Nga – Ấn Độ mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông
Tuyến hàng hải mới giữa Ấn Độ và Nga sẽ đi qua Biển Đông, nơi New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và phản đối mọi hành động đe doạ dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.
Nga – Ấn Độ mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông
Tuyến hàng hải mới giữa Ấn Độ và Nga sẽ đi qua Biển Đông, nơi New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và phản đối mọi hành động đe doạ dùng vũ lực để giải quyết bất đồng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông hôm 5.9 AFP
Theo tờ South China Morning Post ngày 8.9, Nga và Ấn Độ vừa ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến hàng hải mới giữa thành phố Vladivostok của Nga ở vùng Viễn Đông và thành phố Chennai ở Ấn Độ.
Tuyến hàng hải này sẽ đi qua Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với phần lớn diện tích.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nga có thể sẽ tăng cường củng cố mối quan hệ đồng minh trên các lĩnh vực quân sự và công nghệ, theo bản ghi nhớ được ký tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông ở Vladivostok.
Theo đó, hai bên có thể cùng phát triển và sản xuất các thiết bị quân sự, phụ tùng, phụ kiện cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi. Cũng trong kế hoạch hợp tác, Ấn Độ sẽ cho Nga vay 1 tỉ USD (23.200 tỉ đồng) nhằm phát triển khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên.
Trước đó vào ngày 30.8, Đài News18 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar tuyên bố nước này quan tâm đến hoà bình và ổn định ở Biển Đông vì vùng biển này là một phần của lợi ích chung toàn cầu.
“Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo các luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, ông Kumar phát biểu trong buổi họp báo chiều 29.8 tại New Delhi (giờ địa phương), đề cập đến Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Ấn Độ cho rằng bất cứ bất đồng nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình theo đúng trình tự luật pháp và ngoại giao mà không đe doạ dùng vũ lực. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc liên tiếp có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
KHÁNH AN