”, chống dịch nhưng sản xuất phải phát triển. Ông Lộc thông tin, trong nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 vừa được VCCI công bố mới đây có điểm trung vị cao nhất từ trước đến nay. 70 – 80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Trên thế giới, làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu cũng lớn nhất trong lịch sử nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Việt Nam được chọn như điểm đến đầu tư an toàn.
Để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể thế là quan trọng nhất. Quốc hội và Chính phủ chủ trương đưa Việt Nam về nhóm 3 và nhóm 4 cạnh tranh trong nhóm ASEAN, ông Lộc đề nghị Chính phủ kiên định với mục tiêu này. Cần có chiến lược chủ động tìm đến nhà đầu tư, không nên thụ động để họ tìm đến mình. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt hiện nay là tiêu thụ, cần phát động ưu tiên dùng hàng Việt và kéo dài đến cuối năm. Trong phần phát biểu, ông Lộc cũng gọi đây là “khai mở mặt trận phục hồi kinh tế”. Cần có ban chỉ đạo và Thủ tướng đích thân là trưởng ban chỉ đạo…
6 vấn đề của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình bày tại cuộc họp trực tuyến nhìn nhận sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là nhiều quyết sách quan trọng như Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15… Đã có nhiều gói hỗ trợ ra đời liên quan đến an sinh xã hội, tài khóa, điện, viễn thông và đặc biệt với ngành ngân hàng.
|
Tuy nhiên, nhu cầu về vốn và ngân sách cho doanh nghiệp và an sinh xã hội còn lớn. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Thân kiến nghị 6 vấn đề với Thủ tướng như sau.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay. Hiện có 28 quỹ bảo hiểm tín dụng trên toàn quốc với tổng nguồn vốn 1.450 tỉ đồng. Số tiền này quá nhỏ so với cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt trong thời dịch Covid-19.
Thứ hai, về giải ngân đầu tư công, liên quan nhiều luật và bộ ngành, tỷ lệ giải ngân cao hơn so với năm ngoái. Nhưng đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30 – 40% xuống còn 15 – 20%.
Thứ ba, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.
Thứ tư, kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể giãn thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2020; miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và miễn toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.
Thứ sáu, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
NGUYÊN NGA
TNO