Đức Gioan Phaolô I, một con người khiêm nhường
Qua dụ ngôn hai người con được cha sai đi làm vườn nho, Chúa Giêsu khẳng định lại tình yêu thương đặc biệt của Người dành cho các tội nhân biết hối cải, và Người dạy chúng ta phải khiêm nhường để lãnh nhận ơn cứu độ.
Đức Gioan Phaolô I, một con người khiêm nhường
Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Tại Dinh Tông Toà Castelgandolfo
Chúa Nhật XXVI Thường Niên, 28/9/2008
Anh chị em thân mến,
Hôm nay phụng vụ đưa ra cho chúng ta dụ ngôn hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Một trong hai trả lời với cha ngay là “vâng” con sẽ đi, nhưng anh ta lại không đi; còn người con kia từ chối thẳng thừng với cha là con không đi, nhưng rồi sau đó, anh ta lại hối hận và đã vâng theo lời cha. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu khẳng định lại tình yêu thương đặc biệt của Người dành cho các tội nhân biết hối cải, và Người dạy chúng ta phải khiêm nhường để lãnh nhận ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng thế, trong đoạn Thư gởi cho tín hữu Philipphê, cũng khuyến khích chúng ta sống khiêm nhường. Người viết: “Đừng làm điều gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình” (Pl 2,3).
Đấy cũng là những tâm tình của Đức Kitô, là Đấng đã tước bỏ mọi vinh quang Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta, đã hoá thân làm người, và đã tự khiêm tự hạ cho đến nỗi bằng lòng chịu đóng đinh chết trên cây Thập tự (x. Pl 2,5-8). Động từ ekenôsen, được sử dụng ở đây, dịch từng chữ có nghĩa là Người “đã trút bỏ chính mình”, động từ này làm nổi bật sự khiêm nhường sâu thẳm và tình yêu vô biên của Đức Giêsu, là người Tôi trung khiêm nhường tuyệt hảo.
Khi suy niệm về những bản văn Sách Thánh này, tôi nghĩ ngay đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, mà hôm nay chúng ta tưởng niệm 30 năm người qua đời. Người cũng đã chọn cùng một khẩu hiệu Giám mục như Thánh Charles Borromée: Humilitas– Khiêm nhường-. Chỉ có một từ đã đủ tổng hợp yếu tính của cuộc đời Kitô hữu, và chỉ rõ nhân đức cần thiết cho những ai trong Giáo Hội được Chúa kêu gọi phục vụ quyền bính. Với một giọng nói thân tình cố hữu của mình, Đức Gioan Phaolô I đã nói lên một trong những câu nói sau đây, qua một trong bốn buổi Triều yết chung của triều đại Giáo Hoàng quá ngắn ngủi của người: “Tôi chỉ xin được khuyên bảo anh chị em một nhân đức rất được Chúa yêu thích. Chúa nói: Anh em hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (…). Ngay cả khi anh chị em làm những công việc lớn lao, anh chị em cũng hãy thưa: “Chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng”. Và Đức Gioan Phaolô I đưa ra nhận xét: “Còn trái lại, nơi tất cả mọi người chúng ta, chúng ta chỉ có khuynh hướng ngược lại: đặt mình ở hàng thứ nhất” (Insegnamenti di Giovanni Paolo I, trg 51-52). Ta có thể xem đức khiêm nhường là di chúc thiêng liêng của người.
Chính nhờ nhân đức này mà chỉ cần 33 ngày cũng đủ đưa Đức Giáo Hoàng Luciani vào trong tâm hồn của mọi người. Trong những bài diễn văn của người, người sử dụng những ví dụ được rút ra từ những sự kiện trong cuộc sống thường nhật, từ những kỷ niệm gia đình của người, và từ sự khôn ngoan quần chúng. Sự đơn sơ của Đức Gioan Phaolô I là chiếc xe tải một nền giáo huấn vững chắc và phong phú, một nền giáo huấn mà người đã điểm trang bằng thiên tài trí nhớ tuyệt vời và một nền văn hoá rộng lớn của mình, qua rất nhiều câu trích dẫn các tác giả trong Giáo Hội hay ngoại giáo. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolô I là một nhà giảng dạy giáo lý khôn sánh, theo bước chân của Thánh Piô X, là người đồng hương và là vị Tiền nhiệm của người, trước tiên trên Toà Thánh Marcô, và sau đó, trên Toà Thánh Phêrô. Cũng trong buổi Triều yết chung này, người đã nói: “Chúng ta phải cảm thấy mình là bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa”. Và người nói thêm: “Tôi đã không hề xấu hổ khi cảm thấy mình như một bé thơ trước mặt mẹ tôi: người ta tin vào mẹ của mình, tôi tin vào Chúa, tin vào những điều Người đã mạc khải cho tôi” (Sđd tr. 49). Những lời nói này biểu lộ đức tin thật sâu xa của người. Chúng ta cám ơn Thiên Chúa đã ban Đức Gioan Phaolô I cho Giáo Hội và cho thế giới, và chúng ta hãy bắt chước gương sáng của người, bằng cách cố gắng trau dồi cùng một nhân đức khiêm nhường, nhân đức đã làm cho người có khả năng nói với tất cả mọi người, đặc biệt là nói với trẻ em và những ai sống xa lạ với chúng ta. Và để được thế, chúng ta hãy khẩn cầu Rất Thánh Trinh Nữ Maria, là Tỳ nữ khiêm nhường của Chúa.
Sau giờ Kinh Truyền Tin
Giai đoạn nghỉ hè đã chấm dứt, và ngày kia tôi sẽ trở về Vatican. Tôi cám ơn Chúa vì những hồng ân Người đã ban cho tôi trong suốt giai đoạn này. Tôi đặc biệt nghĩ đến Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Sydney, đến thời gian nghỉ dưỡng tại Bressanone, đến chuyến viếng thăm tại Sardaigne, và đến chuyến công du Tông toà tại Paris và Lộ Đức; và tôi nghĩ đến khả năng có thể lưu trú trong ngôi nhà này, nơi tôi có thể nghỉ dưỡng tốt hơn và có thể làm việc trong những tháng ngày nóng bức nhất. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến cộng đoàn Castel Gandolfo, cùng với những lời cám ơn chân thành của tôi đến Đức Giám mục, ngài Thị trưởng và đội quân giữ gìn trật tư. Xin cám ơn tất cả và xin tạm biệt!
Anh chị em là những khách hành hương nói tiếng Pháp đến đây để đọc kinh Truyền Tin thân mến, tôi xin chào anh chị em. Qua lời kinh này, chúng ta nhớ lại mầu nhiệm Nhập thể, và chúng ta chiêm ngưỡng tiếng “xin vâng” mau mắn và an bình của Đức Trinh Nữ Maria đối với Thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua Sứ thần Gáprien. Ước gì sự hiện diện của Đức Maria bên cạnh chúng ta làm cho những tiếng “xin vâng” của chúng ta trở nên tự phát, quảng đại và không hề thay đổi! Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
Tôi xin chúc tất cả một tháng mười tốt đẹp, tháng của Kinh Mân Côi rất thánh, mà nếu Chúa muốn, tôi sẽ hành hương đến Nguyện đường Pompéi, vào Chúa Nhật XIX. Chúc một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.