Nên cấm quảng cáo game online
Tại sao lại không cấm quảng cáo game online như cấm quảng cáo thuốc lá, rượu?
Nên cấm quảng cáo game online
Sau khi đọc bài viết “Tôi thà mang tiếng ác với con” trên Tuổi Trẻ 15-6, bạn đọc Nguyễn Thành (Hà Nội) quyết định gọi đến Tuổi Trẻ chia sẻ câu chuyện của mình:
“Khi đọc bài, không ít người phê phán người cha đối xử tàn tệ, hành hạ trẻ em. Người ngoài cuộc nói rằng thiếu gì cách giáo dục, sao phải làm như vậy. Nhưng ở góc độ người cha từng có con nghiện game online, tôi rất đồng cảm và chia sẻ với người bố đó. Vì chính gia đình tôi từng trải qua những tháng ngày đau khổ và bất lực với đứa con nghiện game online của mình.
Người làm bố làm mẹ không ai muốn đánh con, bắt con bò ngoài đường như thế. Con mình đẻ ra, sao không xót. Cực chẳng đã mới phải làm vậy. Hơn ba năm trời, vợ chồng tôi cũng đã làm theo lý thuyết, hết lời khuyên nhủ, phân tích nhẹ nhàng mà không dám nặng lời hay đánh con. Chúng tôi dành nhiều thời gian cho con hơn, đưa đi chơi, mua những thứ cháu thích… nhưng không giải quyết được. Từ lớp 3 tới lớp 6 cháu có bỏ được đâu.
Kể từ lúc chơi game (năm 2005), con trai tôi từ một đứa rất chăm học và học giỏi đã tụt dốc, sa sút hẳn. Từ học sinh xuất sắc xuống tiên tiến, có lần gần xuống trung bình. Đầu óc lúc nào cũng lãng đãng, lơ mơ. Đã thế từ khi lao vào game online, cháu mắc thêm tội nói dối và ăn cắp tiền của bố mẹ. Cháu bảo sang nhà bạn chơi nhưng lại trốn ra quán game. Những bạn tốt, ham học cháu không chơi nữa mà kết thân với mấy đứa tóc vàng hoe, xanh xanh đỏ đỏ.
Máy tính ở nhà vợ chồng tôi phải cắt đường Internet dù rất cần. Chúng tôi đi làm cả ngày, ở nhà có người giúp việc canh chừng nhưng cháu đâu có sợ. Có khi đang trong giờ làm, không an tâm, tôi bất ngờ chạy về nhà, không thấy con đâu. Hỏi bà bán nước chè đầu ngõ, chạy ra chỗ quán game tìm.
Nhưng quán nào dễ tìm cháu không vào nữa mà đến những chỗ rất hiểm hóc để mình không tìm thấy. Có lần không kìm được cơn tức giận, lôi con về, tôi vừa đi vừa mắng vừa tát con vừa khóc vì thương con và thấy mình không thể làm gì cứu con được. Vợ tôi cũng khóc rất nhiều. Thật sự rất nhiều lần tôi thấy mình bất lực và tưởng rằng phải buông xuôi.
Đầu năm lớp 7, con tôi chuyển trường từ quận Hoàn Kiếm về khu đô thị mới Mỹ Đình. Vợ chồng tôi âm thầm “lôi kéo”, khuyến khích con vào những nhóm chơi thể thao lành mạnh trong trường. May mà cháu thích rồi theo. Cháu tham gia nhóm bạn chơi bóng rổ trong trường. Tôi dẫn con đi mua bóng, mua giày, mua trang phục, áo đấu theo sở thích của con.
Thằng bé học nội trú nên mang bóng theo, hết giờ học là ôm bóng ra sân bóng rổ trong trường chơi. Từ đó cháu mới giảm chơi game online. Hôm nào thấy con ở nhà là hai vợ chồng nịnh cho cháu đi đến trường chơi bóng rổ. Thằng bé tham gia tất cả các giải đấu giao lưu với các trường. Cháu đã tìm thấy niềm vui và niềm đam mê lành mạnh. Bây giờ thỉnh thoảng con tôi vẫn chơi game nhưng không còn nghiện như trước nữa. Học lực thằng bé đã lên loại giỏi.
Tôi cho rằng chuyện game online có vai trò rất lớn của các nhà quản lý. Tại sao lại không cấm quảng cáo game online như cấm quảng cáo thuốc lá, rượu? Cấm không được thì phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Game online đã đầu độc cả một thế hệ. Trẻ lớp 3, lớp 4 biết suy nghĩ gì đâu. Từ chính trải nghiệm của mình, tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con nhiều hơn, nhận ra con thay đổi khác thường là phải chỉnh ngay. Để ý xem con thích môn thể thao nào, hướng cho con tham gia theo. Khi đó độ quan tâm của trẻ với game sẽ giảm dần và tới một lúc nào đó hứng thú của trẻ với game không còn nữa”.
Sự bất hạnh của trẻ em Có lẽ cả hai phía cha mẹ lẫn trẻ em đang là nạn nhân của một môi trường mà ở đó trẻ em hình như không tìm thấy cơ hội để phát triển một cách đầy đủ như quyền mà các em tất phải được hưởng. Người cha với sự hạn chế về tri thức cùng với áp lực về mưu sinh đã nỗ lực hết sức mình nhưng vẫn bất lực trước sức thu hút của game. Những đứa con chắc có lẽ cũng không phải là những đứa trẻ cứng đầu cứng cổ, không giữ lời hứa với cha mẹ, nhưng vì các em không thể tìm được cái gì khác để vui chơi giải trí, để khám phá, để giải phóng năng lượng và trí tò mò của mình trong thời gian nhàn rỗi. Trong khi game thì luôn luôn ở đó, sẵn sàng đón nhận các em mọi lúc mọi nơi. Hãy nhìn qua một vài số liệu sau để thấy trẻ em ở nước khác làm gì trong thời gian nhàn rỗi và hiện trạng của trẻ em chúng ta hiện nay. Cuộc khảo sát do Pascal Verbèke tiến hành năm 2009 tại Pháp cho thấy trong độ tuổi 13-14, có 62,25% nam chơi thể thao và 37,20% nữ chọn các hoạt động thể thao trong thời gian nhàn rỗi. Chỉ có 29,54% nữ và 35,08% nam trong độ tuổi từ 13-30 cho biết họ chơi game hoặc vào Internet mỗi tuần 1-2 giờ. Có đến 65,17% người trong độ tuổi từ 13-30 cho biết họ tiếp cận một cách dễ dàng các hoạt động văn hoá, thể thao trong thời gian nhàn rỗi (nguồn: joc.asso.fr). Sở dĩ trẻ em người ta có những hoạt động đa dạng như thế vì các em được tạo những điều kiện để làm điều đó. Chẳng hạn như ở Bỉ, mỗi quận đều có nhà cộng đồng (maison communale), chắc cũng giống với nhà văn hoá của ta nhưng cách tổ chức hoạt động lại hoàn toàn khác. Tại nhà cộng đồng này, trẻ em sau giờ học được tập hợp lại để vừa học vừa chơi. Các em học làm hoạ sĩ, thợ mộc, nhà báo, diễn viên, đạo diễn, chơi thể thao… Các nhân viên tại nhà cộng đồng sẽ hướng dẫn các em thực hiện những hoạt động đó, có khi họ mời một hoạ sĩ đến để hướng dẫn các em vẽ, sau đó cũng có “triển lãm” với các khán giả và “nhà phê bình” là chính các bạn của mình. Chính vì có nhiều hoạt động hợp chuẩn phong phú như vậy nên các em mới rứt ra khỏi máy vi tính, không đam mê game như trẻ em chúng ta. Việt LÊ MINH TIẾN |