25/11/2024

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công

Dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, do vậy đầu tư công, với số vốn có sẵn khoảng 700.000 tỉ đồng và có thể tăng thêm, được xem là một trong những quả đấm thép để kinh tế phục hồi.

 

 

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 1.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu khởi công được các dự án có tổng mức đầu tư 112.073 tỉ đồng này trong năm 2020 sẽ sớm giải ngân vốn đầu tư công, tạo thêm công ăn việc làm góp phần tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Thêm dự án dùng vốn công

Theo nghị quyết 52 của Quốc hội, dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP. Tổng mức đầu tư 102.513 tỉ đồng gồm 51.702 tỉ đồng vốn BOT, 50.811 tỉ đồng vốn nhà nước.

Hiện nay đã thi công 3 dự án vốn đầu tư công là Cam Lộ – La Sơn (Quảng Trị), Cao Bồ – Mai Sơn (Ninh Bình), cầu Mỹ Thuận 2. Tổng cộng 3 dự án này sử dụng 14.279 tỉ đồng vốn đầu tư công.

Còn 8 dự án PPP chuyển sang đầu tư công có tổng mức đầu tư 88.234 tỉ đồng, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục để có thể khởi công trong tháng 8-2020 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư.

Với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,6km, giai đoạn 1 đầu tư mặt đường 4 làn xe, rộng 17m, tổng mức đầu tư 5.408 tỉ đồng, Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.

Còn dự án sửa chữa đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đường băng 11R/29L (1B) sân bay Nội Bài (Hà Nội) cùng các đường lăn liên quan có tổng mức đầu tư dự kiến 4.152 tỉ đồng.

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 2.

Máy bay của các hãng hàng không chờ cất cánh và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi có dịch COVID-19 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổng cộng các dự án trên có tổng mức đầu tư 112.073 tỉ đồng (hiện đã bố trí 14.279 tỉ đồng cho 3 dự án đường cao tốc đã thi công). Nếu các cấp có thẩm quyền sớm bố trí được nguồn vốn, ra quyết định đầu tư, triển khai thi công nhanh sẽ sớm giải ngân, tạo công ăn việc làm kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Tổng cộng có 112.073 tỉ đồng để thực hiện đầu tư 11 dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và dự án sửa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Nếu các dự án này khởi công được trong năm 2020, tạm ứng được cho nhà thầu 20% giá trị để thi công thì cũng giải ngân được hơn 22.000 tỉ đồng trong năm 2020 để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19” – một chuyên gia nhận định.

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Khó xài tiền nếu theo quy trình thông thường

Theo quy trình hiện nay, 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam hiện đang thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư PPP theo nghị quyết của Quốc hội, nên Chính phủ cần xin ý kiến của Bộ Chính trị rồi trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5-2020 điều chỉnh chủ trương đầu tư sang đầu tư công.

Sau đó, Chính phủ ban hành nghị quyết thực hiện dự án vào tháng 6-2020, tiếp đến Bộ GTVT cần tối thiểu 4 tháng để triển khai các thủ tục liên quan về lựa chọn nhà thầu theo quy định. Nhanh nhất cũng đến tháng 11 hoặc tháng 12-2020 mới khởi công được.

Để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư công các dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép họ triển khai hành động trước một số thủ tục triển khai dự án trong thời gian Quốc hội chưa ban hành nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam.

Cụ thể, 8 dự án cao tốc Bắc – Nam chuyển từ hình thức PPP sang, cùng với các bước của Chính phủ trình lên Quốc hội, Bộ GTVT sẽ thực hiện song song các công việc liên quan như: phê duyệt điều chỉnh dự án có hiệu lực ngay khi Quốc hội ra nghị quyết, phê duyệt kế hoạch đấu thầu theo hình thức đầu tư công trước 15-5.

Còn công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu, dự thảo quyết định phê duyệt đầu tư dự án sẽ thực hiện gấp trong vòng 1 tháng từ 30-4 đến 25-5, để ngay sau khi có nghị quyết của Quốc hội, các thủ tục này sẽ phê duyệt chính thức trong 10 ngày đầu tháng 6-2020 nhằm kịp phát hành hồ sơ yêu cầu theo hình thức chỉ định thầu trong 10 ngày giữa tháng 6-2020.

Tiếp đó sẽ đẩy nhanh tiến độ đánh giá nhà thầu trước 20-7-2020 để Bộ GTVT có thể thẩm định, phê duyệt trước 10-8 và khởi công gói thầu đầu tiên của 8 dự án vào 10 ngày cuối tháng 8-2020, khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 9-2020.

700.000 tỉ đồng chờ giải ngân thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 4.

Một số dự án đầu tư sẽ chuyển đổi hình thức từ đầu tư công tư sang đầu tư công, bố trí thêm vốn cho một số dự án như cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (trong ảnh) – Ảnh: CHÍ QUỐC

Với đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng quyết định điều chỉnh hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công trước 20-4-2020 để bộ này phê duyệt điều chỉnh dự án trước 10-5; thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán… để có thể chọn được nhà thầu trước 10-12 và khởi công trong tháng 12-2020.

Còn dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đã có chủ trương bố trí ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2019.

Do tính chất cấp bách nên Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách theo quy định của Luật xây dựng để có thể triển khai thi công ngay trong tháng 7-2020, nhanh hơn 6 tháng so với quy trình thông thường.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường ĐH GTVT):

Phải triển khai như thời chiến

nguyen quang toan

PGS.TS Nguyễn Quang Toản

Dù thủ tục có rườm rà đến mức nào nhưng nếu quyết tâm khởi công trong năm 2020 vẫn thực hiện được. Từ trước đến nay ở Việt Nam, có công trình nào cần làm nhanh, khẩn cấp, nếu có quan tâm chỉ đạo, đều có thể hoàn thành.

Thời chiến chúng ta làm được nhiều việc mà không chờ quy định pháp luật hướng dẫn. Nay chống dịch như chống giặc, có thể áp dụng những quy định như thời chiến và được cụ thể hóa bằng nghị quyết, nghị định.

Trước đây hay nói chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng, vì địa chất phức tạp nhưng thực ra cái khó nhất là không có vốn. Còn hiện nay, chúng ta đã có sẵn tiền, vậy tại sao lại chấp nhận để tiền nằm kho trong khi người dân cần việc làm, doanh nghiệp cần tiêu thụ hàng hóa!

Không chấp nhận giải ngân ì ạch

Thông tin từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết đến hết tháng 3, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 57.500 tỉ đồng, bằng 12,8% kế hoạch giao. Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết đạt mức rất thấp.

Lũy kế đến 31-3 mới được hơn 2.666 tỉ đồng trên tổng số vốn được giao cả năm là 56.700 tỉ đồng. Trong đó, đối với các bộ, ngành trung ương, tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 18.216 tỉ đồng nhưng tính đến hết quý 1 trong 23 bộ, ngành trung ương mới có 4 bộ giải ngân số tiền là 1.071 tỉ đồng.

Còn đối với địa phương, tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 38.484 tỉ đồng, có 33 tỉnh chưa thực hiện giải ngân. Tổng vốn giải ngân lũy kế đến 31-3 mới đạt 1.595 tỉ đồng.

Cũng theo KBNN, hết quý 1, có 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020, với tổng số vốn theo kế hoạch khoảng 225.679 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại KBNN. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2020.

KBNN kiến nghị Bộ Tài chính có ý kiến với các bộ ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được UBND tỉnh giao vốn năm 2020 đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Đồng thời, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, để không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.

L.THANH

TUẤN PHÙNG
TTO