27/11/2024

‘Không phục’ kết quả giám định bảo hiểm, ngư dân kiện đòi bồi thường hơn 4 tỉ

Vừa qua, ngư dân Đỗ Hồng Trí gửi phản ánh đến Tuổi Trẻ Online về việc bị từ chối bồi thường bảo hiểm sau khi tàu cá chìm ở Côn Đảo. Trong đơn kiện, tổng số tiền yêu cầu công ty bảo hiểm và công ty giám định bồi thường là 4 tỉ 189 triệu đồng.

 

‘Không phục’ kết quả giám định bảo hiểm, ngư dân kiện đòi bồi thường hơn 4 tỉ

Vừa qua, ngư dân Đỗ Hồng Trí gửi phản ánh đến Tuổi Trẻ Online về việc bị từ chối bồi thường bảo hiểm sau khi tàu cá chìm ở Côn Đảo. Trong đơn kiện, tổng số tiền yêu cầu công ty bảo hiểm và công ty giám định bồi thường là 4 tỉ 189 triệu đồng.


 

 

 

Không phục kết quả giám định bảo hiểm, ngư dân kiện đòi bồi thường hơn 4 tỉ - Ảnh 1.

Hình ảnh xác tàu cá sau sự cố được ông Trí chụp lại làm bằng chứng – Ảnh: NVCC

 

Được biết ông Trí đã ký kết hợp đồng mua bảo hiểm tàu cá với Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp (trực thuộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Xuân Thành). Khi sự cố xảy ra, hợp đồng vẫn còn hiệu lực, giá trị bảo hiểm bồi thường khi tổn thất thân tàu là 3 tỉ đồng.

“Không phục” kết quả giám định

Theo ông Trí chia sẻ, đêm 6-4-2018 khi sóng to, gió lớn, tàu cá TG-90679-TS của ông gặp sự cố, rồi chìm ở Côn Đảo. Ban đầu phần mũi tàu còn nhô lên trên mặt biển, nhưng sau đó bị sóng to, gió lớn đánh bể tan.

Sau quá trình làm việc, ban bồi thường của Tổng công ty bảo hiểm Xuân Thành đã ra quyết định từ chối bồi thường, không thuộc phạm vi bảo hiểm dựa trên báo cáo giám định của Công ty TNHH giám định Bảo Định (Badinco).

Ông Trí không đồng tình kết luận trên với các lý do: nhân viên giám định không trực tiếp tới hiện trường tàu đắm, xác định sai độ sâu nơi tàu chìm. Đồng thời, theo kết quả tác nghiệp hải đồ của Bandinco, khu vực tàu chìm cách bờ biển gần nhất (cách Côn Đảo) 4 hải lý về hướng đông bắc, độ sâu vị trí tàu chìm khoảng 50m. Tuy nhiên, ông Trí cho biết thực tế độ sâu nơi tàu chìm khoảng 8m.

Ngư dân này thông tin thêm Badinco đã không lập báo cáo hiện trường, không có biên bản làm việc với những nhân vật có lời khai ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả giám định, không căn cứ tình hình thời tiết thực tế, mà phụ thuộc vào tình hình thời tiết do Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp với thông tin không xuất hiện mưa, dông, sóng gió khu vực xảy ra sự cố không vượt quá cấp 4 hoặc có sóng nhẹ.

“Thực tế sóng biển tại thời điểm tai nạn và những ngày sau đó ở mức cấp 8, chính giám định viên cũng không thể ra hiện trường ngay sau đó vì không có tàu cao tốc nào ra đảo do sóng lớn đến cấp 8” – ông Trí cho hay.

 
 
 

 

 
 

Các ngư dân nỗ lực trục vớt xác tàu

Dựa vào báo cáo giám định cuối cùng do Badinco thực hiện mà Tuổi Trẻ Online nhận được, đơn vị này đưa ra nguyên nhân tổn thất là tàu bị “phá nước”, sau đó kết luận: “tổn thất đối với tàu TG-90679-TS xảy ra ngày 6-4-2018 không thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn bảo hiểm”.

Chủ tàu cá gặp nạn phản biện rằng “phá nước” là từ mô tả tình trạng tổn thất, chứ không phải nguyên nhân gây nên tổn thất, đây cũng không phải từ ngôn ngữ chính thức dùng trong các văn bản pháp luật.

Để hiểu rõ vụ việc, Tuổi Trẻ Online liên lạc người dân đang sống ở Côn Đảo và nhận được chia sẻ “phá nước” là khi tàu đang chạy mà bị một đợt sóng ngầm, hoặc một đợt sóng mạnh bất chợt đập vào làm tàu bị vỡ.

Đồng thời, thời tiết thực của biển khác với dự báo, dự báo biển động nhưng thực tế tàu có thể đi được, hoặc dự báo biển êm song thực tế sóng lại mạnh hơn so với biển động.

Tuổi Trẻ Online đã phản ánh thông tin cho người phụ trách vụ việc của đơn vị giám định Badinco, tuy nhiên không nhận được câu trả lời rõ ràng.

 
 
 

 

 
 

Tàu cá bị chìm ở khu vực Côn Đảo – Clip: NVCC

Lỗi đánh máy khi làm hợp đồng!

Trong quá trình làm việc, khách hàng Đỗ Hồng Trí cho biết Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp đã không cung cấp cho ông các quy tắc bảo hiểm tàu cá.

Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm tàu cá của ông Trí mà Tuổi Trẻ Online nhận được có rất nhiều điều khó hiểu như: trang bìa ghi hợp đồng số 18/21/05/0704/0001 nhưng trang nội dung cụ thể lại ghi hợp đồng số 17/21/05/0704/0001. Đồng thời, ở “Điều 4: Phí bảo hiểm” trong hợp đồng, từ mục 4.1 nhảy cóc lên 4.3 mà không có 4.2.

Thông tin khó hiểu nữa là phần hiệu lực hợp đồng lại ghi thời gian hợp đồng bắt đầu và kết thúc hiệu lực đều là 15h00 ngày 28-3-2018. Đồng thời, ”Mọi tranh chấp hai bên không giải quyết được thì sẽ đưa ra tòa án tỉnh Quảng Bình để xét xử”. Trong khi đó, tòa án tỉnh Quảng Bình không thuộc thẩm quyền thụ lý vụ án…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Xuân Bình (phó giám đốc Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp) khẳng định lần nữa trường hợp của khách hàng Đỗ Hồng Trí không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Ông Bình chia sẻ ông Trí là khách hàng mua bảo hiểm tàu cá đi biển đầu tiên của Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp. Khi phát sinh hợp đồng, đơn vị ông đã xin mẫu, tổng công ty chuyển mẫu của Xuân Thành – Quảng Bình vào cho Xuân Thành – Đồng Tháp, nhưng cán bộ soạn hợp đồng lúc đánh máy quên địa phận pháp lý, giữ nguyên chữ Quảng Bình.

Với sai sót trên, ông Bình cho rằng ông Trí có quyền khởi kiện ở Tiền Giang hay Đồng Tháp đều được. Ngoài ra, ông Bình cũng nhận định trường hợp khách hàng Đỗ Hồng Trí không đồng ý kết luận bồi thường và khởi kiện thì Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp và Công ty giám định Bảo Định sẽ phối hợp giải quyết sự việc.

Theo ông Trần Nguyên Đán (viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính) nhận định, Badinco đã vượt quá thẩm quyền về công tác giám định khi một công ty giám định tự kết luận về tổn thất có thuộc hay không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Bên cạnh đó, người mua bảo hiểm cần được tư vấn và nhận các quy tắc bảo hiểm từ phía công ty bảo hiểm. Do đó, việc không nhận được các quy tắc bảo hiểm đã vi phạm quyền lợi chính đáng của ông Trí – người mua bảo hiểm.

Được biết ông Trí đã gửi đơn kiện, yêu cầu Công ty bảo hiểm Xuân Thành – Đồng Tháp bồi thường 3,84 tỉ đồng, Badinco bồi thường 349 triệu đồng. Hiện ngư dân này đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

 

 

BÔNG MAI

 

TTO