15/11/2024

Tài nguyên, mạnh ai nấy đào

Tổng cục Địa chất và khoáng sản cho biết theo báo cáo của 51 tỉnh thành đến ngày 30-8-2011, số giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, thành phố đã cấp còn hiệu lực là 3.899 giấy phép.

 Tài nguyên, mạnh ai nấy đào

 “Bát nháo và hỗn loạn” là nhận xét của tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn về tình hình khai thác khoáng sản tại phiên họp ngày 13-9 của Bộ Tài nguyên – môi trường.

Cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về rà soát việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản.

Chủ trì phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận các khâu quy hoạch, cấp phép, hậu kiểm khai thác khoáng sản hiện nay và cả vấn đề xuất khẩu khoáng sản thô đang phát triển rất bất cập.

Lộn xộn, hỗn loạn

“Cả 63 địa phương cùng “a lát xô” làm, không có ai định hướng cả. Ai xin cũng được bổ sung quy hoạch, như thế là quy hoạch của chúng ta bát nháo, theo ý muốn của doanh nghiệp. Tất cả những việc đó khiến việc cấp phép khai thác khoáng sản trở nên hỗn loạn”

Ông NGUYỄN VĂN THUẤN
(tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản)

Đánh giá sự lộn xộn trong cấp phép khai thác khoáng sản thời gian qua, phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất và khoáng sản) Lê Văn Thành cho rằng vấn đề cốt lõi của sự lộn xộn này chính là khâu quy hoạch. Theo ông Thành, trong quá trình làm quy hoạch về khoáng sản đã nổi lên một vấn đề, đó là quyền lợi cục bộ của các bộ ngành, địa phương.

“Ví như Bộ Xây dựng làm quy hoạch vật liệu xây dựng, Bộ Công thương làm quy hoạch các loại khoáng sản, các tỉnh thành làm quy hoạch về các loại khoáng sản được phân cấp cấp phép. Cả ba đơn vị cùng làm quy hoạch về khoáng sản đã tạo ra sự bùng nhùng, và khi quyền lợi cục bộ bị xâm phạm thì khó có đơn vị nào chịu chấp hành quy định một cách nghiêm túc” – ông Thành nói.

Vụ trưởng Vụ Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và khoáng sản) Trịnh Xuân Bền cho rằng cách quản lý quy hoạch về khoáng sản hiện nay thật sự bộc lộ vấn đề, nhiều quy hoạch bị thay đổi xoành xoạch, vừa mới quy hoạch đã nhanh chóng được… bổ sung. “Hiện nay quy hoạch làm dễ quá, và khi quy hoạch làm dễ dàng như vậy thì quá trình thực hiện sẽ trở nên lung tung” – ông Bền nêu.

Ông Nguyễn Văn Thuấn nêu thực tế việc làm quy hoạch khoáng sản của các tỉnh gần như là triển khai theo ý của địa phương, cái gì tỉnh cần thì bổ sung vào quy hoạch. “Các tỉnh thích là làm. Ở Bộ Công thương và Bộ Xây dựng cũng như vậy, mạnh ông nào ông nấy quy hoạch và sau khi các bộ này ra quyết định xong, chúng ta cấp theo như vậy, tức chỉ làm mỗi động tác hoàn thiện hồ sơ và cấp phép. Đây là bất cập dẫn tới tình trạng hỗn loạn không kiểm soát được như hiện nay” – ông Thuấn nêu.

Buông lỏng hậu cấp phép

Đề cập tình trạng lộn xộn trong cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay, một cán bộ thuộc Tổng cục Địa chất và khoáng sản ví rằng nhiều đơn vị doanh nghiệp đang “say” vì khoáng sản, thậm chí “nghiện” khai mỏ vì được giao mỏ, được cấp phép khai thác là coi như lãi lớn. Ông Trịnh Xuân Bền phàn nàn thực tế sau khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản xong, bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng không biết sản lượng khoáng sản khai thác ở đó đi đâu về đâu…

Ước tính các địa phương cấp 4.200 giấy phép

Tổng cục Địa chất và khoáng sản cho biết theo báo cáo của 51 tỉnh thành đến ngày 30-8-2011, số giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, thành phố đã cấp còn hiệu lực là 3.899 giấy phép. Theo Tổng cục Địa chất và khoáng sản, nếu tất cả 63 tỉnh thành báo cáo số liệu đầy đủ, ước tính số giấy phép khai thác khoáng sản do các địa phương cấp khoảng 4.200 giấy phép.

Còn tính đến ngày 30-6-2011, theo thống kê của Bộ Tài nguyên – môi trường, số giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên – môi trường cấp là 659 giấy phép.

Dẫn chứng thực tế khai thác titan ở một số tỉnh, ông Bền cho biết đã có rất nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề xin khai thác, xin chế biến titan, nhưng thực tế xin cứ xin còn làm vẫn không làm. “Nhiều doanh nghiệp xin chế biến titan như vậy nhưng thử hỏi đến bây giờ chúng ta chế biến được cái gì, mới chế biến được ra xỉ, mà nhà máy chế biến xỉ thì nhếch nhác, đến nơi đâu có khác gì mấy cái lò rèn?” – ông Bền ví.

Theo ông Bền, để giải quyết tình trạng lộn xộn này, mấu chốt của vấn đề là phải tăng cường về pháp lý trong khâu quy hoạch, cấp phép và phải đặc biệt quản lý được về mặt sản lượng. “Bây giờ có xem xét cho khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ ở các địa phương thì còn được, còn khai thác vật liệu, khoáng sản để xuất khẩu có lẽ chưa cần. Nếu không xuất khẩu thì cũng chưa làm nghèo đi đất nước này, hoặc có xuất khẩu cũng không làm giàu lên bao nhiêu, vì vậy phải coi trọng khâu chế biến” – ông Bền nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng việc rà soát, báo cáo Thủ tướng về lĩnh vực khai thác khoáng sản lần này là cơ hội để nói thẳng, nói thật và không né tránh. Vì vậy ông Ngọc yêu cầu Tổng cục Địa chất và khoáng sản cần tập trung báo cáo toàn diện các mặt chưa được, các vấn đề bất cập liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và cả trách nhiệm của địa phương, hoàn thành báo cáo Chính phủ trong tháng 9-2011.