23/11/2024

Độ chênh của lịch sử trong Sách trắng Trung Quốc

Nhằm chứng minh sự quản lý của Trung Quốc (TQ) trên các đảo tranh chấp này từ hàng nghìn năm, Bộ Ngoại giao TQ chỉ đưa ra được ba sự kiện sau:

 Độ chênh của lịch sử trong Sách trắng Trung Quốc

Để hiểu rõ câu chuyện, có thể tham khảo Sách trắng của Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa năm 1980 và Sách trắng của Bộ Ngoại giao CHXHCN VN năm 1979, 1981 và 1988. Nhằm chứng minh sự quản lý của Trung Quốc (TQ) trên các đảo tranh chấp này từ hàng nghìn năm, Bộ Ngoại giao TQ chỉ đưa ra được ba sự kiện sau:

– Sự kiện thứ nhất: Từ thời nhà Tống (960 – 1127) Hải quân TQ đã đi tuần tra đến vùng biển quần đảo Tây Sa. Sự khẳng định này dựa trên cơ sở đoạn văn trích từ Vũ Kinh tổng yếu có lời tựa của vua Nhân Tông đời Bắc Tống. Đoạn trích trong văn kiện chính thức của TQ như sau:

“Triều đình Bắc Tống lệnh cho Vương Sư đi phòng giữ đặt dinh lũy thuỷ quân tuần biển ở Quảng Nam (tức Quảng Đông ngày nay) và “đóng tàu chiến đao ngư”.

Tác phẩm trên còn khẳng định: “Từ Đồn Môn Sơn, dùng gió Đông hướng Tây Nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu. Cửu Nhũ Loa Châu là quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó chứng tỏ quần đảo Tây Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đời Bắc Tống”.

Theo Sách trắng 1981 của VN thì đoạn trích từ Vũ Kinh tổng yếu này là sự kết hợp ba đoạn riêng rẽ khác nhau trong một đoạn sau lời tựa:

“Lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ đặt dinh lũy thuỷ quân tuần biển ở hai cửa biển phía Đông và phía Tây rộng 280 trượng đến Đồn Môn Sơn 200 lý đóng tàu chiến đao ngư. Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về hướng Tây Nam bảy ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu, đi ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới nước Hoàn Châu), ([1]) đi 300 hải lý nữa về phía Nam đến lăng Sơn Đông. Phía Tây Nam nơi đó là các nước Đại Thực Phật, Sư Tử, Thiên Trúc không thể tính được hành trình”.

Rõ ràng trong đoạn trích kể trên của Vũ Kinh tổng yếu, có đoạn văn Bắc Tống “lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ đặt dinh lũy thuỷ quân tuần biển ở Quảng Nam (Quảng Đông ngày nay)”, “đóng tàu chiến đao ngư”, có đoạn mô tả vị trí địa lý của đồn binh nhắc trên, đoạn khác tả lộ trình đi từ cảng Quảng Nam tới tận Ấn Độ Dương. Đó là hành trình khảo sát địa lý, đúng hơn là tuần tra lãnh thổ TQ. Không có gì trong đoạn trích trên cho phép khẳng định rằng Cửu Nhũ Loa Châu chính là quần đảo Tây Sa. Đối với chúng ta, đó không thể là bằng chứng đầy đủ chứng minh rằng ngay từ thời nhà Tống, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc quyền quản lý của TQ và “Hải quân TQ đã đi tuần tới các đảo Tây Sa”.

– Sự kiện thứ hai: Việc đo thiên văn trong biển Nam Hải vào đầu đời Nguyên đã khẳng định rằng các đảo là một bộ phận của lãnh thổ TQ.

Sách trắng của Bộ Ngoại giao TQ 1980 viết:

“Năm thứ nhất đời Nguyên tiến hành đo đạc thiên văn 27 nơi trong nước, nhà Nguyên năm thứ 16 (Công nguyên năm 1279) Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đích thân sai Đồng Trí Thái, Sử viện sử Quách Thụ Kinh, nhà thiên văn nổi tiếng đến biển Nam tiến hành đo đạc. Theo Nguyên Sử, điểm thiên văn Nam Hải nằm ở phía Nam Châu Nhai (thuộc đảo Hải Nam) và kết quả đo đạc cho thấy Nam Hải ở vĩ tuyến Bắc 15 độ. Điểm thiên văn Nam Hải chính là ở quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó nói rõ quần đảo Tây Sa thời Nguyên đã là nằm trong biên thuỳ TQ”.

Thực ra, Nguyên Sử, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, việc đo đạc thiên văn được ghi chép như sau:

“Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở hai mươi bảy nơi. Phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc”.

Khái niệm “bốn biển”, theo ngôn từ TQ, chỉ rằng các lãnh thổ này nằm ngoài lãnh thổ quốc gia. Trên thực tế, dưới đầu đề “đo đạc bốn biển”, Nguyên Sử chép rõ tên 27 nơi đo đạc thiên văn trong đó có những địa danh hoàn toàn không thuộc cương vực TQ như Cao Ly (Triều Tiên), Thiết Lặc (Siberia). Chính Nguyên Sử cũng nói rõ “lãnh thổ TQ” dưới thời Nguyên phía Nam chỉ tới đảo Hải Nam, phía Bắc không quá sa mạc Gobi.

Các quan trắc thiên văn trên có phần tiến hành trên lãnh thổ TQ, có phần nằm ngoài cương vực TQ. Do đó, nó không thể tạo ra bằng chứng xác đáng cho chủ quyền TQ. Ngay cả khi điểm quan sát thiên văn “Nam Hải” nằm trên các đảo Tây Sa, thì việc quan sát thiên văn đó… cũng không đủ để thể hiện ý chí của “Chính phủ đó thực hiện chủ quyền trên các đảo đá nhỏ này”. Hơn nữa một hành động nghiên cứu khoa học không thể tạo nên một danh nghĩa chủ quyền.  


[1] Bất Lao Sơn: Cù Lao Chàm; Hoàn Châu: Nước Chămpa