Ai cũng muốn yêu và được yêu

TT – Tỉ phú Mỹ – tác giả bộ sách Chicken soup for the soul Jack Canfield đã đến VN sáng 28-9 và sẽ có buổi diễn giảng duy nhất vào ngày 29-9 tại TP.HCM. Ông dành riêng cho PV Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn.

Ai cũng muốn yêu và được yêu

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Tư, 29/09/2010

TT – Tỉ phú Mỹ – tác giả bộ sách Chicken soup for the soul Jack Canfield đã đến VN sáng 28-9 và sẽ có buổi diễn giảng duy nhất vào ngày 29-9 tại TP.HCM. Ông dành riêng cho PV Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn.

* Giấc mơ ngày thơ bé của ông là gì? Ông có theo đuổi nó không? Hiện tại của ông có phải chính là hình ảnh phản chiếu trung thực giấc mơ của ông ngày xưa?

– Tôi từng ước mơ trở thành một luật sư, nhưng khi đi học lại theo ngành lịch sử Trung Hoa. Tôi đã đắm mình vào lịch sử một thời gian dài cho đến khi đọc và học về tâm lý. Tôi nhận ra đây mới là điều mình chờ đợi, mong muốn, tôi quyết định sẽ học lên cao hơn về môn tâm lý.

Rất tiếc do thiếu căn bản nên tôi không thực hiện được điều đó. Nhưng tôi đã nghiên cứu để trở thành một giáo viên cấp II dạy tâm lý.

Chính quá trình này giúp tôi nhận ra việc truyền đạt kiến thức trực tiếp không tốt hơn việc khơi gợi cho học sinh hứng thú với việc học. Tôi cũng nhận ra các em thích thú, tò mò với những câu chuyện, lịch sử hơn là những bài học thông thường.

Trước đó tôi không bao giờ nghĩ có ngày mình trở thành một tác giả viết sách nổi tiếng, nhưng chính sự theo đuổi công việc của tôi đã dẫn tôi đến thành công này.

* Có rất nhiều câu chuyện danh nhân mà ông sẽ kể ra như những bài học đáng giá về cách nắm bắt hoặc lựa chọn cơ hội trong cuộc sống. Nhưng gần đây, câu chuyện nào thật sự chạm vào trái tim của ông nhất?

– Cách đây bốn năm tôi đến châu Á và ở Manila (Philippines) tôi gặp một người đàn ông vừa bị vợ bỏ, phá sản và trong túi chỉ còn khoảng 35 peso (1 USD). Điều thú vị là sau khi tham dự cuộc thảo luận của tôi, đọc những cuốn sách của tôi, chỉ một năm sau anh ta đã kiếm được hàng triệu đôla.

Hiện tại anh đã trở thành một diễn giả nổi tiếng ở Manila, có sáu công ty trong tay sau bốn năm và có một kênh truyền hình riêng cùng rất nhiều nhà hàng, tiệm cà phê thành công khác. Câu chuyện này thật sự đã truyền nhiều cảm hứng cho tôi nhất.

* Ông đã đến với thiền, nhưng hình như để có thể thật sự hành thiền, người ta phải chấp nhận rũ bỏ rất nhiều những ràng buộc khác của cuộc sống – mà sự thành đạt, nổi tiếng là một ví dụ. Ông đã đối phó với điều này như thế nào? Nó có mâu thuẫn với những nguyên tắc để thành công mà ông chỉ dạy không?

– Tôi biết là tôi nổi tiếng, nhiều người biết đến tôi nhưng tôi không nghĩ nhiều về điều này. Tôi đã tập thiền theo hai phương pháp là Vipassana (thuộc về Phật giáo) và Kabbalah (thuộc về Do Thái giáo). Tôi không bị ảnh hưởng bởi sự nổi tiếng, khi tôi thiền, tôi nhắm mắt lại và thư thái – tĩnh tại từ chính trong con người mình.

Ngay trong việc kinh doanh cũng vậy, tôi không nghĩ đó là cuộc chiến mà đó chính là phụng sự, mình phải suy nghĩ nhưng đó là suy nghĩ sáng tạo và lao động chăm chỉ. Khi nhắm mắt lại, chìm trong thế giới tĩnh tại, tôi đã nhận được nhiều câu trả lời cho những câu hỏi khó trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.

* Cuốn sách sắp xuất bản của ông ở VN có tên là Người đi thu nhặt nỗi buồn. Những nỗi buồn thường là những bài học tốt hơn những niềm vui hay sự hạnh phúc ư?

– Tôi viết nhiều về những người đã khuất với những nỗi buồn hay những người đang đối diện với căn bệnh nan y như ung thư. Những cuốn sách ấy thường dành cho những người sắp mất đi hi vọng cuối cùng hay giúp người ta ánh sáng để tiếp tục theo đuổi giấc mơ.

Và sự thật là những nghịch cảnh, những nỗi buồn, những trớ trêu của số phận khi được kể ra đã giúp mọi người học được cách đối diện với nó, đuổi những cảm giác tiêu cực đi, đặc biệt là tìm được cách vị tha hơn với cuộc sống để sẵn sàng đối diện với hoàn cảnh.

* Lần trước cũng tại VN, khi ông giơ lên một cuốn sách để hỏi có ai muốn lấy nó bằng mọi cách, đã có hai thanh niên xô tới khiến ông bị ngã. Chuyện đó chưa hẳn là một tai nạn, nhưng ông nghĩ gì về điều đó?

– Tôi đã muốn đưa cho mọi người thứ họ muốn, với một cuốn sách trên tay, nếu mọi người cứ ngồi đó thì làm sao có thể có nó? Hai thanh niên đã hành động đúng dù quá mạnh mẽ. Đó cũng chỉ là một cách để tôi diễn tả ý nghĩa của bài học: muốn có kết quả thì phải hành động.

Có thể hành động đó làm cho người khác liên tưởng rằng hành động đôi khi là sự làm tổn hại đến người khác. Nhưng như khủng hoảng ở Mỹ thời gian vừa rồi, xu hướng làm tổn hại đến nhau khi hành động lại càng làm cho kinh tế Mỹ thêm suy thoái. Vì thế, bên cạnh những bài học về hành động, tôi còn muốn nhắc đến sự hòa hợp và tình yêu thương.

* Mỗi đối tượng, môi trường sống có lẽ sẽ cần một món xúp gà khác nhau. Vậy lần quay trở lại VN này, món xúp gà mà ông sẽ mang theo là gì?

– Tất cả mọi người đều giống nhau, ai cũng muốn yêu và được yêu, ai cũng muốn diễn đạt mình với thế giới thông qua âm nhạc hay hội họa, ai cũng muốn sức khỏe và gia đình hạnh phúc, ai cũng muốn được tôn trọng và vui.

Món xúp gà của tôi cũng như những gì tôi chia sẻ sẽ là món ăn chung cho tất cả mọi người.

Jack Canfield là tác giả đồng biên soạn với Mark Victor Hansen 101 câu chuyện in trong tập Chicken soup for the soul nổi tiếng thế giới. Bộ sách đã được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ khác nhau, được các tuần báo nổi tiếng như New York Times, Publisher’s Weekly USA Today bình chọn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất.

Jack Canfield cũng được New York Times bình chọn là tác giả có hơn 60 cuốn sách nằm trong danh mục bán chạy nhất (khoảng 125 triệu bản).

Độc giả VN biết đến ông qua nhiều bộ sách do First News mua bản quyền ấn hành, như bộ Chicken soup for the soul (ấn bản tại VN vẫn giữ tên gốc này, kèm những nhan đề tiếng Việt khác nhau), bộ sách Hạt giống tâm hồn, tác phẩm Dám thành công…

Ông đến VN lần này là lần thứ hai. Buổi trò chuyện với chủ đề “Thành công đột phá trong công việc và cuộc sống” của ông vào ngày 29-9 dành cho các doanh nhân hàng đầu VN.

CÁT KHUÊ thực hiện