24/11/2024

Sài Gòn hối hả đón tết

Không chỉ người ở các tỉnh vội mua, vội bán để kịp lên tàu, ra sân bay về quê ăn tết, người ở lại Sài Gòn cũng hối hả mua mua bán bán những ngày cận Tết Nguyên đán.

 

Sài Gòn hối hả đón tết

Không chỉ người ở các tỉnh vội mua, vội bán để kịp lên tàu, ra sân bay về quê ăn tết, người ở lại Sài Gòn cũng hối hả mua mua bán bán những ngày cận Tết Nguyên đán.




 
 

Vội vã mua, vội vã bán và vội vã về	 ///  Ảnh: Ng.Ng

Vội vã mua, vội vã bán và vội vã về   Ảnh: Ng.Ng

 

 

Sáng hôm qua (17.1.2020 – 23 tháng chạp âm lịch), phiên chợ “Tết xanh – Quà Việt 2020” khai mạc ngay ngã tư đường Phùng Khắc Khoan – Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM) gây sự chú ý cho nhiều người dân thành phố. Đa số người dân Sài Gòn tìm đến đây mua sắm tết. Gần 100 doanh nghiệp tham dự phiên chợ này với gần 1.000 sản phẩm nông sản đặc sản từ khắp mọi miền được đưa về đây tham gia phiên chợ, giới thiệu và bán hàng.

Đặc sản địa phương ở Sài Gòn

Với những người gốc thành phố như chúng tôi, tết là khoảng thời gian cảm nhận rõ nhất hương vị quen thuộc của thành phố mà cuộc sống hối hả hằng ngày khiến người ta quên mất. Sau cả năm nhộn nhịp, sôi động, cuốn theo nhịp sống nhanh của một thành phố năng động, tôi chỉ muốn được tranh thủ 9 ngày tết để nghỉ ngơi thư thái, tái tạo sức lao động

Trần Huy (26 tuổi, nhân viên IT)

Hoành tráng nhất là gian hàng của Hội liên hiệp Phụ nữ và thanh niên khởi nghiệp Đồng Tháp với hàng chục loại khô cá, tôm, trái cây miệt vườn, đặc biệt cá mè kho rượu. Các loại hoa quả khô, sấy từ Đà Lạt, rồi miến dong, măng, nấm khô từ Bắc Kạn…

Bà Lý Tài Phiến (nhà ở Q.1, TP.HCM) cho biết đây là lần thứ 5 bà tham gia phiên chợ hàng tết này. Đi một vòng hết khuôn viên phiên chợ, bà Phiến dừng mua hai quả bưởi xanh Trà Vinh với giá 70.000 đồng/kg về chưng tết. “Phải mua lúc này mới có bưởi đẹp, vài ngày nữa sợ hàng không tươi đẹp như vậy. Phải tranh thủ thôi”, bà Phiến nói. Thanh toán xong tiền bưởi, bà lại di chuyển sang hàng trái cây từ Đồng Tháp, đứng tần ngần trước hai rổ xoài cát hòa lộc bắt mắt với giá 70.000 đồng/kg (xoài đã chín vàng) và 120.000 đồng/kg (xoài còn xanh). Bà Phiến băn khoăn: “Nhìn xoài đẹp quá nhưng chỉ mua được loại chính tối cúng đưa ông Táo ông Công. Còn loại xanh này cũng có thể để dành cúng tất niên, nhưng không chắc chắn vì thời tiết này sẽ khiến xoài chín trước ngày 28 tết”. Sau khi nghe nhân viên bán hàng quả quyết xoài xanh có thể để cả tuần mới chín đều, kịp cúng tất niên, bà Phiến lựa ngay 5 quả xoài đẹp bảo cân tính tiền.
 
Đến hơn 10 giờ sáng, lượng khách vào chợ phiên ngày một đông hơn. Có tiếng xe dừng ngay sát cổng phiên chợ, một giọng phụ nữ hỏi lớn: “Xe bỏ đâu em?”. Cô gái đứng quầy tinh dầu ngay sát cổng đưa tay chỉ sang bên kia đường hướng dẫn khách một cách chu đáo. Sau khi gửi được xe, người phụ nữ tên Hương (nhà ở Q.3, TP.HCM) tất tả sang đường vào phiên chợ, vội vội vàng vàng nếm thử một số thực phẩm được nhân viên bán hàng giới thiệu, mua một hồi được hơn chục sản phẩm các loại, từ xâu thịt trâu khô Quang Hiến, gói chuối khô Mỹ Anh, gói cà phê từ Đắk Lắk hiệu Thơ Dũng, gói xúc xích và khô gà lá chanh hiệu Bé Bự, nhiều loại rau củ quả tươi, củ quả sấy của Đà Lạt…
 
“Mới đi chưa tới một tiếng đồng hồ, “tổng thiệt hại” gần 3 “củ” (triệu đồng) rồi đấy”, chị Hương cười tỏ vẻ hài lòng và cho biết thêm, chị phải mua nhanh, về nhanh kẻo chiều nay còn làm việc, không kịp mua sắm nữa. “Ngày mai nghỉ làm dọn dẹp nhà cửa đón tết rồi về nội về ngoại”, bỏ giữa chừng câu nói, chị Hương vội rời phiên chợ cũng trong tâm thế vội vàng y như lúc đến.
 
Không chỉ với những phụ nữ Sài Gòn đang tất bật mua sắm tết, cánh đàn ông cũng trong tâm thế vội vã vào những ngày này không kém. “Bao giờ về quê?” – “Chạy nốt cuốc này rồi về đóng thùng mấy đồ ở nhà, chiều về. Bên đấy thì sao?” – “28 mới về, “cày” nốt mấy ngày cuối năm kiếm tiền lì xì cho con dày dày” – Cuộc hội thoại ngắn ngủi diễn ra trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vào sáng 17.1, giữa 2 tài xế chạy xe Grab. Họ không hề quen biết nhau, chỉ gật đầu cười rồi tiếp tục mạnh ai người ấy luồn lách trong làn xe đông nghẹt, giữa cái nắng chói chang của trời Sài Gòn về trưa.
 
Thoát khỏi dòng xe xếp hàng dài trên đường, anh Trần T.T chia sẻ: “Mấy ngày nay anh em tài xế lúc nào cũng túi bụi. Cuốc xe nhận liên tục, đường thì đông nghẹt. Mọi người gọi xe đi ăn nhậu chia tay cuối năm, đi mua đồ, chở đồ từ siêu thị về… ai nấy cũng tất bật làm mình càng chộn rộn chỉ muốn nhanh nhanh tới tết để về quê. Năm nay tôi tranh thủ đưa vợ con về Long An ăn tết sớm vì ông bà đang bệnh ở nhà, về làm mâm cơm cúng ông Táo rồi ở lại đón tết luôn. Các anh em tài xế thường tận dụng những ngày cuối năm, lượt gọi xe nhiều, giá tăng hơn chút, để kiếm thêm thu nhập”.

“Tết đến rồi, nhà bao việc!”

Năm nay có đi đâu không?… Tết có về quê không?… Bao giờ về?… những câu hỏi về kế hoạch chơi tết dần thay thế lời chào trong các cuộc gặp mặt trong những ngày này.
 
TP.HCM những ngày cuối năm, tuy thời tiết không có sự thay đổi nhưng trong lòng ai cũng rộn ràng vị xuân. Nhiều tuyến phố bắt đầu trang trí các tiểu cảnh, đèn điện với họa tiết rực rỡ chào đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hoa mai, hoa đào, hoa sen, cờ đỏ sao vàng… những hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho mùa xuân khiến không khí tết càng thêm rộn ràng, tươi vui.
 
Đường sá Sài Gòn ngày thường vốn đã đông đúc chật chội, hai tuần trước tết càng chật chội ngột ngạt hơn. Thế nhưng, thời tiết như đang chiều lòng người, đẹp như xuân đang về. Tại các chợ hoa tết ở công viên 23 Tháng 9, công viên Lê Văn Tám (Q.1), đường Thành Thái (Q.10)… hàng ngàn chậu cúc, hoa đào, tắc kiểng, hoa lan… từ khắp các tỉnh, thành đều đã đổ về, thu hút rất đông khách tham quan, chọn mua. Ngay từ sáng 23 tháng chạp, nhiều ô tô đã đỗ kín đường Thành Thái để chở đi các chậu hoa lan lớn. Trước đó 1 ngày, hoa chưa đổ về đây nhiều như vậy. Anh Thái, người vừa trả tiền cho chậu lan hồ điệp trắng tím giá 3 triệu đồng, nhờ người bán đưa lên xe hơi bảo: “Mua tặng sui gia, họ thích hoa này vì thời gian chưng kéo dài cả 2 tháng”.
 
Rời đường hoa, phiên chợ bán thực phẩm tết, đường phố khắp nơi vẫn tiếp tục tấp nập người và xe, chen nhau, đông như nêm, ai cũng hối hả như thể nếu không nhanh thì sẽ không kịp về ăn tết, không kịp mua đồ tết. Dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu… thường ngày các quán cà phê đông nghẹt khách ngồi tán dóc, gặp gỡ nhau nhưng mấy ngày này cũng vắng hẳn.
 
Mua vội ly cà phê mang đi, chị Thủy Tiên (nhân viên văn phòng làm việc tại Q.3) bảo: “Hằng ngày còn cà phê la cà, tán dóc với bạn bè chứ mấy ngày này tất ta tất tưởi chạy lo mua sắm đồ tết, làm gì có thời gian. Ở cơ quan phải tranh thủ làm nhanh nhanh cho xong việc, dọn dẹp lại đồ đạc cho năm mới gọn gàng, sạch sẽ. Nhà cửa cũng thế, đến cái tủ quần áo cũng muốn lôi ra gấp lại mặc dù ngày nào cũng xếp đồ cẩn thận, ngay ngắn. Nhiều khi nghĩ lại cũng không biết gần tết phải chuẩn bị cái gì mà sao cứ thấy nhiều việc thế. Mọi người rủ đi đâu cũng từ chối. Tết đến nơi rồi, nhà bao việc!”.
 
Năm nào cũng ăn tết ở TP.HCM, Trần Huy (26 tuổi, nhân viên IT) chép miệng: “Chộn rộn nhộn nhịp thế này chứ vài ba hôm nữa đường phố lại vắng hoe. Ai hỏi TP.HCM bao giờ hết kẹt xe thì có thể trả lời ngay được là tết. Đường phố rộng rãi, thoáng đãng, sạch đẹp. Mọi người nói ở TP.HCM không có gì chơi tết, nhưng cũng không hẳn. Mọi người có quê, về quê ăn tết là tất nhiên. Với những người gốc thành phố như chúng tôi, tết là khoảng thời gian cảm nhận rõ nhất hương vị quen thuộc của thành phố mà cuộc sống hối hả hằng ngày khiến người ta quên mất. Sau cả năm nhộn nhịp, sôi động, cuốn theo nhịp sống nhanh của một thành phố năng động, tôi chỉ muốn được tranh thủ 9 ngày tết để nghỉ ngơi thư thái, tái tạo sức lao động. Một giấc ngủ vào ngày tết cũng khác so với thường ngày, yên tĩnh, nhẹ nhàng hơn nhiều”.
 
Đồng quan điểm, chú Đại (chủ xưởng mộc Q.Thủ Đức) nhận xét chỉ có ngày tết đường sá Sài Gòn như được biến thành cô gái khác, vẻ thảnh thơi đài các của gái thành thị, chút phóng khoáng vô tư, vô lo như tính cách người miền Nam.
 
“Tuy không có quê để về vì tui gốc Sài Gòn, nhưng ngày tết ở đây có cái thú của nó. Buổi sáng mùng 1 tết, không có chuyện đi thăm họ hàng chúc tết, ra đầu ngõ kêu ly cà phê đen đá ngồi ngắm trời, thiên hạ đi lại rất ít cũng đã là cái thú. Nhiều lúc tôi tưởng tượng như đó là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cực kỳ quan trọng để tái tạo mọi thứ cho một năm tới. Tui thích khoảnh khắc đó, nhưng nên chỉ kéo dài vài đôi ngày, chứ Sài Gòn mà vắng vẻ quá, lại buồn, lại không phải Sài Gòn, đúng không?”, chú Đại bật cười ha hả một cách sảng khoái.
 
 
 
NGUYÊN NGA – HÀ MAI 

TNO