Triều Tiên: Không đàm phán nếu Mỹ không từ bỏ ‘chính sách thù địch’
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố vấn đề hạt nhân sẽ không được đưa ra thảo luận khi đàm phán với Mỹ được nối lại, trừ phi Washington từ bỏ “chính sách thù địch”.
Triều Tiên: Không đàm phán nếu Mỹ không từ bỏ ‘chính sách thù địch’
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố vấn đề hạt nhân sẽ không được đưa ra thảo luận khi đàm phán với Mỹ được nối lại, trừ phi Washington từ bỏ “chính sách thù địch”.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17-11 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng việc LHQ mới đây thông qua nghị quyết về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên là “sự khiêu khích chính trị” do Mỹ chống lưng. Bình Nhưỡng trước nay luôn coi sự chỉ trích của LHQ là do “chính sách thù địch” của Washington.
Tuyên bố đưa ra ngay sau khi Washington và Seoul công bố hoãn các cuộc diễn tập quân sự song phương trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực hòa bình với Bình Nhưỡng.
Tuyên bố trên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng lần thứ 6 (ADMM+) ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định động thái này không phải sự nhượng bộ mà là nỗ lực thiện chí “để cho hòa bình một cơ hội”.
Trước đó, ông Esper đã để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch tập trận sắp tới giữa hai nước dựa trên điều kiện có lợi cho nỗ lực ngoại giao.
Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận không quân chung vào cuối tháng này, được đặt tên là “Sự kiện huấn luyện bay kết hợp” – một phiên bản thu nhỏ của các cuộc tập trận vào mùa đông ban đầu của hai nước, mang tên Vigilant Ace, giống như hai nước đồng minh này từng làm hồi năm ngoái để hỗ trợ nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ trích các kế hoạch tập trận này, đồng thời cảnh báo “một mối đe dọa lớn hơn” nếu Mỹ tiến hành cuộc tập trận đã lên kế hoạch.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức ở Singapore tháng 6-2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí cùng hợp tác hướng tới hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình diễn ra chậm do những bất đồng về mức độ Triều Tiền phi hạt nhân hóa để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và những nhượng bộ khác của Mỹ.
Tháng trước, hai nước đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Sĩ nhưng không đạt thỏa thuận nào. Triều Tiên đã đặt thời hạn chót chỉ chờ đến cuối năm nay để phía Mỹ đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được.