Điên đảo vì tiếng ồn

Ở Úc, hành vi gây ồn cho hàng xóm bị xử lý rất nghiêm. Ở Việt Nam, chưa thấy cơ quan chức năng xử phạt hành vi này

 Điên đảo vì tiếng ồn

Giết người vì tiếng ồn

Công an TP Sóc Trăng cho biết, cuối tháng 12.2010, ông Đào Văn Hải (53 tuổi) – chủ shop thời trang trên đường Hùng Vương, P.6, TP Sóc Trăng do mới khai trương cửa hàng thời trang nên muốn mở nhạc thật to, âm thanh hết cỡ để thu hút sự chú ý của khách hàng. Chủ cửa hàng bán phở Sáu Huẩn là bà Trang Thị Hoá (63 tuổi), ngay bên cạnh do không thể chịu đựng được tiếng nhạc đã yêu cầu ông Hải giảm âm thanh. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xung đột, Trang Thanh Tuấn (43 tuổi) – cháu của bà Hoá đã cầm hai con dao chặt thịt chạy sang và rượt đâm ông Hải tử vong tại chỗ. Bà Trang Thị Hoá và Trang Thanh Tuấn cũng bị hai con trai ông Hải đâm trọng thương.

Cũng vì tiếng ồn không đáng có, mà hậu quả là 1 người bỏ mạng, 2 người bị thương tật suốt đời và 3 người bị liên luỵ là Võ Công Thành (người làm ở quán phở Sáu Huẩn), Đào Văn Quý và Đào Văn Quân (con ruột ông Đào Văn Hải).

Đây chỉ là một trong những vụ xô xát có nguyên nhân từ tiếng ồn. Tại nhiều khu vực ở TP.HCM, tiếng ồn đã vượt xa mức cho phép, gây tổn hại cho sức khoẻ người dân tại TP.HCM.

 

Điếc vì ồn

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn, Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện STO Phương Đông, cho biết ngày càng nhiều trường hợp bị điếc tai do tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn. Khi con người nói chuyện với nhau bình thường thì tiếng ồn chỉ khoảng 30 dB – 40 dB, tai người cũng chỉ chịu đựng âm thanh tối đa dưới 80 dB. Trong khi đó hiện tiếng ồn ngoài đường có khi đến 90 dB, vượt quá sức chịu đựng của tai. Theo bác sĩ Sơn, điều cần làm nhất hiện nay là cấm sử dụng còi hơi trong TP.

 

1.001 kiểu tra tấn

Trên hàng loạt tuyến đường của TP.HCM như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần, Ba Tháng Hai… tiếng động cơ, tiếng còi xe… rất lớn. Bà Phương, nhà 278 Võ Thị Sáu, bức xúc: “Lúc xe ngừng đèn đỏ, tiếng ồn càng kinh khủng hơn. Tiếng còi inh ỏi liên tục với đủ mọi kiểu làm tôi ù tai, choáng váng. Đáng sợ hơn là mức độ tiếng ồn ngày càng tăng khiến tôi bị mất ngủ triền miên” – bà Phương nói.

Đó là chưa kể, tiếng ồn đinh tai nhức óc còn phát ra từ hệ thống loa công suất lớn của các siêu thị, cửa hàng điện máy ở mặt tiền đường. Anh Nguyễn Thành Đạt, một bảo vệ siêu thị điện máy – cho biết do hằng ngày phải làm việc, ăn uống trong môi trường tiếng ồn quá lớn khiến anh thường xuyên căng thẳng, mất ngủ. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng, đào móng nhà; cơ sở khoan cắt sắt thép, hàn xì… hoạt động cả ngày lẫn đêm đang là mối đe doạ tiếng ồn với cư dân đô thị. Chỉ riêng Đường dây nóng Báo Thanh Niên thời gian qua đã có hàng trăm cuộc gọi, thư khiếu nại về tình trạng “tra tấn hàng xóm” do tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng. “Tiếng ồn ban ngày đã phiền lắm rồi, đêm xuống vẫn không tha. Gần tháng nay, đêm nào cũng vậy, đang ngủ ngon bỗng giật mình do nhiều xe tải tập kết hàng hoá, tiếng la ó từ các quán giải khát phục vụ khách xem đá banh suốt đêm. Chắc tôi phải chuyển đi chỗ khác để tránh ồn ào”, bà Nguyễn Thị Út, ngụ chung cư Lê Hồng Phong (P.1, Q.10), than. Đêm khuya là giờ dành cho các hung thần xe tải tự do tung hoành. Người dân ngụ đường Nguyễn Tri Phương (Q.10), Chánh Hưng, Phạm Hùng (Q.8, H.Bình Chánh), Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát (Q.7), đã phản ánh nạn xe tải hoành hành suốt đêm, khiến dân mất ngủ. “Hàng chục thanh niên tụ tập bóp còi inh ỏi suốt đêm, đua xe, nẹt pô, rồ ga… là chuyện thường trên đường này”, ông Hai Đức, mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt (P.1, Q.5), lo lắng.

Chị Catherine Earl, giảng viên đại học tại Úc, đến TP.HCM du lịch, cho biết: “Điều khiến tôi sợ nhất, ngoài vấn đề quá nhiều xe gắn máy, là tiếng ồn. Tiếng ồn ở mọi nơi: trong nhà, ngoài đường, quán cà phê, shop thời trang. Ồn cả ngày lẫn đêm”. Theo Catherine, có đêm đang ngủ chị bỗng giật mình vì tiếng rú ga kinh hoàng của nhóm thanh niên đua xe trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh. Ở Úc, hành vi gây ồn cho hàng xóm bị xử lý rất nghiêm. Ở Việt Nam, chưa thấy cơ quan chức năng xử phạt hành vi này.

Vượt xa mức cho phép

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết kết quả đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc ở 30 tuyến đường của TP.HCM cho thấy “Tiếng ồn đã vượt xa mức cho phép, không chỉ ở những tuyến đường đông hay ít xe, ngay đêm khuya (22 giờ đến 6 giờ sáng) mức độ ồn vẫn giới hạn nhiều lần. Trước năm 2008, mức tăng tiếng ồn tại TP chỉ 0,2-04 dBA/năm nhưng đến năm 2009, độ ồn đã gia tăng bằng 14 năm trước đó cộng lại. Trong 3 nguồn gây tiếng ồn chính (công nghiệp, giao thông, xây dựng – dịch vụ) thì hoạt động giao thông gây tiếng ồn nhiều nhất”. TS Nguyễn Đinh Tuấn cảnh báo: “Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở TP.HCM đang ở mức báo động. Cụ thể, đối với khu vực ven các trục đường giao thông, kết quả quan trắc trong 5 năm 2005 – 2009 cho thấy có giá trị từ 74 – 83 dB, 88% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Khu vực dân cư và các khu vực khác cũng có tình trạng tương tự”.

Theo TS Nguyễn Đinh Tuấn, tiếng ồn gây nên nhiều tác hại cho sức khoẻ con người, như tác động xấu lên hệ thính giác, hệ thần kinh, hệ tim mạch. Một điều rất dễ nhận thấy là những người thường xuyên tiếp xúc với mức ồn cao thì mệt mỏi về tinh thần, bị stress, năng suất làm việc không cao, nhất là với những người làm việc trí óc. Người tiếp xúc với tiếng ồn nhiều thường bị suy nhược toàn thân, ù tai, mất ngủ và làm trầm trọng thêm các loại bệnh, nhất là tim mạch, huyết áp. Lâu ngày sẽ bị mất sự nhạy cảm với âm thanh, dần dần bị bệnh điếc. Ngoài ra, tiếng ồn ngoài ý muốn gây ức chế thần kinh, căng thẳng cho công việc, học tập…