23/11/2024

Tổng cục Hải quan: Asanzo là điển hình việc giả mạo xuất xứ

Hiện tượng hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ, buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình là vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.

 

Tổng cục Hải quan: Asanzo là điển hình việc giả mạo xuất xứ

Hiện tượng hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ, buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình là vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.


Đó là nội dung được đưa ra trong báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia chiều 2-1.

Cung cấp thêm thông tin, ông Nguyễn Văn Cẩn – tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – cho biết tình hình gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.

Năm 2019, ngành hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Có hàng sợi, may mặc, tiêu dùng, điện tử… khai là hàng Trung Quốc nhưng bên trong dán mác Made in Việt Nam, thậm chí giấy bảo hành, doanh nghiệp, địa chỉ sản xuất đều là Việt Nam và lấy thương hiệu của Việt Nam.

Lấy dẫn chứng các hành vi gian lận xuất xứ trên, ông Cẩn khẳng định: “Điển hình là vụ Asanzo và một số vụ việc”.

Nói về khó khăn trong xử lý, ông Cẩn cho biết hiện nay có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo.

“Ví dụ hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư”, ông Cẩn nói.

Từ những thực trạng trên, ông Cẩn kiến nghị ngay trong quý I các bộ ngành cần rà soát, cấp thông tư thì ban hành rõ ràng, cấp nghị định thì sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.

“Ví dụ nếu bộ ngành thống nhất cao, quy định pháp luật rõ ràng, vụ Asanzo không đến mức như vậy”, ông Cẩn nói.

Tổng cục Hải quan: Asanzo là điển hình việc giả mạo xuất xứ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Thông tin thêm, ông Trần Hữu Linh – tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) – cho biết đang có những phương thức, thủ đoạn mới nổi lên: “Hàng giả hàng nhái đến từ nhập lậu biên giới và cửa khẩu, thậm chí có hàng giả Việt Nam sản xuất ở nước ngoài và thẩm lậu vào nội địa”.

Ông Linh nhấn mạnh năm 2020 lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính quan trọng là đẩy lùi hàng giả. Quản lý thị trường sẽ ban hành kế hoạch đấu tranh phòng ngừa xử lý vi phạm và “tấn công” các tụ điểm sản xuất hàng giả, với danh sách 20 tỉnh thành phố và các địa bàn cụ thể sản xuất và bán hàng giả như khu vực phố cổ, làng nghề, trung tâm thương mại…

Thủ tướng: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ngăn chặn tham nhũng, bảo kê

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định công tác phòng chống tội phạm, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái dù đạt kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp, băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành, hàng tấn ma túy được vận chuyển với quy mô lớn vào Việt Nam…

“Âm mưu vận chuyển buôn lậu ma túy quy mô lớn vào Việt Nam đi đường nào? Không phải là cái kim, cần làm rõ việc này. Nguyên nhân khách quan có, nhưng chủ quan là chính, trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức, phụ trách điều hành rất quan trọng, phải có con đường vào chứ”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng đề nghị xem xét thực chất phối hợp giữa các lực lượng, đánh giá vai trò, trách nhiệm cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng chức năng các cấp Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389.

“Liệu có bảo kê, tham nhũng, tiêu cực không? Còn nhiều vụ việc xử lý chưa nghiêm, còn nể nang nên kéo dài. Phải đấu tranh ngăn chặn suy thoái đạo đức chính trị, ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’, chấn chỉnh đạo đức công vụ trên cơ sở chống bảo kê, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc”, Thủ tướng nói.

“Các đồng chí tưởng người ta không biết, ông lót tay phong bì bao nhiêu trong một số vụ việc chúng ta không nói thẳng ra, nhưng đừng nghĩ rằng không biết, tôi nói để chấn chỉnh”.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác điều tra, xử lý tố cáo, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các tội phạm ma túy, buôn bán người, xâm phạm trẻ em, các mặt hàng nóng như thuốc lá, đường cát, phân bón, một số vụ việc liên quan sức khỏe người dân. Xem xét và đề xuất hoàn thiện thể chế về phòng chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại, có chế tài xử lý, phạt đúng mức để chừa bỏ thói kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại.

“Sát tết, nhân dân đón tết tham gia lễ hội, là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm nên các lực lượng chức năng cần làm tốt hơn để nhân dân bình yên hơn, an toàn hơn”, Thủ tướng yêu cầu.


 

N.AN-N.HIỂN-N.TRÍ

TTO