Virus và chiến tranh sinh học: Những kịch bản, ‘lời cảnh tỉnh’ rợn người
Virus và chiến tranh sinh học: Những kịch bản, ‘lời cảnh tỉnh’ rợn người
Từ thời cổ đại, con người đã coi dịch bệnh như một vũ khí nhưng họ dùng những cách lây truyền bệnh rất thô sơ. Thực tế, dịch bệnh do virus vẫn là mối đe dọa cho sự tồn vong của nhân loại từ đó đến nay.
Từ những ‘cuộc chiến sinh học’ trong quá khứ…
Vào giai đoạn 1500 – 1200 Trước Công nguyên, người Hittites đã xua đuổi những người đang mang bệnh viêm hạch (tularemia) vào lãnh thổ đối phương để làm lan truyền bệnh này.
Còn các cung thủ người Assyrian thì nhúng đầu mũi tên vào phân và xác chết động vật, binh sĩ La Mã cũng thực hiện cách tương tự (nhưng họ thì dùng cách nhúng lưỡi kiếm). Mục đích là gây bệnh uốn ván (tetanus) cho binh sĩ đối phương khi giao chiến.
Năm 1346, khi quân Mông Cổ tấn công vùng Crimean, họ đã dùng giàn phóng để bắn các xác chết binh sĩ của họ đã tử vong vì dịch bệnh vào trong thành phố Kaffa đang bị bao vây.
Trong các thập niên 1940 – 1960 của thế kỷ 20, các nước Mỹ, Liên Xô (và Nhật Bản thời Thế chiến thứ hai) cũng đã nghiên cứu sử dụng các loại vi khuẩn gây bệnh làm vũ khi sinh học. May mắn là cộng đồng quốc tế đã nhận thức được sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh sinh học, có thể làm nhân loại bị diệt vong nên nhiều nước đã dừng lại.
Năm 1972, Công ước Vũ khí Sinh học BWC (Biological Weapons Convention) do người Anh đề xuất, nghiêm cấm việc nghiên cứu và sử dụng vũ khí sinh học (và cả về các chất độc) được đưa ra cho các nước xem xét và phê chuẩn. Nhưng Công ước cho phép các nước được tiến hành các nghiên cứu về vi sinh học với mục đích nhân đạo là tìm ra vaccin và thuốc trị bệnh. Đến năm 2013, tổng cộng có 130 quốc gia đã nhìn nhận và phê chuẩn Công ước này.
… đến những kịch bản ‘rợn người’
Tâm lý con người thì luôn thích những chuyện ly kỳ bí ẩn hơn là các thông tin khoa học đã được kiểm chứng, nên đề tài về sử dụng virus làm vũ khí sinh học luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Nắm bắt được tâm lý đám đông, giới tiểu thuyết gia và đạo diễn điện đã cho cho ra đời nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề này.
Nổi tiếng nhất là quyển truyện The Eyes of Darkness (Đôi mắt của Bóng tối) của Dean Koontz (1981), giới điện ảnh thì có các phim World War Z (Thế chiến Z, ra đời năm 2013) và phim Contagion (Bệnh truyền nhiễm, ra đời năm 2011).
Năm 1981, nhà văn nổi tiếng người Mỹ Dean Koontz đã viết Đôi mắt của Bóng tối. Truyện kể về một thanh niên Mỹ bị nhiễm một căn bệnh lạ và mất tích, bà mẹ của người thanh niên này nỗ lực đi tìm đứa con bị mất tích. Câu chuyện dần dần dẫn đến việc phát hiện căn bệnh này xuất phát từ một chủng virus lạ có nguồn gốc từ một trung tâm nghiên cứu bí mật của quân đội nhân dân Trung Quốc. Trung tâm này đã tạo ra một dòng virus có tên là Wuhan-400 dùng như một loại vũ khi sinh học phục vụ chiến tranh.
|
Trong sách có đoạn như sau: “Một nhà khoa học tên Li Chen làm việc tại trung tâm này đã đào tẩu sang Mỹ, ông có mang theo 1 cái đĩa mềm chứa dữ liệu về một vũ khí sinh học tối mật của Trung Quốc là một loại virus cực kỳ nguy hại được đặt tên là Wuhan-400. Sở dĩ có cái tên này vì virus được sản sinh ra từ Trung tâm nghiên cứu bí mật của quân đội ở ngoại ô thành phố Wuhan (Vũ Hán)”. Truyện kể là virus Wuhan-400 bị “sổng chuồng” ra ngoài gây đại dịch làm chết nhiều người.
Phim Contagion thì mô tả một chủng virus từ tự nhiên khi lây nhiễm từ loài dơi sang lợn, rồi sau đó lây qua người gây đại dịch làm chết hàng chục triệu người trên thế giới trước khi con người tìm ra vắc xin.
Còn phim World War Z thì kể về một quốc gia nọ dùng kỹ thuật biến đổi gen để tạo một dòng virus cực độc làm vũ khí sinh học. Không may là virus bị sổng ra ngoài môi trường gây đại dịch trên quy mô toàn cầu. Hàng trăm triệu người bị nhiễm đã trở thành xác sống (zombie), tìm giết và ăn thịt những người chưa bị nhiễm. Ở nhiều nước, số dân ít ỏi chưa bị nhiễm phải rút vào những khu cách ly có trang bị vũ khí hùng hậu để chống các cuộc tấn công của đám zombie. May mắn là do tình cờ, một nhóm chuyên viên khoa học đã tìm ra vắc xin phòng ngừa nhiễm cho số người sống sót và dần dần dập tắt được đại dịch zombie.
Poster phim World War Z
|
Năm 1976, người Ý cũng đã làm một bộ phim về chủ đề giới quân sự Mỹ nghiên cứu dùng virus làm vũ khí sinh học, đó là phim The Cassandra Crossing (Ngã tư Cassandra) sản xuất bởi đạo diễn nổi tiếng người Ý Carlo Ponti.
Phim mô tả về sự xuất hiện của một dòng virus lạ chưa từng biết gây xuất hiện ở Thụy Sĩ nên dịch bệnh có triệu chứng giống như viêm phổi, nhưng có tỷ lệ tử vong khá cao. Thực chất, dòng virus lạ chính là sản phẩm của giới quân sự Mỹ dự định dùng vào mục đích chiến tranh sinh học. Virus đã lây nhiễm các hành khách trên một chuyến tàu hỏa. Giới quân sự Mỹ đã cử một toán chuyên gia y tế quân đội lên tàu để tiến hành cách ly và chiếm quyền điều hành con tàu, sau đó thay đổi lộ trình sang một tuyến đường sắt cũ hiện không còn sử dụng. Ý đồ của người Mỹ là để cho đoàn tàu băng qua một cây cầu sắt có tên Kasundruv (còn gọi là Cassandra Crossing). Cây cầu này đã quá cũ, kết cấu rất suy yếu nên nhiều khả năng sẽ sập khi đoàn tàu băng qua và giết chết toàn bộ số hành khách trên tàu. Mục đích là để bịt đầu mối về việc giới quân sự Mỹ lén lút tàng trữ vũ khí sinh học trên một đất nước trung lập là Thụy Sĩ. Và đúng như dự đoán của giới quân sự Mỹ, khi đầu máy kéo các toa xe qua cầu Kasundruv thì cầu sập, giết chết phần lớn hành khách trên tàu.
Dù rằng sách truyện và phim ảnh về đề tài virus thường hư cấu và nặng tính “giật gân” để thu hút đông đảo người xem, nhưng thực tế, dịch bệnh do virus vẫn là mối đe dọa cho sự tồn vong của nhân loại từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
ĐỒNG PHƯỚC
TNO