28/11/2024

Làng hoa tết lao đao vì… mặn

Khoảng một tuần nay, nước mặn theo các nhánh sông chính xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nhà vườn tại miền Tây bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) bởi đang vào mùa phục vụ tết.

 

Làng hoa tết lao đao vì… mặn

Khoảng một tuần nay, nước mặn theo các nhánh sông chính xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nhà vườn tại miền Tây bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) bởi đang vào mùa phục vụ tết.



Làng hoa tết lao đao vì... mặn - Ảnh 1.

Chị Phan Thị Bé (Chợ Lách, Bến Tre) vét những ca nước ngọt cuối cùng trong bể để tưới cho 1.000 giỏ hoa của mình – Ảnh: M.TRƯỜNG

 

Đây là hiện tượng bất thường và dự báo một mùa hạn, mặn sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới.

Không cây nào chịu nổi

Khoảng một tuần nay, anh Lê Minh Hiếu (xã Tân Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) như ngồi trên lửa khi hàng ngàn gốc mai vàng, cây giống sầu riêng được trồng trên 3.500m2 trong vườn nhà không có nước tưới. 

Dùng ca nhựa múc một ca nước rồi test nhanh bằng máy đo độ mặn cầm tay, anh Hiếu lắc đầu ngao ngán: “Độ mặn vẫn còn hơn 2‰, không cây nào chịu nổi”. Tuy nhiên, đây chưa phải là độ mặn cao nhất mà anh đo được tại các con rạch trong vườn nhà.

Cách đây khoảng năm ngày, anh Hiếu không tin vào mắt mình khi máy đo độ mặn báo hơn 4‰. “Trong đợt hạn mặn lịch sử 2016, độ mặn cũng chỉ trên dưới 1‰ chứ đâu có cao như vậy. Đợt này nước mặn lên quá nhanh, độ mặn cao bất thường khiến chúng tôi không kịp trở tay” – anh Hiếu nói.

Ông Đặng Văn Dũng – chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh Trung B – cho biết đợt mặn xâm nhập lần này quá bất ngờ nên hầu như nhà vườn không kịp trở tay, không thể chủ động trữ nước ngọt để tưới. Trước khi mặn xâm nhập đến địa bàn xã một ngày, ông Dũng đã nhận được tin nhắn của ngành chức năng dự báo độ mặn cách địa bàn này đến 60km. 

“Nhưng qua một đêm, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông nhỏ, chúng tôi không thể trở tay kịp” – ông Dũng cho hay.

Theo ghi nhận trong ngày 12-12, chỉ trong khoảng 10 phút đã có nhiều người dân xách chai đựng nước trong vườn đến xã Tân Khánh Trung B để đo độ mặn. Hầu hết các chai nước mang đến để thử độ mặn đều bị nhiễm mặn và vượt ngưỡng an toàn, không thể tưới cho cây.

Dạo quanh một vòng làng hoa kiểng Cái Mơn, hầu hết các nhà vườn đều thấp thỏm lo âu bởi không có nước để tưới, hoặc nếu có cũng chỉ dám tưới nhỏ giọt, cầm chừng. Chị Phan Thị Bé (xã Long Thới) cho biết do nước kênh đã bị nhiễm mặn nên ba ngày qua chị phải múc nước dự trữ trong hồ tưới cho 1.000 chậu cúc mâm xôi của gia đình mình.

Do nước kênh không còn tưới được nữa nên việc tưới cho hoa cũng khó khăn hơn, thậm chí chỉ dám múc từng ca nhỏ để đổ trực tiếp vào gốc hoa cho đỡ hao nước. “Nếu tiếp tục tưới nước theo kiểu nhỏ giọt như vậy sẽ không thể có giỏ hoa đẹp được, thậm chí thiệt hại của làng hoa kiểng Cái Mơn là rất lớn” – chị Bé nói.

Làng hoa tết lao đao vì... mặn - Ảnh 2.

Nối ống chờ nước bớt mặn để bơm vào vườn trữ – Ảnh: M.TRƯỜNG

 

Lo nước cho 30 triệu cây trồng

Cũng như chị Bé, hàng ngàn hộ dân trồng hoa tại huyện Chợ Lách đang đứng ngồi không yên vì nguồn nước tưới đã cạn kiệt. Nhiều hộ dân đã hùn tiền đặt máy bơm để tranh thủ bơm nước vào ao hồ dự trữ lúc nước ngoài sông xuống thấp, độ mặn giảm.

Dù đã đắp bọng sẵn để trữ nước ngọt trong mương vườn nhưng anh Lê Minh Hiếu không kịp trữ nước ngọt để tưới bởi nước mặn xâm nhập bất ngờ. Gần một tuần qua, hàng ngàn gốc mai vàng, sầu riêng giống của anh đã “nhịn khát”. Không còn cách nào khác, anh đã đầu tư một hệ thống máy xử lý nước mặn thành nước ngọt.

Tuy nhiên, hệ thống máy đầu tư gần 80 triệu đồng cũng chỉ xử lý được 6m3 (6.000 lít)/ngày, trong khi 3.500m2 vườn nhà cần khoảng 30m3. “Hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt này chỉ đủ để tưới cầm hơi cho cây thôi chứ không phục vụ sản xuất được” – anh Hiếu cho biết. Đó là cách chống mặn của những hộ khá giả, còn những hộ dân khác không đủ tiền thì chỉ biết chờ… trời.

Theo ông Bùi Thanh Liêm – trưởng Phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách, năm nay mặn vào rất sớm và sâu, đến thời điểm này đã bao phủ toàn huyện Chợ Lách và dự kiến sẽ lấn sâu vào các tuyến kênh nội đồng. Nguồn nước tưới cho 30 triệu sản phẩm cây giống và hàng ngàn hecta diện tích cây con trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.

“Nếu tiếp tục kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới 11 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung” – ông Liêm nói. Đồng thời cho biết địa phương hiện đang liên tục đưa ra cảnh báo về độ mặn cho các nhà vườn theo dõi cũng như khuyến cáo nguồn nước tưới để tránh thiệt hại trước mắt.

“Trong trường hợp mặn tiếp tục kéo dài, chúng tôi cũng tính tới phương án thu gọn quy mô sản xuất, chỉ tập trung sản xuất, giữ giống những loại cây chủ lực để tiết kiệm nước tưới, vượt qua đợt mặn này rồi tính tiếp. Phương án di chuyển vùng sản xuất lên phía thượng nguồn sông để nguồn nước giảm độ mặn cũng đang được tính tới” – ông Liêm cho biết thêm.

Làng hoa tết lao đao vì... mặn - Ảnh 3.

Anh Lê Minh Hiếu (Chợ Lách) đầu tư máy lọc nước mặn thành nước ngọt để tưới cây – Ảnh: M.TR.

 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL):

Phải khôi phục không gian cho các con sông

Ngoài yếu tố tự nhiên, chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn do một yếu tố nội tại của vùng.

Đó là phần lớn diện tích ĐBSCL (từ vùng trồng lúa, cây ăn trái và thậm chí ra tới ven biển) đều có đê bao khép kín. Nước lũ về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn và chảy tuột ra biển.

Đến mùa khô, khi nước sông Mekong hạ thấp, ĐBSCL cũng chẳng còn nước.

Trong tình hình này, chính quyền địa phương nên thông báo sớm để người dân có giải pháp đối phó với xâm nhập mặn, trong đó ưu tiên chuẩn bị trữ nước cho sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.

Về lâu dài, cần khôi phục không gian của dòng sông để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Với vùng ven biển, nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi nữa.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu):

Cân nhắc việc trồng lúa vụ đông xuân

Mặn năm nay đến sớm hơn năm ngoái và trung bình nhiều năm khoảng một tháng, độ mặn cũng tương đối cao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do lượng mưa mùa này ít, mực nước thượng nguồn trên sông Mekong thấp, không đủ để đẩy mặn xâm nhập. Nước biển dâng, một số vùng đất ven biển bị lún cũng tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu hơn.

Do đó, trước mắt ưu tiên số 1 là trữ nước để phục vụ cho sinh hoạt. Với các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, cần cân nhắc việc trồng lúa vụ đông xuân, kể cả đối với vùng có hệ thống thủy lợi để bơm nước bởi vụ lúa ngắn nhất cũng 95-100 ngày, trong khi hầu như không thể có mưa.

CHÍ QUỐC ghi

 

Sóc Trăng: khuyến cáo không trồng lúa vụ 3

Ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết độ mặn tại một số cửa sông trên địa bàn vào đầu tháng 12 là 4‰. “Mới kết thúc mùa mưa, độ mặn như vậy rất đáng lo ngại” – ông Quyết nhận định.

Theo ông Quyết, dự báo xâm nhập mặn sắp tới không gay gắt như từng xảy ra trong hai năm 2015 và 2016 nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm và sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng.

“Dự báo tình hình xâm nhập mặn khốc liệt nên Sóc Trăng khuyến cáo nông dân không làm lúa vụ 3. Thay vào đó, người dân nên tận dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm hoặc chuyển sang trồng rau mùa ngắn dài” – ông Quyết cho biết.

Hậu Giang: xây hồ chứa nước sinh hoạt 34ha

Từ ngày 9-12, tại sông Cái Côn (huyện Châu Thành), nồng độ mặn đo được ở mức 0,8‰. Ông Nguyễn Duy Linh – trưởng trạm thủy lợi huyện Châu Thành – cho biết năm nay mặn bất ngờ xâm nhập sớm hơn gần 2 tháng. “Ngày nào cũng phải đo, mặn ở mức 2‰ sẽ cho đóng các nắp cống ngay” – ông Linh nói.

Ông Trần Thanh Toàn – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang – dự báo xâm nhập mặn năm nay không thua năm 2015 và 2016, thậm chí diễn biến bất thường hơn.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, Hậu Giang đang chuẩn bị xây dựng hồ chứa nước ngọt rộng 34ha tại huyện Vị Thủy, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Hồ có sức chứa 1,57 triệu m3 nước ngọt, cung cấp nguồn nước mặt bảo đảm chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch của tỉnh.

Vĩnh Long: nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt

Ngày 12-12, thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức họp triển khai phòng chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2019-2020. Theo báo cáo của đài khí tượng thủy văn và ngành nông nghiệp Vĩnh Long, đợt xâm nhập mặn lần này vượt ngưỡng 4‰ hầu hết ở các trạm đo được, dự báo xâm nhập mặn năm nay xuất hiện sớm hơn so với mọi năm.

Theo ông Trần Bá Hoằng – viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT), dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mekong về đồng bằng giảm nhanh, mực nước thấp kỷ lục so với số liệu đo trung bình nhiều năm kể từ năm 1980.

Do đó, xâm nhập mặn mùa khô ở ĐBSCL là rất nghiêm trọng, đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài. Các vùng cách biển 30-40km từ tháng 12-2019, mặn có khả năng vượt quá 4‰, từ tháng 1-2020 trở đi các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

 

L.DÂN – K.TÂM – C.HẠNH

 

MẬU TRƯỜNG