23/11/2024

Vì sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất khác nhau giữa các nước?

Vì sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất khác nhau giữa các nước?

Trong theo dõi tin tức cập nhật về dịch bệnh COVID-19 hằng ngày, bạn dễ nhận thấy một thực tế: tỉ lệ người bệnh tử vong tại các nước không giống nhau. Vì sao như vậy?

 

 

Vì sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất khác nhau giữa các nước? - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 trong phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện San Raffaele ở Milan, Ý ngày 27-3-2020 – Ảnh: REUTERS

Theo đài DW, tại Đức, số ca tử vong vì COVID-19 tương đối thấp so với số ca dương tính với corona đã xác định được.

Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với Ý cũng như nhiều nước bị ảnh hưởng dịch khác. Theo số liệu hiện tại của Đại học Johns Hopkins (Baltimore, Mỹ), tỉ lệ chết vì COVID-19 ở Đức là 0,4%, trong khi tỉ lệ này cao hơn 20 lần ở Ý.

Nhiều nhân tố tác động

Theo ĐH Johns Hopkins, căn cứ theo dân số các nước (số liệu năm 2018), tỉ lệ trung bình số người bệnh COVID-19 chết trên 1 triệu dân ở một số nước (xếp từ cao đến thấp) gồm Ý, Tây Ban Nha, Iran, Hà Lan, Pháp, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc lần lượt là: 124,16; 78,05; 25,39; 20,72; 19,90; 7,02; 3,21; 2,54; 2,48 và 2,36.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có nhiều nhân tố khác nhau tác động tới độ chênh lệch rất đáng kể về tỉ lệ người bệnh chết vì COVID-19 ở các nước. Tuy nhiên có thể kể tới 3 lý do quan trọng nhất.

Trước hết là vấn đề “tháp dân số”, hay là sự phân bố độ tuổi và giới tính của dân số của một quốc gia. Kế đó là các năng lực y học cũng như hệ thống chăm sóc y tế của từng nước.

Và yếu tố thứ ba quan trọng không kém là số người được xét nghiệm COVID-19. Việc biết và ghi nhận chính xác số người bệnh sẽ phản ánh độ chính xác của những số liệu liên quan được công bố, trong đó có tỉ lệ người chết.

Tại một số nước, các xét nghiệm bổ sung được tiến hành với những người đã chết và điều này tất yếu tác động tới các chỉ số thống kê.

Ai được xét nghiệm?

Chuyên gia kinh tế Đức Andreas Backhaus chia sẻ quan điểm trên Twitter: tại Ý, độ tuổi trung bình của các ca bệnh COVID-19 là 63, trong khi ở Đức là 45, sau khi căn cứ vào các số liệu do các cơ quan chức năng chính thống từng nước công bố.

Ông Andreas Backhaus cho rằng đây chính là một lý do dẫn tới tỉ lệ người chết vì COVID-19 ở hai nước khác nhau một trời một vực.

Điều này có thể được giải thích là tại Ý, những người trẻ (nếu có bệnh cũng thường nhẹ hơn) được xét nghiệm COVID-19 ít hơn so với Đức. Chính vì thế, số ca bệnh COVID-19 ở người trẻ sẽ không được ghi nhận vào tổng số ca bệnh của nước này. Theo đó sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ tử vong nói chung vì chỉ những người bệnh nặng mới được “kiểm kê”.

Nhật báo Corriere della Sera của Ý cũng đã nêu nhận định cho rằng có thể có một số lượng lớn ca bệnh COVID-19 chưa được ghi nhận, cả trong số những người đã nhiễm lẫn những người đã chết sau khi nhiễm bệnh.

Một thực tế hoàn toàn trái ngược với Ý đã diễn ra ở Hàn Quốc. Chính quyền tại Seoul đã chỉ đạo chiến dịch thực hiện xét nghiệm COVID-19 hàng loạt với quy mô lớn hơn mọi quốc gia khác trên thế giới. Và như mọi người đều thấy, tỉ lệ người bệnh chết vì COVID-19 ở Hàn Quốc tương đối thấp.

Vì sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất khác nhau giữa các nước? - Ảnh 2.

Một khu bệnh xá dã chiến tại Sejong, Hàn Quốc dành điều trị người bệnh COVID-19 bị nhẹ – Ảnh: YONHAP

Tháp dân số

Độ tuổi trung bình dân số mỗi nước cũng có thể là nhân tố dự phần ở đây. Những người lớn tuổi hơn thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và họ cũng thường là nhóm người có sẵn bệnh nền nhiều hơn.

Vì thế, không khó hiểu khi virus mầm bệnh tấn công người già (thường có hệ miễn dịch yếu hơn) dễ dàng hơn người trẻ.

Tuy nhiên, nhân tố này lại không giúp giải thích thuyết phục về sự khác biệt rất đáng kể về tỉ lệ tử vong giữa Ý và Đức, vì tháp dân số của hai nước này tương tự nhau. Năm 2018, độ tuổi trung bình dân số Đức là 46 thì Ý là 46,3.

Tuy nhiên nhân tố này có thể đóng vai trò lớn hơn khi đánh giá tình hình dịch bệnh tại vùng hạ Sahara châu Phi, nơi độ tuổi trung bình dân số của các nước trẻ hơn nhiều, chẳng hạn ở CH Chad là 16 tuổi.

Thời điểm bùng phát dịch

Lộ trình bùng phát dịch bệnh COVID-19 có thể cung cấp thêm một cứ liệu giải thích nữa cho sự khác biệt về tỉ lệ người chết ở các nước.

Tại những nước tới nay bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, như Ý và Tây Ban Nha, có vẻ dịch bệnh đã bùng phát sớm hơn.

Vì sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để diễn biến dịch đi từ thời điểm bùng phát đầu tiên cho tới khi những người bệnh nặng qua đời. Theo đó, tỉ lệ người chết trong số những ca bệnh COVID-19 đã xác định sẽ tăng vào thời điểm cuối của dịch bệnh.

Vì sao tỉ lệ tử vong do COVID-19 rất khác nhau giữa các nước? - Ảnh 3.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

“Sức khỏe” của hệ thống y tế

Tuy nhiên tỉ lệ người chết vì COVID-19 còn liên quan tới một vấn đề quan trọng nhất, đó là việc hệ thống y tế của một quốc gia đã được chuẩn bị tốt tới mức nào trong việc ứng phó với một dịch bệnh kiểu như COVID-19, và liệu nó có khả năng “san bằng đỉnh dịch” hay không.

Vấn đề ở đây là khả năng giảm được các đợt tăng sốc về số ca nhiễm cũng như số người chết, duy trì những số liệu này ổn định thông qua các nỗ lực kiểm soát dịch.

Chẳng hạn người ta có thể giảm được số người chết nếu có sự hỗ trợ đầy đủ của máy thở cùng các trang thiết bị y tế, thuốc men cần thiết.

Do đó, việc có đủ giường bệnh chăm sóc tích cực sẽ là yếu tố quan trọng trong việc một nước có thể cứu được nhiều bệnh nhân COVID-19 đã chuyển nặng hay không.

Xét riêng yếu tố này thôi đã có sự khác biệt lớn giữa Ý và Đức. Trong khi dân số Ý khoảng 60 triệu người, vào thời điểm mới bùng phát dịch, họ chỉ có khoảng 5.000 giường bệnh chăm sóc tích cực.

Trong khi đó, Đức có khoảng 80 triệu dân nhưng có tới 28.000 giường chăm sóc tích cực. Con số này sẽ còn sớm được tăng gấp đôi.

Xét về tỉ lệ giường bệnh chăm sóc tích cực trên thế giới cũng có nhiều khác nhau. Tại Đức, cứ 100.000 người có 29 giường, tỉ lệ này ở Mỹ là 34, ở Ý là 12, ở Tây Ban Nha là 10.

Song tại Hàn Quốc, mặc dù tỉ lệ này cũng chỉ là 10,6 giường song những nhân tố giúp Hàn Quốc giảm đáng kể số người chết là nhờ xét nghiệm hàng loạt và nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly phòng dịch.

Nhờ các biện pháp này, Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh ngay từ đầu. Tới nay nước này chỉ có khoảng 10.000 ca nhiễm, trong khi Ý nhiều gấp 8 và Tây Ban Nha nhiều gấp 6.

Chừng nào đại dịch COVID-19 còn tiếp tục, dường như sẽ còn có những khác biệt lớn những về số ca nhiễm cũng như tỉ lệ người chết vì COVID-19 giữa các nước cũng như giữa các châu lục.

Và chỉ tới khi dịch bệnh này hoàn toàn kết thúc, những số liệu thống kê ổn định, chính xác hơn, giới phân tích mới mong có những nhận định khoa học chính xác hơn nữa về lý do vì sao lại có những khác biệt như vậy.

D. KIM THOA
TTO