Châu Âu, ‘tay chơi’ hạ nhiệt Iran – Mỹ?
Pháp, Anh và Đức đang níu kéo cơ hội duy trì thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Iran vẫn chưa chịu xuống nước.
Châu Âu, ‘tay chơi’ hạ nhiệt Iran – Mỹ?
Pháp, Anh và Đức đang níu kéo cơ hội duy trì thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Iran vẫn chưa chịu xuống nước.
Người Kurd kiểm tra hố do tên lửa Iran gây ra hôm 8-1 tại căn cứ Ain Assad, cách thủ đô Baghdad của Iraq 233km – Ảnh: Getty Images
Hôm 12-1 (giờ địa phương), cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã phát biểu với kênh truyền hình Mỹ Fox News: “Tôi nghĩ rằng chiến dịch gây sức ép tối đa đang vận hành… Iran bị bóp nghẹt và Iran sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài trở lại bàn đàm phán… Điều sẽ đưa Iran đến đàm phán chính là sức ép về kinh tế”.
Hôm nay, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân và duy trì thỏa thuận. Chúng tôi kêu gọi Iran hủy bỏ mọi biện pháp không phù hợp với thỏa thuận. Chúng tôi kêu gọi Iran kiềm chế mọi hành động bạo lực hoặc phát triển hạt nhân mới, và chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia đối thoại với Iran trên cơ sở này để bảo vệ tình hình ổn định khu vực.
Tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức ngày 12-1.
Pháp, Anh, Đức đã sẵn sàng…
Cùng ngày, Pháp, Anh và Đức đã ra tuyên bố chung kêu gọi Iran tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân Vienna năm 2015.
Pháp, Anh, Đức là ba nước châu Âu đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ngày 8-5-2019, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Mới đây, ông đã kêu gọi châu Âu đóng sập cửa đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran và nên tăng cường nỗ lực quân sự của châu Âu ở Trung Đông.
Song khác với Mỹ, Paris, London và Berlin vẫn bảo vệ quan điểm phải duy trì thỏa thuận hạt nhân với điều kiện Iran tiếp tục tôn trọng đầy đủ nghĩa vụ đã quy định trong thỏa thuận.
Về phía Iran, hai ngày sau vụ máy bay Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani hôm 3-1, nước này khẳng định không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào về số lượng máy ly tâm sử dụng để sản xuất nguyên liệu hạt nhân.
Trong tuyên bố chung, Pháp, Anh và Đức nhấn mạnh đã sẵn sàng ủng hộ hành động xuống thang và ổn định trong khu vực. Ba nước tiếp tục khẳng định sự cần thiết về phản ứng thông qua con đường ngoại giao và có ý nghĩa đối với các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực, bao gồm hoạt động liên quan đến chương trình tên lửa Iran.
Ba nước chỉ rõ hai tổ chức Iran gây bất ổn khu vực chính là lực lượng Vệ binh cách mạng và lực lượng đặc nhiệm Al Quds. Tuyên bố chung cho biết ba nước sẽ phải xác định khuôn khổ dài hạn cho chương trình hạt nhân Iran.
Phá hoại bầu cử của ông Trump?
Theo chuyên gia Benjamin Haddad trong Hội đồng Đại Tây Dương (tổ chức tư vấn ở Mỹ), Pháp, Anh và Đức phải “xuất chiêu” cố giúp Mỹ một tay bởi động thái mở cửa ngoại giao của ông Trump đối với Iran vẫn còn rụt rè.
Sau khi Iran bắn tên lửa vào hai căn cứ có lính Mỹ ở Iraq, Mỹ từ chối đáp trả, cuộc chiến công khai không bùng nổ. Điều này cho thấy có vẻ như ông Trump muốn khép lại giai đoạn căng thẳng cực độ sau vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani.
Thật ra khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran dường như lớn hơn bao giờ hết sau đỉnh điểm căng thẳng Mỹ – Iran trong những ngày gần đây. Sau vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trách móc châu Âu “không hữu ích” như ông mong đợi sẽ hỗ trợ Mỹ.
Ngày 7-1, trong khi ông Trump phát biểu về Iran ở Nhà Trắng, Thủ tướng Anh Boris Johnson – đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu – đã nhắc lại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani “cam kết tiếp tục của Anh” đối với thỏa thuận Vienna. Anh đánh giá thỏa thuận này vẫn là khuôn khổ tốt nhất hiện có để ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo các nước khác trong Liên minh châu Âu đều “đồng thanh tương ứng”. Họ nghĩ rằng tình hình leo thang ở Trung Đông là kết quả của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và là điều họ không thể ”tiêu hóa”.
Chuyên gia Julie Smith ở Quỹ German Marshall (Mỹ) cho rằng sau giai đoạn căng thẳng về vụ ám sát tướng Soleimani, Mỹ sẽ hướng theo một động lực khác, ông Trump cảm thấy đã ghi điểm và đã tái lập tương quan lực lượng ưu thế hơn so với Iran.
Chuyên gia này kết luận: “Ông Macron (tổng thống Pháp) có quan điểm lý tưởng để đóng vai người trung gian thương lượng, nhưng cuối cùng tất cả tùy thuộc vào Washington và Tehran”.
Dù vậy, trả lời báo Le Point (Pháp), tiến sĩ sử học Pierre Razoux – giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Quân sự (trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp) – nhận định cần phải thận trọng.
Ông cho rằng chắc chắn Iran vẫn hoạch định kịch bản đáp trả. Kịch bản này mang tính chất bí mật, không gây rùm beng như tấn công thông qua lực lượng dân quân do Iran thao túng. Theo ông, giai đoạn căng thẳng hiện nay như một bàn cờ và mọi việc chỉ mới bắt đầu. Iran muốn xem ông Trump có giỏi chơi cờ hay không.
Nếu ông Trump bất cẩn, Iran có thể cải thiện vị thế. Vì vậy Iran sẽ tiếp tục đánh trả ở những nơi không ai nghĩ đến. Mục đích trả đũa nhằm phá hỏng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và khiến ông Trump phải trả giá đắt cho hành động ra lệnh ám sát tướng Soleimani.
Trung Đông vẫn nóng
Lãnh thổ Iraq – nơi tướng Qasem Soleimani của Iran bị Mỹ ám sát và là nơi Iran nã hơn chục tên lửa vào để trả đũa – tiếp tục “tăng nhiệt” khi căn cứ không quân Balad có lính Mỹ đồn trú hứng 8 quả pháo phản lực không rõ nguồn gốc hôm 12-1. Quân đội Iraq cho biết vụ tấn công vào căn cứ này, cách thủ đô Baghdad khoảng 80km về phía bắc, đã khiến 4 người bị thương (được cho là không có lính Mỹ).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tuyên bố ông “phẫn nộ” với vụ tấn công này. Ngày 12-1 cũng là ngày thứ hai các cuộc biểu tình diễn ra tại Iran, yêu cầu lãnh tụ tối cao Ali Khamenei từ chức sau khi Iran thừa nhận bắn nhầm máy bay Ukraine.
Liên quan tới cuộc điều tra vụ tai nạn trên với nhiều nạn nhân là công dân Canada, phía Canada cho biết Iran đã cấp thêm visa cho nhóm quan chức Canada hỗ trợ điều tra. Hiện Canada không có quan hệ ngoại giao với Iran.
(BẢO ANH)
TTO