24/11/2024

Hạn mặn bủa vây đồng bằng sông Cửu Long

Hạn mặn bủa vây đồng bằng sông Cửu Long

Hàng chục ngàn héc ta lúa chưa ngậm đòng đã chết rụi, hàng trăm ngàn héc ta cây ăn trái, hoa màu đang héo rũ, ước tính có đến 180.000 hộ dân thiếu nước ngọt…
Đất trồng lúa tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre) đã nứt nẻ hơn nửa tháng qua  /// Ảnh: Bắc Bình

Đất trồng lúa tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre) đã nứt nẻ hơn nửa tháng qua   Ảnh: Bắc Bình
Đó là thực trạng xảy ra tại miền Tây Nam bộ trong đợt hạn, mặn năm 2020.

Xót xa nhìn lúa chết sạch

Nhìn 7 công lúa chưa kịp ngậm đồng đã chết gục trên nền đất khô quánh, đặc cứng, bà Phan Thị Hiền (50 tuổi, ngụ xã Bình Thanh, H.Giồng Trôm, Bến Tre) chua xót: “Đất này tôi thuê để cấy lúa vụ 3. Biết bao tiền bạc, công sức của gia đình đổ xuống đây giờ mất trắng. Từ hơn nửa tháng nay, lúc đám lúa chết khô, tôi không còn việc gì để làm nên đi xin mót dưa gang đèo ở các đám dưa. Trái nào còn non mang về ăn, nếu dư thì mang ra chợ bán kiếm tiền mua nước mắm, bột nêm…”.
Một khó khăn khác mà theo bà Hiền còn bí bách hơn là vấn đề nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt. Từ trước tết, nước đã mặn nên chính quyền cho đóng cống ngay đầu con kênh dẫn nước duy nhất vào xóm của bà. Qua mỗi ngày, nước trong kênh xuống thấp dần và xác chết động vật dưới kênh ngày một nhiều, nước ngả sang màu đen và bốc mùi thối. Nước bẩn vậy nhưng gia đình bà Hiền và nhiều hộ trong xóm vẫn phải lóng phèn sử dụng. “Tiền đâu ra mua nước 120.000 đồng/m3 mà người ta chở xe tới bán, nước đóng bình thì còn xa xỉ hơn”, bà Hiền nói.
Ông Lê Văn Hùng (57 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Giồng Trôm) không giấu ông là nông dân được cử đi thi và đoạt các giải cao qua mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, như nhiều nông dân khác, đợt hạn mặn năm nay khiến gia đình ông bị thiệt hại nặng nề. “12 công lúa thông minh của gia đình tôi đã chết sạch; 8 công bưởi da xanh thì phải lặt sạch trái bỏ từ cả tháng nay với hy vọng dưỡng sức cho cây đừng chết trong thời gian không có nước ngọt tưới”, ông Hùng nói.
Không chỉ Bến Tre, ở Bạc Liêu, ông Huỳnh Mười Hai (ấp 15, xã Phong Tân, TX.Giá Rai) cho hay hơn 1 ha lúa đông xuân của gia đình ông có nguy cơ thiệt hại trắng do thiếu nước ngọt. Hiện lúa trong ấp mới 10 – 30 ngày tuổi cần rất nhiều nước tưới nhưng kênh nội đồng đã cạn dần, dự báo ít ngày nữa sẽ khô cạn.

Ngày càng khốc liệt

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết đến chiều 11.2, nước mặn theo sông Hậu đã lấn sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, H.Kế Sách (Sóc Trăng), tức là đã xâm nhập khoảng 60 – 70 km vào nội đồng với độ mặn lên tới 8%o. Điều may mắn cho Sóc Trăng là vùng trồng lúa chính Long Phú – Tiếp Nhật của tỉnh rộng hơn 40.000 ha đã thu hoạch xong trước tết. Dù vậy, tình hình xâm nhập mặn đang gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ở những vùng đo được độ mặn từ 4%o, các cống thủy lợi lập tức phải đóng để giữ nước ngọt bên trong nội đồng. Nhiều nơi cống đóng kéo dài, nước ngọt trong kinh cạn dần và việc vận chuyển nông sản gặp nhiều trở ngại, thay vì chở lúa bằng ghe, người dân phải thuê phương tiện khác, chi phí tốn kém hơn.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, mối lo ngại lớn nhất của Sóc Trăng hiện nay là vùng cây ăn trái thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách hơn 20.000 ha trồng các loại đặc sản như nhãn, sầu riêng, vú sữa… Nếu tình trạng xâm nhập mặn gay gắt trên tiếp tục kéo dài cả tháng nữa thì thiệt hại với vùng cây ăn trái này là không thể tránh khỏi.
Số liệu của Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã hơn 41.600 ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800 ha). Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340 ha. Ông Quách Vĩnh Phương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 5, xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời, nói: “Toàn ấp có hơn 100 hộ trồng màu. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, với lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, 10 người thì có đến 9 người bị mất mùa, thiệt hại từ 30 – 60%, thậm chí có người mất trắng”.
Tại các vùng sản xuất lúa của H.Trần Văn Thời, nhiều trà lúa đang bước vào giai đoạn thu hoạch bị thiếu nước nghiêm trọng. Ngoài ra, do các kênh nội đồng khô cạn nên việc vận chuyển máy gặt gặp nhiều khó khăn; các ghe mua lúa không thể đi vào các kênh nhỏ, thương lái phải thuê xe máy chở lúa ra kênh lớn, dẫn đến giá lúa mua trong dân giảm khoảng 500 đồng/kg.

Khẩn trương ứng phó

Trước tình hình khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.
“Ngành chức năng phải cử cán bộ xuống dân nắm chặt tình hình, khuyến cáo và hướng dẫn bà con các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm tối đa. Các huyện phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt”, ông Sử đề nghị.
Lực lượng hải quân giúp đưa nước ngọt cho dân Bến Tre trong mùa hạn mặn Ảnh: Bắc Bình

Lực lượng hải quân giúp đưa nước ngọt cho dân Bến Tre trong mùa hạn mặn  Ảnh: Bắc Bình

UBND tỉnh Cà Mau nhận định sẽ có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa được tiếp cận nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác sẽ thiếu hụt nguồn nước sạch. Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa.
Do đó, mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy khác là sụt lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, giao thương hàng hóa… của người dân trong vùng. Tình trạng thiếu nước ngọt chỉ có thể giải quyết được khi dự án hồ nước ngọt Vườn quốc gia U Minh Hạ được đầu tư hoàn thành. Song song đó là xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau bổ sung cho vùng Quản lộ Phụng Hiệp (54.480 ha), vùng U Minh Hạ (154.400 ha) và vùng Nam Cà Mau (203.000 ha).
Theo thống kê của UBND tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hơn 3.000 ha diện tích lúa vụ 3 – vụ lúa mà UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương phải có biện pháp ngăn cản người dân xuống giống. Song song đó, hơn 20.000/31.000 ha cây ăn trái đang bắt đầu “héo hon, ủ rũ”.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết độ mặn 2,50/00 đã xâm nhập đến tận các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng của H.Chợ Lách. Điều này có nghĩa là toàn bộ tỉnh Bến Tre đã bị “bao vây” bởi nước mặn. Nước mặn khoảng 40/00 đã xâm nhập toàn bộ các kênh, mương nội đồng của tỉnh. Như vậy, cường độ mặn đã cao hơn, xâm nhập sâu hơn so với đợt thiên tai năm 2016.
Bến Tre đang tập trung thi công các đập tạm bằng cừ larzen nhằm ngăn nước mặn trên sông Hàm Luông đổ vào khu vực Trạm bơm hút nước Cái Cỏ (xã Quới Thành, H.Châu Thành) của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre. Giải pháp này nhằm “cứu” hàng trăm ngàn hộ dân, hàng ngàn doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế… thuộc 2 huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và TP.Bến Tre đang sử dụng nước máy với độ mặn khoảng 20/00 của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre.

Hải quân điều tàu cấp nước cho dân

Ngày 9.2, tàu 935 thuộc Hải đội 811, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã chở 250 m3 nước từ TP.HCM đến cung cấp miễn phí cho người dân H.Bình Đại, Bến Tre đang bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Dự kiến, trong những ngày tới, tàu 935 sẽ có thêm nhiều chuyến chở nước ngọt cung cấp cho người dân tỉnh Bến Tre.

Xâm nhập mặn sẽ trầm trọng hơn

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (trung tâm) nhận định mùa khô năm 2020 có thể khắc nghiệt, lượng nước trên các sông thiếu hụt, hạn mặn xâm lấn sâu hơn so với những năm gần đây. Cụ thể, mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm, ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 – 1,0 m. Do ảnh hưởng của kỳ triều cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao. Dòng chảy trên sông Mê Kông về ĐBSCL trong tháng 2,tháng 3 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5 – 20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều.
Theo dự báo, từ khoảng giữa tháng 3, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016.
Thời gian xâm nhập mặn cao nhất tập trung trong tháng 2, các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3. Từ nửa cuối tháng 3 – 6, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015 – 2016.
H.Mai
TNO