24/11/2024

Khó lường hệ quả việc Philippines huỷ thoả thuận với Mỹ

Khó lường hệ quả việc Philippines huỷ thoả thuận với Mỹ

Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra sức bảo vệ việc huỷ Thoả thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ, giữa lúc có nhiều cảnh báo về hệ quả của việc này.
Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Philippines /// Reuters

Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Philippines   Reuters
Trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN hôm qua 13.2, 2 ngày sau khi Manila gửi thông báo hủy VFA cho Washington, phát ngôn viên Salvador Panelo của Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines “không thể dựa mãi vào Mỹ để phòng thủ” vì điều này sẽ khiến khả năng phòng thủ của Philippines “luôn trì trệ hoặc yếu kém”.
Hôm 12.2, ông Panelo khẳng định quyết định hủy VFA là “bước đi đúng” và sẽ chấm dứt tình trạng Philippines “ăn bám” vào nước khác về mặt bảo vệ độc lập và chủ quyền, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Ông còn khẳng định việc hủy VFA sẽ không có tác động tới tình hình an ninh của Philippines.

“Thảm họa quốc gia”

Ông Panelo đưa ra tuyên bố trên sau khi cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cảnh báo việc đẩy ra xa một “đồng minh đáng tin cậy” như Mỹ sẽ gây tổn hại cho Philippines và là “thảm họa quốc gia”.
Ông cảnh báo việc hủy VFA cũng sẽ dẫn tới việc kết thúc hai thỏa thuận quân sự quan trọng còn lại giữa hai nước. Đó là Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), quy định bên này sẽ bảo vệ bên kia trong trường hợp bị lực lượng nước ngoài tấn công và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin Jr ký và gửi thông báo về việc hủy VFA cho Washington theo lệnh của Tổng thống Duterte hôm 11.2. Tại phiên điều trần trước thượng viện hôm 6.2, ông Locsin cảnh báo hủy VFA sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông.
Đến ngày 10.2, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal khẳng định với ABS CBN rằng VFA đã ngăn chặn Trung Quốc biến bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông thành đảo nhân tạo hồi năm 2016.

Tổng thống Trump không quan tâm

Khi được hỏi về việc ông Duterte quyết hủy VFA, Tổng thống Donald Trump hôm qua cho hay ông “không quan tâm” mà còn cho rằng “làm như thế sẽ tiết kiệm nhiều tiền” cho Mỹ, theo Reuters. Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đã hỗ trợ Philippines đánh bại các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ông từng có “mối quan hệ rất tốt” với ông Duterte. “Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra”, ông Trump nói với giới phóng viên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 11.2 cho rằng hủy VFA là “động thái sai hướng” khi Mỹ và các đồng minh đang thúc giục Trung Quốc tuân theo chuẩn mực quốc tế.
VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Việc hủy VFA sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày Philippines gửi thông báo cho Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm qua cho hay sẽ không có thêm các cuộc tập trận chung với Mỹ một khi việc hủy VFA có hiệu lực vào tháng 8, theo tờ The Philippine Star.
Một ngày sau khi Philippines hủy VFA với Mỹ, Nga có động thái hỗ trợ huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí cho binh sĩ nước này, theo tờ South China Morning Post.
Hôm 12.2, Bí thư thứ 2 thuộc Đại sứ quán Nga tại Manila Denis Karanin cho hay hai nước đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự. Ông Karanin nhấn mạnh thỏa thuận sẽ cung cấp “cơ sở pháp lý” và “khuôn khổ” cho mối quan hệ hợp tác, tạo điều kiện có các dự án kỹ thuật quân sự diễn ra dễ dàng hơn.
VĂN KHOA
TNO