Trả viện phí không tiền mặt: nhiều lợi ích nhưng bệnh viện vẫn ngần ngại
Mới có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, trong khi nếu áp dụng rộng rãi, các bệnh viện sẽ giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán, người bệnh tránh nguy cơ bị móc túi.
Trả viện phí không tiền mặt: nhiều lợi ích nhưng bệnh viện vẫn ngần ngại
Mới có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, trong khi nếu áp dụng rộng rãi, các bệnh viện sẽ giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán, người bệnh tránh nguy cơ bị móc túi.
Ngày 20-9, tại hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết toàn ngành y tế hiện có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Trong đó, chỉ số ít bệnh viện có số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt tỉ lệ hơn 30%.
“Không xếp hàng, không chờ đợi lâu ở các bệnh viện sẽ được giải quyết nếu các bệnh viện triển khai thanh toán không tiền mặt, dịch vụ đăng ký không giấy”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng trong đợt triển khai thanh toán không tiền mặt ở lĩnh vực y tế, bộ chủ trương không chỉ tập trung vận động các bệnh viện mà còn mở rộng ra các cơ sở trong và ngoài công lập đang cung ứng các dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Trên thực tế, thanh toán không tiền mặt, không sử dụng giấy sẽ giúp các bệnh viện giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Thế nhưng đến nay, việc triển khai kênh thanh toán này vào các bệnh viện còn hạn chế.
Lý do được cho là phí thanh toán cao làm cho các bệnh viện ngần ngại trong khi giải pháp thanh toán còn ít nên người bệnh chưa có nhiều lựa chọn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay vẫn có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Người dân cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp. Trong khi đó, kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn.
Đến nay đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện, giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa.
Theo phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế, ngành ngân hàng quán triệt 6 chữ “S” – sẵn sàng, sâu sắc và san sẻ.
Về việc phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí, ông Nguyễn Kim Anh cho biết các ngân hàng sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các chính sách hỗ trợ ban đầu với các cơ sở khám chữa bệnh như miễn hoặc giảm phí dịch vụ thanh toán đối với các thanh toán viện phí, hỗ trợ xây dựng quy trình, nghiệp vụ, quảng bá thông tin hướng dẫn người bệnh các dịch vụ thanh toán…
“Quan điểm này được Ngân hàng Nhà nước quán triệt đến các ngân hàng, tổ chức cung ứng trung gian dịch vụ thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cũng tin rằng việc ban hành chuẩn QR code trong lĩnh vực y tế là cơ hội để các đơn vị này kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ sở y tế nhằm tiết kiệm chi phí quản lý nhân lực cho bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm mệt mỏi bức xúc cho người bệnh”, ông Kim Anh nói.
Phát 15 triệu thẻ khám chữa bệnh thông minh miễn phí
Dịp này, Bộ Công thương đã bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế 15 triệu thẻ trong chương trình “Một thẻ quốc gia” để triển khai thẻ khám bệnh thông minh, nhằm hỗ trợ người bệnh cũng như các bệnh viện trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thẻ khám chữa bệnh thông minh sẽ hỗ trợ tối đa người bệnh trong việc đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, lưu trữ hồ sơ người bệnh, tích hợp với các ngân hàng cho phép thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thanh toán khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế