Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? – Bài 6: Thương con như thế bằng mười hại con!
Bên cạnh nguyên nhân buông lỏng quản lý về giờ giấc, việc không ít phụ huynh do thương con hoặc mải lo làm ăn, cung cấp cho con tiền bạc thoải mái… cũng vô tình đẩy con vào con đường phạm pháp.
Báo Thanh Niên, ngày 29/09/2010
Tưởng thương, hoá hại con!
Tại Q.2, TP.HCM, một số phụ huynh ở trường THPT Thủ Thiêm hiện kêu trời vì quá nuông chiều con cái khiến chúng ăn chơi, lêu lổng. Chị T., ngụ P.An Khánh, Q.2 kể trong nước mắt: “Sau khi nhận tiền đền bù dự án Thủ Thiêm, gia đình tui cũng dư dả tiền bạc nên cho con cái tiền mua xe, laptop và điện thoại di động, để con có điều kiện học hành và bằng bạn bằng bè. Nào ngờ, từ ngày có tiền, nó toàn tụ tập đám bạn ngồi quán nước đánh bài suốt ngày, tối còn đua xe, chẳng chịu học hành. Gia đình tui nói hoài mà nó chẳng chịu nghe. Mới đây, gia đình tui tá hỏa khi hay tin nó cùng đám bạn chặn đường đánh người…!”.
Cũng vì nuông chiều con cái mà nhiều bậc cha mẹ phải khóc hận, khi biết con họ phạm tội. Điển hình là vụ án mạng xảy ra tại Q.Tân Bình giữa 2 nhóm học sinh hỗn chiến. Nguyên nhân chỉ vì 2 nhóm này xảy ra mâu thuẫn trong buổi xem văn nghệ do trường tổ chức, thế là gần 30 người (trong đó có khoảng 20 thanh thiếu niên ở bên ngoài) dùng mã tấu, dao, tuýp sắt hỗn chiến. Hậu quả: T.V.T.Đ (học sinh lớp 10, ngụ Q.Tân Phú) bị N.T.T (17 tuổi, học sinh lớp 11 của một trường tư thục trên địa bàn quận) đâm chết và 3 người khác của 2 bên bị đâm trọng thương. N.T.T bị Công an Q.Tân Bình thực hiện lệnh bắt khẩn cấp sau đó.
|
“Ngoài việc tập cho con tính tự chủ, cha mẹ cần tập cho con tính quan tâm và biết chia sẻ với người khác. Thông thường, nếu trẻ biết quan tâm, chia sẻ với người khác thì trẻ sẽ trầm tính hơn, đồng thời gây được thiện cảm với những người xung quanh. Bằng cách này, trẻ cũng không gặp phải những kẻ tấn công vì chẳng khiêu khích ai… Chính điều này sẽ tạo được “mạng lưới” bảo vệ được con mình. Qua những vụ bạo lực trong học đường cho thấy, nguyên nhân chỉ vì va quệt nhau, nhưng nếu trẻ biết nói lời xin lỗi, một lời tử tế thì có lẽ mọi chuyện sẽ không đến nỗi căng thẳng…” (Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng) |
|
Tại trụ sở công an hôm đó, đa số bố mẹ có con tham gia ẩu đả đều bất ngờ khi con mình bị bắt do đâm chém nhau. Họ cho biết, hằng ngày đưa đón con cái đi học và “tiền bạc đâu có để cho chúng thiếu thốn”. Riêng bố mẹ T., khi nghe được lời khai của con với cơ quan CSĐT, đã không khỏi giật mình: T. từng bỏ học đi chơi qua đêm 9 lần, 5 lần lấy tiền của gia đình để ăn chơi, 1 lần lấy ĐTDĐ đem bán, thường xuyên đi qua đêm ngủ ở mấy quán cà phê ở đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)…
Cũng vì quá cưng chiều con, một số phụ huynh dù biết giúp đỡ con mình chạy trốn công an sau khi gây trọng án là sai nhưng cũng làm liều. Sau khi nghe N.H.V (18 tuổi, ngụ Q.2) kể lại việc V. giết chết chị L.M.T (35 tuổi, kiểm sát viên của Viện KSND Q.2) cướp tài sản, thay vì đưa con đến công an đầu thú để được hưởng khoan hồng thì ngược lại bố mẹ V. cho tiền con làm “lộ phí” ra Nha Trang lẩn trốn.
Chiều con đến… hư hỏng
Ngày 9.9, TAND TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Văn Lâm (24 tuổi) 18 năm tù (tổng hợp với bản án 3 năm tù chưa thi hành, Lâm phải chấp hành tổng cộng 21 năm tù), Phạm Văn Mạnh (15 tuổi) 13 năm tù về cùng tội “cướp tài sản”. Lâm và Mạnh cùng một số đồng phạm tổ chức đánh, cướp xe và tiền của ông V.V.T tối 5.5.2009 ở Q.Thủ Đức. Số tiền cướp được 900 triệu đồng cả bọn chia nhau tiêu xài. Lâm khai sau khi có tiền đã tặng người tình 25 triệu đồng để mua xe và đi du lịch, tổ chức nhiều cuộc ăn chơi tại các vũ trường với chi phí mỗi đêm cả chục triệu đồng. Đến khi sạch túi, Lâm lấy lại chiếc xe của bạn gái đem bán để tiếp tục lao vào các cuộc “bay đêm”. Cuối cùng, đôi nhân tình rủ nhau đi bán ma túy, thì bị Công an tỉnh Bình Dương bắt và bị tòa xử 3 năm tù.
Trong giờ giải lao của phiên tòa, Mạnh rụt rè cho biết cha mình từng là bộ đội nhưng ông rất cưng chiều Mạnh. Cũng vì vậy mà Mạnh hư hỏng lúc nào không hay. Trước khi phạm tội, Mạnh được gia đình cấp vốn mở cửa hàng bán điện thoại nhưng do sa đà vào cờ bạc nên chẳng bao lâu cửa hàng đó phải đóng cửa. Thất nghiệp, Mạnh thường tụ tập uống cà phê với bạn bè, cặp kè với Lâm rồi phạm tội.
Dạy con cách xài tiền
Một cán bộ của Công an TP.HCM nhận định: “Bây giờ ra đường dễ dàng bắt gặp nhiều thanh thiếu niên hiện diện ở mấy quán cà phê, quán nhậu, quán bar, vũ trường, tiền xài thoải mái. Mấy đứa trẻ lấy đâu ra tiền mà xài hoang thế, nếu không phải chúng được người thân cung phụng?”. Từ nhìn nhận này, vị cán bộ công an cho rằng bố mẹ cần khắt khe hơn trong việc cho tiền con cái tiêu xài, chỉ nên đưa trẻ tiền vừa đủ để chi cho các nhu cầu cơ bản, tối thiểu. Khi các em xin một khoản tiền lớn, quá mức bình thường, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân thông qua bạn bè, thầy cô… xem lý do xin tiền các em đưa ra có đúng thực tế. Ngoài ra, cần thường xuyên khéo léo kiểm tra tiền cho các em có sử dụng đúng mục đích…
Nhà giáo Phan Thúc Xán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý – giáo dục – hướng nghiệp trẻ TP.HCM, lại cho rằng cần hướng dẫn cho con cách xài tiền. “Trong quá trình tư vấn giáo dục, một số trẻ đã thổ lộ thường xuyên mở hộc tủ, lục bóp lấy tiền của cha mẹ để hớ hênh. Ban đầu chỉ vài ngàn đồng, đến vài chục, rồi vài trăm ngàn mà cha mẹ vẫn không hay biết. Thế là quen. Không có tiền tiêu xài thì sinh ra thói quen ăn cắp, dẫn đến tập nhiễm rất khó sửa. Nếu không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, trẻ dễ sinh ra tội lỗi. Hết tiền thì đi ăn cắp, ăn trộm, thậm chí khống chế bạn bè để có tiền”, nhà giáo Phan Thúc Xán phân tích và khuyên: “Cha mẹ phải hướng dẫn cho con biết giá trị tiền bạc và sử dụng ra sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tôi vẫn thường khuyên các bậc phụ huynh có thể cho tiền trẻ nhưng ở mức độ vừa phải. Chẳng hạn, trẻ ở cấp 1 chỉ 5.000 đồng/ngày; cấp 2: 10.000 đồng/ngày và cấp 3: 15.000 đồng/ngày… Số tiền này sẽ được trẻ sử dụng chừng mực trong 1 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu ăn quà vặt với bạn bè hoặc mua đồ phục vụ cho học tập”.
Ngồi dự nhiều phiên tòa trẻ vị thành niên phạm tội, ông Bùi Quang Việt, Hội thẩm nhân dân TAND TP.HCM, tâm sự: “Gia đình là nơi giáo dục trẻ đầu tiên, kế đến là nhà trường và sau đó là xã hội. Vì vậy, cần phải thay đổi từ gốc, tức là cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng phải thay đổi, giúp lột bỏ dần tính ích kỷ để trẻ phát triển theo hướng tích cực. Muốn vậy, chúng ta phải dạy cho những đứa trẻ học cách làm người để chúng miễn nhiễm với cái xấu”.
Minh Nam – Đàm Huy – Lê Nga