15/11/2024

Đông Nam Á bùng nổ sản xuất, tiêu thụ ma tuý

Khu vực “Tam giác vàng” giữa Myanmar, Lào và Thái Lan vẫn là điểm nóng của mọi điểm nóng, nơi nhiều khả năng có khoảng 12 trung tâm lớn sản xuất methamphetamine

Đông Nam Á bùng nổ sản xuất, tiêu thụ ma tuý

Trong Báo cáo ma tuý thế giới 2011 (WDR), Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo hoạt động sản xuất và tiêu thụ heroin cùng các loại ma tuý tổng hợp đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

“Cộng đồng quốc tế dường như ít để ý đến nhiệm vụ kiểm soát ma tuý ở khu vực Đông Nam Á” – chuyên gia Yury Fedotov, giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về ma tuý và tội phạm (UNODC), nhận định. WDR 2011 của UNODC cho biết hiện nay Myanmar và một số nước Đông Nam Á đang trở thành nguồn cung cấp và buôn bán heroin cùng các loại ma tuý tổng hợp lớn. Từ đó, hàng trắng len lỏi khắp các ngóc ngách ở châu Á và cả các châu lục khác.

Sản xuất tăng vọt

Theo UNODC, sản lượng thuốc phiện ở Myanmar tăng 20% trong năm 2010, nâng thị phần toàn cầu từ 5% năm 2007 lên 12% năm 2010. Diện tích trồng thuốc phiện ở Myanmar giảm 21% còn 185.900 hecta giữa năm 2007 và 2009, nhưng tăng trở lại lên 195.700 hecta vào năm 2010. Hồi tháng 3-2011, quân đội Myanmar cho biết gần 1/6 diện tích trồng thuốc phiện ở nước này đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, các chuyên gia UNODC khẳng định quân đội Myanmar vẫn đứng đằng sau việc trồng thuốc phiện. Một số tướng lĩnh cao cấp trong quân đội có quan hệ mật thiết với các nhà buôn thuốc phiện.

“Bọn buôn ma tuý không chỉ phá vỡ luật pháp mà còn làm băng hoại tâm hồn con người, tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố và ly khai”

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để chống lại nạn buôn bán ma tuý toàn cầu

Myanmar là nhà cung cấp methamphetamine dạng viên số một trong khu vực. Trong năm 2009, các nhà chức trách Đông Nam Á đã tịch thu được 15,8 tấn methamphetamine dạng viên, cao gấp 30% so với năm 2008. Một con số kỷ lục. Phần lớn số ma tuý này xuất phát từ Myanmar.

Trong vòng vài năm qua, phần lớn lượng methamphetamine kết tinh bị thu giữ ở miền bắc Thái Lan là được sản xuất và tuồn đi từ Myanmar. Khu vực “Tam giác vàng” giữa Myanmar, Lào và Thái Lan vẫn là điểm nóng của mọi điểm nóng, nơi nhiều khả năng có khoảng 12 trung tâm lớn sản xuất methamphetamine.

“Tam giác vàng không còn đơn thuần là nơi trồng và buôn bán thuốc phiện – chuyên gia Fedotov cho biết – Nó trở thành vùng kinh doanh chăm sóc cho khách hàng”.

Hoạt động sản xuất và buôn bán ma tuý tổng hợp cũng diễn ra mạnh ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Năm 2009, Trung Quốc triệt phá được 391 phòng thí nghiệm sản xuất ma tuý tổng hợp, phần lớn ở Quảng Đông, Tứ Xuyên và Hồ Bắc. Sản phẩm chủ yếu là methamphetamine kết tinh và ketamine. Lượng ma tuý tổng hợp bị thu giữ ở Trung Quốc từ năm 2005-2009 trung bình 6,1-6,8 tấn/năm. Cũng năm này, Indonesia phá hủy được 35 phòng thí nghiệm sản xuất ma tuý tổng hợp, trong đó 25 có quy mô rất lớn. Malaysia cũng triệt phá được 11 phòng thí nghiệm, phần lớn ở Kuala Lumpur và khu vực miền nam.

Thị trường ma tuý tổng hợp cũng đang mở rộng ở Đông Á và Đông Nam Á. Methamphetamine dạng viên là sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh ở Lào và Thái Lan, trong khi dân chơi Brunei, Campuchia, Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Indonesia ưa chuộng methamphetamine dạng kết tinh. UNODC cũng cho biết thị trường methamphetamine cả dạng viên và kết tinh ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong vài năm qua, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Việt Nam cũng thông báo về sự tồn tại của các kho chứa ma tuý tổng hợp ở khu vực biên giới phía bắc với Lào.

Ở Đông Nam Á, Myanmar cũng là vùng sản xuất và cung cấp heroin lớn. Heroin từ Myanmar tràn vào Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam. Lượng heroin bị nhà chức trách Trung Quốc thu giữ ở tỉnh này tăng từ 2,9 tấn năm 2008 lên 3,3 tấn năm 2009. Ngoài ra, Lào cũng là một nước sản xuất lớn.

Trong năm 2009, tổng cộng Myanmar và Lào xuất khẩu 25 tấn heroin. Tuy nhiên, Afghanistan vẫn là nước cung cấp heroin số một cho khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong năm 2009, từ Afghanistan, ước tính 25 tấn heroin đã tuồn vào Đông Nam Á, 40 tấn vào Trung Quốc. Cửa ngõ lưu thông là Pakistan.

Tại châu Á, Ấn Độ là nước sản xuất và thị trường tiêu thụ heroin lớn vào khoảng 1,4 tỉ USD.

Một thị trường 68 tỉ USD

Theo UNODC, thị trường thuốc phiện toàn cầu hiện vào khoảng 68 tỉ USD/năm. Năm 2010, sản lượng thuốc phiện toàn cầu giảm 38% do mất mùa ở Afghanistan, xuống còn 4.860 tấn. Trong đó Afghanistan đóng góp tới 3.600 tấn. Chuyên gia UNODC Fedotov dự báo năm nay nhiều khả năng sản lượng ở Afghanistan sẽ phục hồi trở lại. Ở Afghanistan, giá mỗi gam heroin chưa đầy 4 USD, nhưng con nghiện ở Tây và Trung Âu phải trả từ 40-100 USD/gam, còn khách hàng ở Mỹ và Bắc Âu trả 170-200 USD/gam. Ở Úc, mức giá dao động từ 230-370 USD/gam.

UNODC cho biết tổng số người nghiện ma tuý đã tăng trong 10 năm qua, hiện ở mức 180-210 triệu người. Tỉ lệ người nghiện từ 15-64 tuổi vào khoảng 5%. Loại ma tuý thường được sử dụng nhiều nhất là cần sa, sau đó là ma tuý tổng hợp (methamphetamine, amphetamine, methcathinone và ecstasy), tiếp theo là heroin và cocain.

Ước tính có khoảng 200.000 người chết mỗi năm vì nghiện ma tuý, chủ yếu do sử dụng quá liều. Khoảng 18% con nghiện sử dụng ma tuý bằng cách chích là bị nhiễm HIV/AIDS và 50% nhiễm viêm gan siêu vi C.

HIẾU TRUNG (Theo Unodc.org)

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 25/06/2011