26/11/2024

Giáo viên sáng tạo: Niềm vui và những rào cản

Những năm gần đây, đi cùng với phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều giáo viên (GV) ở TP.HCM đã tích cực sáng tạo, xây dựng giáo án mới để thu hút học sinh. Nhưng thực tế GV gặp không ít rào cản khi sáng tạo.

 

Giáo viên sáng tạo: Niềm vui và những rào cản

Những năm gần đây, đi cùng với phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều giáo viên (GV) ở TP.HCM đã tích cực sáng tạo, xây dựng giáo án mới để thu hút học sinh. Nhưng thực tế GV gặp không ít rào cản khi sáng tạo.


 

Giáo viên sáng tạo: Niềm vui và những rào cản - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Vân Đồn, Q.4, TP.HCM giới thiệu cho các bạn học sinh các trường trong hội thi khoa học sáng tạo – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Những tiết học đầy bất ngờ

Giữa năm học 2018-2019, chúng tôi được dự giờ 2 tiết học của học sinh (HS) lớp 5/4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Hôm ấy, HS học tiết khoa học do thầy giáo Đỗ Xuân Trường đứng lớp. Tuy nhiên, người dự khán hết sức bất ngờ khi nhân vật “giảng bài” cho cả lớp nghe không phải thầy Trường, mà là… HS. 

Mở đầu tiết học, thầy Trường giới thiệu về tựa đề bài học là ôn tập chương “Con người và sức khỏe”, sau đó mời từng nhóm học lên bảng thuyết trình. 

Bằng những kiến thức đã được học trên lớp cùng với những điều các em tìm hiểu từ thực tế cuộc sống, trên mạng Internet, các nhóm HS trình bày trước lớp từng chủ đề đã được GV giao trước đó: Sự sinh sản ở con người và cách vệ sinh ở tuổi dậy thì; Dùng thuốc an toàn và nói không với chất gây nghiện; Phòng tránh các bệnh nguy hiểm; Phòng tránh bị xâm hại…

Tiết học còn tràn đầy những nụ cười sảng khoái khi các nhóm chiếu slide để minh họa nội dung trình bày và đóng kịch, pha trò… Một số nhóm còn làm những poster trình bày ngắn gọn về nội dung kiến thức nhóm mình phụ trách rồi phát cho các bạn trong lớp, các GV và phụ huynh dự giờ học hôm đó. 

Trình bày xong, các nhóm đặt câu hỏi cho các bạn của mình về những nội dung liên quan. Hai tiết học trôi qua nhẹ nhàng với những nụ cười nghiêng ngả của các HS khi nghe bạn mình trình bày quá hài hước, hoặc trả lời sai các câu hỏi. 

GV chỉ đóng vai trò người dự khán và thỉnh thoảng nhắc nhở các nhóm một số sơ suất. Cuối tiết học, thầy đúc kết lại bài học và chấm điểm cho các nhóm.

Để có hai tiết học như trên, thầy Trường phải giao việc cho các HS trước đó nhiều ngày và kiểm tra theo tiến độ hoàn thành của từng nhóm, quan sát thái độ làm việc nhóm của HS, đóng góp và định hướng nội dung, hình thức trình bày của từng nhóm…

Việc cho HS “làm chủ” tiết học của mình đã được rất nhiều trường ở TP.HCM thực hiện, nhưng nhiều nhất ở bậc THCS và THPT, còn bậc tiểu học thì nhiều GV ngại các em còn quá nhỏ, không làm được. 

“Trên thực tế các em đã rất tự tin, tự tìm tư liệu, tự làm slide trình chiếu, nhiều nhóm còn có sáng kiến diễn kịch để tuyên truyền về kiến thức nữa. Tôi thực sự bất ngờ” – thầy Trường cho biết.

ThS Nguyễn Viết Đăng Du – tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 – chia sẻ: “Nhiều người thường nhận xét rằng môn sử khô khan, HS chán học nhưng thực tế không phải vậy. Như chương trình lịch sử lớp 11 có bài “Cách mạng Tháng 10 Nga” rất khó nhằn. Nếu dạy đúng như sách giáo khoa với trình tự nguyên nhân, diễn biến, kết quả… tôi đoán HS sẽ ngủ mất. 

Thay vào đó, tôi giao việc cho các em: mỗi nhóm làm cho thầy một tờ báo. Và tôi rất bất ngờ khi có nhóm làm chuyên đề về vũ khí được sử dụng trong Cách mạng Tháng 10 Nga, có nhóm đăng những tin sốt dẻo (những sự kiện, mấu chốt, hấp dẫn mà HS cho là đáng quan tâm). Từ đó, tôi nhận ra: không có môn học nào là chán, là khô cả, mà là GV khi giảng dạy có nêu được vấn đề mà HS quan tâm hay không”.

Ở TP.HCM, ThS Du là người nổi tiếng với những tiết dạy sử thú vị. Thừa nhận chương trình sách giáo khoa môn sử quá khô khan, dài dòng, các GV môn sử ở Trường Lê Quý Đôn đã cùng thảo luận và biên soạn chương trình giảng dạy theo chủ đề. 

Mỗi chủ đề có cách thể hiện khác nhau sao cho hấp dẫn, nhưng vẫn chuyển tải được vấn đề cốt lõi của chương trình do Bộ GD-ĐT quy định. Nhiều thế hệ HS Lê Quý Đôn đã truyền tai nhau: “Ráng lên lớp 12 đi nha. Đến bài “Trật tự thế giới sau Thế chiến thứ 2″ sẽ được xem phim Cờ bay phấp phới do Jang Dong Gun đóng”. 

Thầy Du thông tin: “Tôi chấp nhận bỏ ba tiếng cho HS xem bộ phim trên. Dĩ nhiên trước khi xem phim, tôi phải giảng bài để HS có kiến thức nền. Sau khi xem phim thì tất cả HS phải viết review với các yêu cầu: tên bài review, thông tin phim, bối cảnh lịch sử để phim ra đời (phần này chiếm tỉ lệ điểm cao nhất), tóm tắt nội dung phim, cảm tưởng của HS về phim…”.

Động lực nào?

Cuối năm 2016, nhiều người trong ngành GD-ĐT TP.HCM truyền tai nhau về dự án “Ánh sáng hạnh phúc” do hai GV trẻ Phạm Thư Tùng và Mai Xuân Long cùng 50 HS Trường THPT Ernst Thalmann, Q.1, thực hiện. Từ kiến thức của môn toán và vật lý, hai GV đã hướng dẫn HS làm những chiếc bóng đèn từ vỏ chai nhựa, bên trong những chai này sẽ đổ đầy nước javel. 

 

Sau đó, các em sử dụng bóng đèn LED có kết nối với ăcquy năng lượng mặt trời, bóng đèn này được bao bọc bởi ống mica để khi cho vào vỏ chai nhựa không bị ướt. Ban ngày, năng lượng mặt trời sẽ tích điện vào ăcquy, giúp bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm. 

Sau hơn hai tháng thực hiện, nhóm GV và HS Trường THPT Ernst Thalmann đã lắp đặt thử nghiệm loại đèn này cho một số hộ dân khó khăn ở khu vực cầu Tám Nó (Q.8) và xã Bình Hưng (H.Bình Chánh).

Hỏi thầy Phạm Thư Tùng dạy học theo dự án rất vất vả, mất rất nhiều thời gian và công sức, sao thầy lại chọn hình thức này? 

Thầy Tùng nói: “Trước đó, ở trường tôi đã có GV dạy học theo dự án, tôi quan sát và thấy các em HS rất hứng thú học tập, tìm tòi, nghiên cứu. Các em phải giải quyết một nhiệm vụ có tính thực tiễn thông qua kiến thức và kỹ năng của mình. Thế là tôi quyết tâm làm nhằm tạo sự hứng thú học tập của HS”.

ThS Du tâm sự: “Nếu mỗi GV tự trăn trở về bộ môn của mình thì sẽ tìm ra ngay câu trả lời: Tại sao HS không yêu thích bộ môn giống như mình đã yêu thích? Đó là động lực khiến GV phải đổi mới, phải sáng tạo… để HS yêu thích môn học mình dạy, để các em hào hứng học tập hơn… 

Hơn 20 năm đứng lớp, tôi nhận ra: có nhiều HS học sử không giỏi, nhưng khi cho các em thuyết trình về những chủ đề mà các em quan tâm thì rất bất ngờ. Có lần tôi cho HS thuyết trình về vũ khí trong thời kỳ Thế chiến thứ 2 và các em có kiến thức còn nhiều hơn thầy. Từ đó mới rút ra rằng: khi mình đổi mới thì chính bản thân GV cũng học được rất nhiều từ HS”.

Giáo viên sáng tạo: Niềm vui và những rào cản - Ảnh 2.

Tiết học thể hiện sự đổi mới ở lớp 5/4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 do thầy Đỗ Xuân Trường hướng dẫn – Ảnh: H.HG.

 

Rào cản từ đâu?

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Microsoft, kể: “Tôi trước đây công tác ở trường trung học. Bữa đó dạy bài về phân bón, tôi đã cho HS xem một đoạn phim hoạt hình kể về một anh nông dân. 

Khi thấy cây cối trong vườn nhà mình yếu ớt, héo hon, anh ấy đã đi tìm mua phân bón. Đến khi trao đổi với người bán phân, anh mới vỡ lẽ: mỗi loại cây có một loại phân bón khác nhau. Anh nông dân đã mua phân theo đúng hướng dẫn của người bán và bón cho vườn cây nhà mình. 

Sau đó cây cối tươi tốt, anh thu hoạch và cười vui sướng khi thu được rất nhiều tiền. Sau khi HS xem phim, tôi đặt câu hỏi: cây cần phát triển phần rễ thì bón loại phân nào; cây cần phát triển phần lá thì bón loại phân nào… và HS trả lời dễ dàng. 

Thế nhưng tiết dạy của tôi bị xếp loại yếu và bị tổ trưởng chuyên môn nhận xét là “không chấp nhận được” vì tôi không thực hiện các bước lên lớp theo trình tự đã quy định, tôi không giảng bài và không cho HS viết bài…”.

Một GV môn địa ở Q.7 tâm sự: “Hồi còn là GV ở trường THPT công lập (đã chuyển công tác), tôi mở một lớp dạy miễn phí về công nghệ thông tin trên online vào thứ bảy, chủ nhật để hướng dẫn HS những công cụ phục vụ việc học tập: phần mềm tạo bài thuyết trình, phần mềm làm phim, phần mềm tạo câu hỏi trắc nghiệm… 

Với một số bài, tôi thành lập Facebook nhóm, giao bài cho HS: các em cần xem những phim nào trên mạng, từ khóa để tìm kiếm tư liệu là gì, cần chuẩn bị những nội dung kiến thức ra sao, thảo luận nhóm, rồi làm bài thuyết trình… 

Thế là có một phụ huynh lên gặp ban giám hiệu trường phản ảnh tôi dạy môn địa mà bắt HS làm nhiều thứ quá, học đủ thứ trên mạng trong khi con em họ phải dành thời gian học các môn chính. Hiệu trưởng nhà trường đề nghị tôi không được áp dụng hình thức giảng dạy như thế nữa. Thật buồn vì tôi đổ rất nhiều thời gian, công sức cho ý nguyện của mình”.

Ông HUỲNH THANH PHÚ (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10):

Đổi mới là tổ chức hoạt động học tập cho HS, đưa hơi thở cuộc sống vào bài học, hướng dẫn HS biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, hình thành những kỹ năng cần thiết…

Mục tiêu là tác động đến nhận thức của HS để các em học tập một cách hứng thú nhất. Thế nhưng dù GV có sáng tạo đến đâu thì cũng không đi ngược thuần phong mỹ tục, không xa rời thực tế, không đi ngược lại chủ trương – chính sách của Nhà nước.

Muốn cho tiết dạy đổi mới – sáng tạo thành công thì không thể không kể đến vai trò của các thành viên trong tổ chuyên môn và hiệu trưởng, hiệu phó của trường.

Trước hết, GV phải được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, về ứng xử sư phạm, học tập để nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ… Khi GV có kế hoạch thực hiện tiết dạy sáng tạo thì sẽ được tổ chuyên môn, ban giám hiệu góp ý trước khi thực hiện.

 

 

 

HOÀNG HƯƠNG