Tham nhũng thời đại dịch Covid-19
Tham nhũng thời đại dịch Covid-19
Tham nhũng trong lúc thế sự bình thường đã là điều không thể chấp nhận, tham nhũng giữa tình cảnh dịch bệnh hoành hành lại càng tệ hại và đáng lên án hơn.
Đại dịch Covid-19 đang tạo ra một cơn địa chấn ở phạm vi toàn cầu khiến mọi quốc gia, vùng lãnh thổ phải ra sức chống chọi. Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình đó, nhu cầu về trang thiết bị y tế cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho những người bị ảnh hưởng đều tăng cao và những kẻ tham lam lại coi đó là thời cơ để trục lợi.
Đáng xấu hổ
Theo tờ The Washington Post, chính phủ các nước đang chi tiền tỉ để mua vật tư y tế và đưa ra các gói hỗ trợ để phòng chống dịch cũng như giảm nhẹ tác động kinh tế – xã hội do Covid-19 gây ra. Họ phải ưu tiên tốc độ để nhanh chóng đưa sản phẩm thiết yếu về. Những quan tham và kẻ gian đã lợi dụng tình thế, kẽ hở đó để đẩy giá và thực hiện hành vi tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch quốc tế mới đây đã cảnh báo về thực trạng này ở các nước. Ông Max Heywood, điều phối viên toàn cầu của tổ chức, cho hay: “Những vụ việc như vậy đang xảy ra. Nhìn vào các lỗ hổng trong hệ thống và số tiền thực tế được sử dụng, thật sự phải nói rằng chúng tôi rất lo ngại”.
Đã có những vụ việc bị phanh phui trong thời gian gần đây. Tại Colombia, khi các quan chức bang Cesar bắt đầu phân phát những thùng thực phẩm tới người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, nghị sĩ Ricardo Quintero phát hoảng khi thấy mức giá được kê để trả cho nhà cung cấp. Ông tự mình kiểm chứng bằng cách tới một cửa hàng ở địa phương để mua thì số tiền phải trả chỉ bằng một nửa so với con số mà chính quyền bang đưa ra.
Đó chỉ là một trong 14 vụ việc đang được điều tra hình sự tại 14 bang thuộc quốc gia Nam Mỹ này liên quan đến việc kê khống giá lên quá cao giữa dịch Covid-19. “Bạn có thể thấy tham nhũng bất cứ lúc nào. Nhưng đau đớn nhất là chúng ta phải nhìn thấy cảnh ấy vào ngay lúc này”, ông Quintero nói.
Tại Bangladesh, khi chính phủ triển khai việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn vì không thể làm việc do dịch bệnh trong tháng 4, hơn 272 tấn gạo đã không cánh mà bay. Khoảng 50 người bao gồm quan chức chính phủ và địa phương đã bị cáo buộc cố tình bán lại gạo với giá cao hơn.
“Giữa lúc khủng hoảng quốc gia như thế này, các đức tính tốt nhất của con người như đoàn kết và đồng cảm đáng ra phải được bộc lộ, điều chúng ta thấy theo nhiều cách khác nhau. Thật đáng tiếc và đáng xấu hổ khi sự xấu xa nhất của con người lại xuất hiện vào lúc này”, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch quốc tế Bangladesh Iftekharuzzaman cảm thán.
Vùng xám
Khi tình thế cấp bách, các chính phủ đã bỏ những quy định nghiêm ngặt như đấu thầu, cạnh tranh giá cả. Theo quy luật cung – cầu, các mặt hàng và trang thiết bị y tế có giá cao hơn bình thường. Điều này có thể hiểu được. Nhưng mức chênh lệch giá quá lớn trong các hợp đồng nhà nước cũng như thân thế đáng ngờ của các nhà cung cấp đã làm dấy lên nghi vấn tham nhũng ở nhiều nơi.
Tại Romania, quy trình đấu thầu thông thường bị tạm ngừng khiến các thỏa thuận cửa sau có cơ hội sinh sôi. Theo Dự án báo cáo về tội phạm và tham nhũng có tổ chức (OCCRP), hồi cuối tháng 3, lô hàng gồm 1 triệu khẩu trang y tế được chuyển đến Romania và phân phối cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã gây thất vọng.
Tài liệu do Tổ chức phi chính phủ RISE Romania cung cấp cho thấy Công ty B.S.G. Business Select SRL giành được gói thầu trị giá hơn 900.000 USD mà không phải qua đấu thầu để cung cấp khẩu trang và đồ bảo hộ cho Unifarm, đơn vị phân phối cho các cơ sở y tế khắp nước này. B.S.G mua hàng từ một nhà cung cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ với tổng trị giá khoảng 600.000 USD. Chỉ một ngày sau, công ty bán cho Unifarm lô hàng trên với giá hơn 900.000 USD, thu lời chóng mặt.
Cũng tại Romania, một công ty nhỏ tên Romwin và Coffee SRL chuyên bán thuốc lá và rượu đã giành được 2 hợp đồng nhà nước trị giá 12,6 triệu USD để cung cấp trang thiết bị y tế chuyên dụng với giá gấp đôi so với trên thị trường. Sorin Ionita, chuyên gia về cải cách hành chính công ở nước này, gọi cuộc cạnh tranh hợp đồng thời Covid-19 như thể “vùng xám”, và có nhiều trường hợp rất khó để xác định có tham nhũng hay không.
Cố ngăn chặn
Nhóm các quốc gia chống tham nhũng của Hội đồng Châu Âu (GRECO) mới đây đã ban hành hướng dẫn tới 50 nước thành viên nhằm ngăn chặn tham nhũng trong hoàn cảnh khẩn cấp về y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Hướng dẫn này nhấn mạnh sự bùng phát Covid-19 làm gia tăng rủi ro tham nhũng, đặc biệt là ngành y tế, do đó các biện pháp của chính quyền trung ương cũng như địa phương để ứng phó dịch phải thật minh bạch và được giám sát chặt chẽ. GRECO cho rằng việc thông tin thường xuyên, minh bạch qua nền tảng kỹ thuật số là những công cụ có giá trị để ngăn chặn tham nhũng.
Tại Mỹ, các quy định ngăn ngừa tham nhũng cũng được đưa ra khi nước này triển khai gói cứu trợ 2.200 tỉ USD. Theo quy định, doanh nghiệp có tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào giữ đa số cổ phần đều không được nhận tiền từ gói cứu trợ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng thiết lập một ủy ban thanh tra tổng thể để giám sát việc chi tiêu trong gói này. Dù vậy, các nhà quan sát vẫn lo ngại sẽ có gian lận gây thất thoát tiền cũng như sự can thiệp của Nhà Trắng trong việc triển khai gói cứu trợ khổng lồ trên.
Theo tờ The Washington Post, luật chống tham nhũng cũng đã giúp một số vụ việc khả nghi bị phanh phui ở các nước. Tại Argentina, chính quyền thủ đô Buenos Aires phải công khai các hợp đồng mua sắm để người dân có thể tìm thấy trên mạng, ngay cả trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Nhờ quy định này, ít nhất 2 thỏa thuận khả nghi đã được đưa ra ánh sáng.
Trong một thương vụ 15.000 khẩu trang y tế, mỗi chiếc có giá hơn 40 USD từ một công ty mà vốn lưu động chỉ có 1.500 USD. Vụ còn lại liên quan đến thỏa thuận đưa các bệnh nhân Covid-19 tới một khách sạn mà chị gái của thị trưởng thành phố Buenos Aires nằm trong hội đồng quản trị. Sau khi bị báo chí đưa tin, hai hợp đồng và thỏa thuận trên bị hủy bỏ và 2 quan chức của thành phố phải từ chức.
NGỌC MAI
TNO