Vườn nho của Chúa

Hình ảnh vườn nho, cùng với hình ảnh tiệc cưới, mô tả chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và được trình bày như một ẩn dụ thật cảm động về giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người

 Vườn nho của Chúa

Bài giảng Thánh lễ khai mạc thường kỳ Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XII

Tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành

Chúa Nhật XXVII Thường Niên, 05/10/2008

Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn,

Anh chị em thân mến,

Bài đọc I được trích từ Sách Tiên tri Isaia, cũng như trang Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, đã đưa ra cho cộng đoàn phụng vụ chúng ta một hình ảnh ẩn dụ  gợi cảm mà Sách Thánh vẫn thường đề cập đến: hình ảnh về vườn nho mà chúng ta đã nghe trong những Chúa nhật tuần trước. Phần đầu của trình thuật Phúc Âm quy chiếu về “bài ca vườn nho” mà chúng ta gặp thấy trong Sách Tiên tri Isaia. Đây là một bài ca được hát lên trong thời kỳ hái nho khi mùa thu đến: một tiểu tác phẩm thi ca của người Dothái rất quen thuộc với độc giả thời Chúa Giêsu, và từ tác phẩm thi ca này, cũng như từ những đoạn quy chiếu khác trong sách các Tiên tri (x. Hs 10,1; Gr 2,21; Ed 17,3-10; 19,10-14; Tv 79, 9-17), ta có thể hiểu được rằng vườn nho ở đây ám chỉ Israel. Thiên Chúa vẫn chăm sóc vườn nho của mình, vẫn chăm sóc dân Chúa chọn như một vị hôn phu trung thành hết lòng săn sóc vị hôn thê của mình (x. Ed 16,1-14; Ep 5,25-33).

Như thế, hình ảnh vườn nho, cùng với hình ảnh tiệc cưới, mô tả chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và được trình bày như một ẩn dụ thật cảm động về giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu lấy lại bài ca của Tiên tri Isaia, nhưng Người làm cho bản thánh thi này thích ứng hơn với độc giả và giờ phút mới mẻ của lịch sử ơn cứu độ. Âm điệu của bài ca không đặt trọng tâm trên vườn nho cho bằng trên tá điền làm vườn nho, và chủ đã sai “đầy tớ” đến với những người thuê vườn nho này để thu huê lợi về cho chủ. Nhưng những người đầy tớ bị bọn tá điền ngược đãi, thậm chí lại còn đem giết đi. Làm sao mà ta lại không nghĩ đến những thử thách mà dân Chúa đã phải gánh chịu, cũng như nghĩ đến số phận của các Tiên tri được Chúa sai đến. Sau cùng, ông chủ vườn nho nại đến một phương sách cuối cùng: ông sai con của mình ra đi, vì nghĩ rằng ít nhất họ cũng phải nghe lời cậu chủ. Nhưng điều trái ngược lại xảy ra; những tay tá điền liền giết ngay cậu, chỉ vì cậu là con ông chủ, hay nói cách khác, cậu là người thừa kế, và họ nghĩ rằng có như thế, họ mới dễ dàng chiếm đoạt được vườn nho. Như thế, chúng ta chứng kiến ngay một bước nhảy vọt về phẩm chất tương ứng với sự cáo buộc vi phạm công bằng xã hội, như ta thấy toát ra từ bài ca của Ngôn sứ Isaia. Ở đây, ta thấy rõ làm sao sự việc khinh thường lệnh truyền của chủ lại biến thành sự khinh thường chính chủ nhân: ở đây, không chỉ đơn thuần là bất tuân một lệnh truyền của Chúa, mà thật sự là khước từ chính Thiên Chúa, như thế, ta đã thấy xuất hiện mầu nhiệm Thánh giá.

Điều mà trang Phúc Âm hôm nay lên án lại cật vấn cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Trang Phúc Âm hôm nay không chỉ gợi lên “giờ” của Đức Kitô, giờ của mầu nhiệm Thánh giá vào thời điểm đó, mà còn gợi lên giờ của Thánh giá ở vào mọi thời đại. Một cách đặc biệt hơn nữa, trang Phúc Âm hôm nay chất vấn những dân tộc đã lãnh nhận lời rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta nhìn lịch sử, chúng ta sẽ phải ghi nhận rằng có những Kitô hữu, mà tư tưởng và hành động không hề ăn khớp với nhau, thường sống lãnh đạm và hay nổi loạn. Hậu quả là, ngay cả khi Thiên Chúa không bao giờ lỗi lời hứa ban ơn cứu độ, thì lắm khi Người cũng vẫn phải sử dụng đến hình phạt. Trong bối cảnh này, ta tự nhiên nghĩ đến công cuộc rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên, và nhờ đó đã phát sinh những cộng đoàn Kitô hữu, lúc đầu rất phồn thịnh và đông đúc, nhưng sau đó lại biến mất, và ngày hôm nay, những cộng đoàn ấy chỉ còn thấy được nhắc đến qua những trang sách lịch sử. Điều này không thể nào xảy ra trong thời đại chúng ta sao? Có những quốc gia, đã một thời rất phong phú về đức tin và ơn gọi, nay đã mất đi căn cước tính của mình, do ảnh hưởng của một nền văn hoá đương thời độc hại và mang tính phá huỷ. Ta có thể tìm thấy ở đây có những con người, sau khi đã quả quyết là “Thiên Chúa đã chết rồi”, liền tự tuyên bố mình là “chúa”, và tụ xem mình như là tay thợ duy nhất kiến tạo nên vận mệnh của riêng mình, là chủ nhân tuyệt đối của thế giới.

Khi loại bỏ Thiên Chúa, và khi không còn chờ đợi ơn cứu rỗi nơi Người nữa, thì con người tưởng mình có thể làm được những gì mình muốn, và tự xem mình như khuôn vàng thước ngọc duy nhất cho chính mình và cho hành động của riêng mình. Nhưng khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời riêng tư của mình, và khi con người tuyên bố rằng Thiên Chúa đã “chết”, thì con người có thực sự sống hạnh phúc hơn không? Con người có trở nên thực sự tự do hơn không? Khi con người tự tuyên bố mình là chủ nhân tuyệt đối của chính mình, và là ông chủ duy nhất của công cuộc sáng tạo, thì họ có thể thực sự xây dựng được một xã hội, mà nơi đó, tự do, công lý và hoà bình ngự trị không? Hay đúng hơn, như những loạt chuỗi sự kiện hàng ngày đã chứng tỏ rõ ràng cho  ta thấy, khắp nơi đều nhan nhản sự lộng quyền, những tư lợi ích kỷ, bất công và bóc lột, thô bạo trong lời nói? Và cuối cùng, kết quả là, con người lại càng cảm thấy mình cô độc hơn, và xã hội thì lại bị chia rẻ và hỗn loạn hơn.

Nhưng lời nói của Đức Giêsu còn chứa đựng cả một lời hứa: vườn nho sẽ không bị phá huỷ. Trong khi mà ông chủ bỏ mặc những tay thợ làm vườn nho bất trung cho số mạng của họ, thì ông lại không hề lìa bỏ vườn nho của mình, mà trái lại, ông đã trao cho những người đầy tớ trung thành khác. Điều này cho ta thấy là nếu trong một vài vùng nào đó mà đức tin bị sa sút đến độ tắt ngúm đi, thì sẽ luôn luôn có những vùng đất khác sẵn sàng đón nhận đức tin. Cũng chính vì thế mà Đức Giêsu, khi trích dẫn Thánh vịnh 117 [118]: “Viên đá những người thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường” (c.22), đoan quyết rằng cái chết của Người sẽ không phải là một sự thất bại của Thiên Chúa. Một khi bị giết đi, Người sẽ không ở yêni trong mồ, và cái chết thoạt đầu có vẻ là một cuộc chiến bại hoàn toàn, lại đánh dấu giai đoạn đầu của một cuộc chiến thắng mới. Vinh quang phục sinh của Người sẽ tiếp nối cuộc thương khó đau thương và cái chết trên Thập tự giá. Và lúc đó, vườn nho sẽ lại ra trái, và sẽ lại được ông chủ cho “những tá điền làm vườn nho khác thuê lại, để đúng kỳ giao nộp hoa trái” (Mt 21,41).

Hình ảnh vườn nho,, với những hệ luận luân lý, giáo lý và tu đức, sẽ lại được đề cập đến trong bài diễn từ nhân buổi Tiệc ly, khi sắp từ giã các Tông đồ, Chúa nói: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào ở trong Thầy mà không sinh trái, thì Người sẽ chặt đi, còn nhành nào sinh trái, thì Người sẽ cắt tỉa, để nó sinh được nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 1-2). Như thế, khởi đi từ biến cố phục sinh, lịch sử ơn cứu độ sẽ trải qua một khúc quanh có tính quyết định, và những “người thợ làm vườn nho khác” này sẽ là những nhân vật chính, và, như những chồi nho được chọn lựa, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, là cây nho thật, và sẽ mang lại những hoa trái sự sống vĩnh cửu một cách dồi dào (x. Lời nguyện nhập lễ). Chúng ta cũng thế, chúng ta là thành viên trong nhóm những “người thợ làm vườn nho” này, được tháp nhập vào Đức Kitô là Đấng đã muốn trở nên “cây nho đích thật”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, là Đấng đã ban cho chúng ta Máu Người, và đã ban cho chúng ta chính bản thân Người trong Bí tích Thánh Thể, giúp chúng ta “sinh hoa kết trái” để được sống đời đời và để cho thời đại chúng ta được sống.

Sứ điệp, được rút ra từ những bản văn Kinh Thánh này,  mang lại cho chúng ta sức mạnh, đó là niềm xác tín rằng sự dữ và cái chết không phải là yếu tố quyết định, nhưng chính Đức Kitô mới là người chiến thắng sau cùng. Suốt đời vẫn luôn luôn là như thế đấy! Giáo Hội không bao giờ mỏi mệt khi phải công bố Tin Mừng này, và ngày hôm nay cũng thế, trong Vương cung thánh đường này, Vương cung thánh đường được dâng kính Thánh Tông đồ chư dân, là người đầu tiên đã loan truyền Tin Mừng trong những vùng đất rộng lớn của Tiểu Á và châu Âu. Một cách đặc biệt, chúng ta canh tân công cuộc loan báo này trong thường kỳ Đại hội đồng lần XII của Thương hội đồng Giám mục, với chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo Hội”. Tôi xin ưu ái chào tất cả, thưa các Nghị phụ đáng kính trong Thượng hội đồng, cũng như tất cả những ai tham dự  cuộc gặp gỡ này, với tư cách là chuyên gia, thính giả và khách mời đặc biệt. Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy vui sướng được đón tiếp các vị đại biểu anh em thuộc các Giáo Hội khác, cũng như các cộng đoàn Giáo Hội. Tôi cũng muốn nói lên lòng biết ơn của tất cả mọi người đối với vị Tổng thư ký của Thượng hội đồng Giám mục và các cộng sự viên của người, về công việc quan trọng mà họ đã thực hiện được trong những tháng vừa qua, cũng như bày tỏ những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho công việc đang đợi chờ họ trong những tuần lễ sắp tới.

Khi Thiên Chúa nói, thì Người luôn mong đợi một lời đáp trả; hành động cứu rỗi của Người đòi hỏi phải có sự cộng tác của con người; tình yêu của Người mong đợi một điều đáp trả. Anh chị em thân mến, ước gì điều mà bản văn Kinh Thánh nói về vườn nho sau đây đừng bao giờ xảy ra: “Ông chủ đã từng mong đợi những trái nho tươi tốt, thì nó lại cho những trái nho dại” (x. Is 5, 2). Chỉ có Lời Chúa mới có thể thay đổi được quả tim con người một cách sâu xa, và như thế, điều quan trọng là mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn ngày càng phải sống thân tình hơn đối với Lời Chúa. Cuộc họp Thượng hội đồng sẽ chú tâm vào chân lý cơ bản này để phục vụ đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đối với Giáo Hội, nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa là bổn phận đầu tiên và cơ bản của Giáo Hội. Vì chưng, nếu công cuộc loan báo Tin Mừng là lý do hiện hữu, và là sứ mạng của Giáo Hội, thì Giáo Hội cần phải biết và sống điều mình loan báo, để cho lời loan báo của Giáo Hội được mọi người tin tưởng hơn, mặc dầu những con người cấu tạo nên Giáo Hội thì yếu đuối và nghèo nàn. Ngoài ra, khi học theo gương Chúa Kitô, chúng ta biết rằng nội dung của công cuộc loan báo Lời Chúa là Nước Trời (x. Mt 1,14-15), nhưng Nước Trời cũng chính là con người Đức Giêsu, Đấng ban tặng cho nhân loại ở mọi thời ơn cứu độ, qua lời nói và hành động của Người. Về điểm này, lời nhận xét của Thánh Giêrônimô thật chí l‎‎ý: “Ai không biết Sách Thánh, thì cũng không biết sức mạnh của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Người. Không biết Sách Thánh có nghĩa là không biết Đức Kitô” (Lời dẫn vào Sách chú giải Tiên tri Isaia: Pl 24,17).

Trong Năm Thánh Phaolô này, chúng ta còn nghe vang vọng tiếng kêu hết sức cấp bách của vị Tông đồ dân ngoại: “Vâng, khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16); một tiếng kêu, mà đối với mỗi Kitô hữu, lại trở nên một lời mời gọi khẩn thiết để dấn thân phục vụ Đức Kitô. Ngày hôm nay, Thầy chí thánh của chúng ta cũng lập lại câu nói sau đây: “Lúa chín đầy đồng” (Mt 9, 37): rất nhiều người chưa gặp được Chúa, và vẫn còn đang ở vào giai đoạn đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô; còn những người khác, mặc dầu đã được đào tạo về mặt Kitô giáo, nhưng đã nguội lạnh trong niềm hứng khởi, và chỉ tiếp xúc với Lời Chúa một cách hời hợt; những người khác nữa đã không còn sống đạo, và cần phải được tái rao giảng. Và cuối cùng, không thiếu những người có tâm tình ngay thẳng đang đặt ra cho mình những câu hỏi chính yếu về ý nghĩa của sự sống và cái chết, những câu hỏi mà chỉ mình Đức Kitô mới có thể mang lại những câu trả lời thích đáng. Như thế, các Kitô hữu trên các châu lục cần phải sẵn sàng để có thể trả lời cho những ai muốn cật vấn về niềm hy vọng trong lòng họ (x. 1 P 3, 15), và vui vẻ loan báo Lời Chúa và sống Phúc Âm mà không hề nhân nhượng.

Chư huynh đáng kính thân mến, trong những tuần làm việc sắp tới của Thượng hội đồng Giám mục, ước gì Chúa giúp chúng ta tự hỏi mình phải làm sao cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho thời đại chúng ta ngày càng được hữu hiệu hơn. Tất cả mọi người trong chúng ta đều nhận thấy rằng mình phải đặt Lời Chúa vào trong tâm điểm của cuộc đời, phải tiếp nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của chúng ta, với tư cách Người là hiện thân của Nước Trời, để cho ánh sáng của Người chiếu toả trong mọi lãnh vực của nhân loại: gia đình, học đường, văn hoá, công việc, giải trí và những phạm vi khác của xã hội và của đời sống chúng ta. Khi tham dự buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta luôn nhận ra sợi dây chặt chẽ giữa việc loan báo Lời Chúa với Hy tế Thánh Thể: chúng ta chiêm ngưỡng cùng một Mầu nhiệm này. Chính vì thế, “Giáo Hội – như Công đồng chung Vatican II đã làm nổi bật – luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa, cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô, để ban phát cho các tín hữu”. Và Công đồng kết luận: “Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể thế nào, thì đời sống thiêng liêng cũng hy vọng được đổi mới như vậy nhờ thêm lòng sùng kính Lời Chúa, là lời “hằng tồn tại muôn đời” (Dei Verbum, Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa,  21.26).

Ước gì Chúa cho phép chúng ta lấy đức tin mà tiến lại gần bàn tiệc Lời Chúa, và bàn tiệc Mình và Máu Đức Kitô. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria cầu cùng Chúa cho chúng ta nhận được ân huệ này, Mẹ là người “cẩn thận cất giữ những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Ước gì Mẹ dạy chúng ta lắng nghe Lời Chúa và suy niệm trong một tiến trình nội tâm chín muồi, một tiến trình không bao giờ ngăn cách trí khôn với con tim. Ước gì các Thánh đến phù trợ chúng ta, đặc biệt là Thánh Tông đồ Phaolô, mà trong Năm thánh này, chúng ta ngày càng khám phá ra người là chứng nhân gan dạ và là truyền lịnh sư của Lời Chúa.  Amen!