20/11/2024

Hàng loạt đại học thay đổi đề án tuyển sinh

Hàng loạt đại học thay đổi đề án tuyển sinh

Ngày 23-4, hàng loạt trường đại học trong cả nước thông báo thay đổi toàn bộ đề án tuyển sinh đã công bố trước đó, khi kỳ thi THPT quốc gia đã được chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

 

Hàng loạt đại học thay đổi đề án tuyển sinh - Ảnh 1.

Năm nay, nhiều đại học dành chỉ tiêu cho thí sinh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 – Ảnh: ANH KHÔI

Dù công bố đề án tuyển sinh mới nhất, nhưng nhiều trường vẫn chưa thể “chốt” vì phải chờ Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh năm 2020.

Tăng mạnh chỉ tiêu đánh giá năng lực

Chiều 23-4, hội đồng tuyển sinh nhiều trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã họp để điều chỉnh đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn chưa có trường nào đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH sẽ thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo Luật giáo dục ĐH. Về chủ trương tuyển sinh vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020, ông Quân cho biết sẽ tiếp tục hình thức thi đánh giá năng lực và tăng chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi này vào các trường thành viên.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết: “Nếu số môn thi THPT rút gọn chỉ để xét tốt nghiệp thì phương thức 1 (xét kết quả thi THPT) sẽ sử dụng kết quả thi THPT kết hợp với kết quả của quá trình học tập THPT (điểm học bạ). Các phương thức còn lại giữ nguyên”.

Tương tự, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho biết cơ cấu các phương thức tuyển sinh mới của trường như cũ.

Tuy nhiên, tỉ lệ phần trăm tuyển cho mỗi phương thức xét tuyển sẽ được nhà trường điều chỉnh, trong đó điểm thi đánh giá năng lực sẽ tăng lên khá nhiều. Các tổ hợp môn xét tuyển sẽ thay đổi.

Còn ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng khi sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề án tuyển sinh phải thay đổi vì hai bài thi tổ hợp chỉ lấy một đầu điểm, nên các tổ hợp xét tuyển sẽ phải thay đổi…

Vẫn xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Trong đề án tuyển sinh mới các trường vừa công bố, hầu hết vẫn tiếp tục dành chỉ tiêu để xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Chẳng hạn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thay đổi toàn bộ đề án tuyển sinh với ba phương thức xét tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi THPT.

Đề án mới này cắt giảm chỉ tiêu phương thức xét điểm thi THPT với tổ hợp ba môn thi từ 20 điểm trở lên tối đa chỉ còn 30%. Đối với xét tuyển học bạ, xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp (có 3 môn) vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà.

Còn đề án tuyển sinh mới của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với 4 phương thức xét tuyển và phân bổ lại chỉ tiêu cho các phương thức này. Trong đó trường vẫn sẽ dành 40% chỉ tiêu để xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.

Đối với phương thức sử dụng kết quả học tập THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 trường dành 30% chỉ tiêu, xét điểm các môn có trong tổ hợp xét tuyển của ngành xét tuyển tương ứng, ngưỡng nhận hồ sơ là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 19,5 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vẫn giữ tổng số 3.500 chỉ tiêu cho 26 ngành bậc ĐH nhưng số chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển đều thay đổi.

Trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn (40% tổng chỉ tiêu), xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn (40% tổng chỉ tiêu), xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 với thí sinh có điểm từ 700 trở lên (10% tổng chỉ tiêu).

Tổ chức thi riêng

Theo TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, năm nay trường sẽ giảm nhiều nhất chỉ tiêu phương thức xét điểm thi THPT, tăng chỉ tiêu cho kỳ thi tuyển sinh riêng do trường tổ chức và xét theo học bạ THPT.

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT – cũng cho biết sẽ chỉnh lại đề án tuyển sinh…

Trường phía Nam xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội

Trường ĐH Tài chính – marketing điều chỉnh với phần lớn chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả học tập THPT, xét kết quả thi năng lực.

Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT tối đa 60% chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tối đa 15% chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tối đa 25% chỉ tiêu.

TS Đặng Thị Ngọc Lan – phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết thêm: “Riêng thí sinh xét tuyển dựa trên điểm thi của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ áp dụng trong năm 2020. Do có sự thay đổi về các môn thi tốt nghiệp, nên nhà trường sẽ thay đổi các tổ hợp xét tuyển cho phù hợp”.

Chờ Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh 2020

1 trang 13 ngay 24 2(read-only)

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ở phía Bắc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân ngày 14-4 thông báo nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.

Tuy nhiên, sau khi có phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, trường này đã hủy phương án thi và thực hiện xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT năm 2020.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào ĐH chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, trường sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên.

Học viện Tài chính đã công bố phương án tuyển sinh: (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT; (2) Xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT; (3) Xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT năm 2020; (4) Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020; (5) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT đối với thí sinh nước ngoài.

Tuy nhiên, học viện này cũng như nhiều trường ĐH khác vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. “Chúng tôi vẫn có phương án tổ chức thi riêng vì đằng nào năm sau các trường cũng tiến tới tổ chức thi riêng rồi” – TS Nguyễn Đào Tùng, phó hiệu trưởng Học viện Tài chính, cho biết.

Còn PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải – chia sẻ băn khoăn: “Các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng đều muốn được làm rõ quy chế. Đồng ý là các trường được tự chủ thì quyền được tuyển sinh đến đâu, tuyển thế nào, làm việc với các tỉnh ra sao. Rồi còn vấn đề của thí sinh, được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng…”.

Hiện mới có ĐH Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa đã công bố phương án tuyển sinh riêng. ĐH Quốc gia Hà Nội chưa chốt được thời gian vì hiện giờ có nhiều trường muốn tham gia tổ chức kỳ thi riêng cùng trường này.

NGỌC DIỆP

TRẦN HUỲNH
TTO