Làm việc trong vườn nho Chúa là một phần thưởng vô giá

Ta có thể rút ra được một sứ điệp đầu tiên từ dụ ngôn người thợ làm vườn nho, đó là, một cách nào đó, ông chủ không hề chấp nhận sự ăn không ngồi rồi: ông muốn cho tất cả mọi người đều được gọi làm vườn nho của mình.

 Làm việc trong vườn nho Chúa là một phần thưởng vô giá

 

Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin

Tại Dinh Tông Toà Castelgandolfo

Chúa nhật XXV Thường Niên, 21/9/2008

 

Anh chị em thân mến,

Chắc hẳn anh chị em còn nhớ ngày tôi được bầu làm Giáo Hoàng, tôi đã nói với đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô, một cách tự phát, rằng tôi là một người thợ làm vườn nho của Chúa. Thật thế, trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Mt 20,1-16a), Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho gọi thợ đến làm việc trong vườn nho của mình, vào những giờ khác nhau trong ngày. Khi chiều đến, ông trả lương cho mọi người như nhau, mỗi người nhận một đồng, khiến cho những người làm việc ngay từ giờ thứ nhất trở nên bất mãn. Rõ ràng là đồng tiền này tượng trưng cho sự sống đời đời, là hồng ân mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Và những ai được xem là người thợ “cuối cùng”, nếu họ chấp nhận thế, thậm chí cũng có thể trở nên người thợ “đầu tiên”, và người thợ “đầu tiên” cũng có thể trở thành người thợ “cuối cùng”. Ta có thể rút ra được một sứ điệp đầu tiên từ dụ ngôn này, đó là, một cách nào đó, ông chủ không hề chấp nhận sự ăn không ngồi rồi: ông muốn cho tất cả mọi người đều được gọi làm vườn nho của mình. Và trong thực tế, sự kiện được gọi làm việc đã là phần thưởng đầu tiên rồi: có thể được làm việc trong vườn nho của Chúa, phục vụ Chúa, cộng tác vào công việc của Chúa, điều đó, tự nó là một phần thưởng vô giá, có thể bù trừ cho tất cả mọi lao nhọc của chúng ta. Nhưng chỉ có ai yêu mến Chúa và Nước của Người mới hiểu được điều đó; còn ai chỉ làm việc vì đồng lương, thì không bao giờ có thể hiểu được giá trị của kho tàng vô giá này.

Thánh Matthêu là Tông đồ và Thánh sử mà phụng vụ kính nhớ trong hôm nay kể lại dụ ngôn này. Tôi muốn nhấn mạnh là chính Matthêu cũng đã cảm nghiệm được kinh nghiệm này (x. Mt 9,9). Thật thế, trước khi được Đức Giêsu gọi, thì ông hành nghề thu thuế, và như thế, bị mọi người xem la một kẻ có tội, và bị loại ra khỏi “vườn nho của Chúa”. Nhưng tất cả đã thay đổi, kể từ khi Đức Giêsu đi ngang qua bàn thu thuế của ông, người nhìn ông và bảo: “Hãy theo Ta”. Matthêu đứng dậy và đi theo Người. Người thu thuế, ngay lập tức, đã được biến thành môn đệ của Đức Kitô. Matthêu là người “cuối cùng” và đã trở thành người “đầu tiên”, nhờ luận lý của Thiên Chúa – và thật là may mắn cho chúng ta! Luận lý ấy lại khác luận lý của trần gian. Chúa đã dùng môi miệng của Tiên tri Isaia để nói: “Tư tưởng của các ngươi không phải là tư tưởng của Ta, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8). Thánh Phaolô, mà năm nay chúng ta cử hành Năm thánh đặc biệt để kính nhớ người, cũng đã cảm nếm được niềm vui được Chúa gọi đi làm vườn nho cho Người. Và người đã thực hiện được biết bao là công việc tốt đẹp! Nhưng, như Thánh Phaolô đã thú nhận, chính ân sủng của Chúa đã hoạt động trong người, ân sủng đã biến kẻ bách hại Giáo Hội Chúa thành vị Tông đồ chư dân. Đến độ người đã phải thốt lên: “Vì, đối với tôi, Sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Và sau đó người nói thêm: “Tuy nhiên, nếu sự sống trong xác thịt này còn cho phép tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào” (Pl 1,21-22). Thánh Phaolô đã hiểu rõ rằng làm việc cho Chúa, ngay trên trần gian này, đã là một phần thưởng rồi.

Đức Trinh Nữ Maria, mà tôi được hân hạnh tôn kính tại Lộ Đức, cách đây một tuần lễ, là một cành nho tuyệt hảo trong vườn nho của Chúa. Trong Mẹ đã nẩy mầm hoa quả đầy ân phúc của tình yêu Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Ước gì Mẹ giúp chúng ta luôn vui vẻ đáp lại tiếng Chúa gọi, luôn tìm được hạnh phúc trong việc phục vụ Nước Chúa một cách quảng đại.


Cuối giờ Kinh Truyền Tin


Trong những tuần lễ vừa qua, các quốc gia vùng Caribê, nhất là các nước Haiti, Cuba, Cộng hoà Đôminic, và miền nam Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là tiểu bang Texas, đã bị những cơn bão xoáy kinh hoàng tàn phá một cách nặng nề. Một lần nữa, tôi muốn nói với các quốc gia thân thương này là tôi đặc biệt nhớ đến họ trong kinh nguyện. Mặt khác, tôi cầu mong cho các vùng bị thiệt hại nhất sớm nhận được những sự giúp đỡ cần thiết. Cầu xin Chúa cho sự liên đới và tình huynh đệ có thể vượt lên trên bất cứ mọi lý do nào khác, ít nhất là trong những hoàn cảnh này.

Thứ năm tới đây, nhằm ngày 25/9, tại New York, trong khung cảnh phiên họp lần 63 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sẽ diễn ra cuộc họp cấp cao, để kiểm chứng việc thực hiện các mục tiêu được xác định trong Bản tuyên ngôn Thiên niên kỷ, được ban hành ngày 8/9/2000. Nhân cuộc họp quan trọng quy tụ các vị chức trách của các quốc gia trên toàn thế giới này, tôi muốn lập lại lời kêu gọi mọi người hãy có những biện pháp cần thiết và đưa ra áp dụng, để xoá bỏ nghèo túng, đói khát, dốt nát và tai ương bệnh tật trong vùng, đang tác động nhiều hơn cả đến những con người dễ bị thương tổn nhất. Một thái độ dấn thân như thế, ngay cả khi nó đòi hỏi ta phải có những hy sinh một cách đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn về kinh tế toàn cầu này, cũng sẽ mang lại không ít lợi ích quan trọng cho sự phát triển của các quốc gia cần đến sự giúp đỡ của nước ngoài, cũng như mang lại hoà bình và cuộc sống ấm no cho toàn thể hành tinh chúng ta.

Tôi thân ái chào các khách hành hương nói tiếng Pháp. Tôi vui mừng nhớ lại chuyến hành hương mới đây của tôi tại Lộ Đức, tôi mời gọi anh chị em hãy để oho  Đức Trinh Nữ Maria dẫn đưa anh chị em đến với Con của Mẹ là Đức Giêsu. Chính Người làm cho chúng ta được tự do để yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta, và để dựng xây một thế giới hoà bình và công lý. Chính trong Người mà chúng ta tìm được nguồn suối sự sống, nguồn suối cứu độ. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!

Trong ngày dành cho cơn bịnh Alzheimer, do Tổ chức Y tế Thế giới đề ra, tôi xin được nói lên tâm tình gần gũi của tôi đối với những người mắc cơn bịnh này cũng như đối với gia đình của họ. Tôi xin chúc tất cả một ngày Chúa nhật tốt đẹp.