Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? – Bài 4: Có hiện tượng băng hoại về đạo đức
Vấn đề đáng báo động, cần sự trao đổi sâu hơn trong dư luận xã hội. Đó là sự chuẩn bị tốt để khi chín muồi, cần thiết thì đưa ra Quốc hội để bàn thảo. Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Đúng là đạo đức trong xã hội thời gian gần đây có khá nhiều hiện tượng cần quan tâm.
Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? – Bài 4: Có hiện tượng băng hoại về đạo đức
Báo Thanh Niên 27/09/2010
Vấn đề đáng báo động, cần sự trao đổi sâu hơn trong dư luận xã hội. Đó là sự chuẩn bị tốt để khi chín muồi, cần thiết thì đưa ra Quốc hội để bàn thảo.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Đúng là đạo đức trong xã hội thời gian gần đây có khá nhiều hiện tượng cần quan tâm. Một loạt những vụ bạo hành, án mạng với hành động dã man xảy ra khiến người ta phải đặt câu hỏi: dường như đạo đức xã hội đang có hiện tượng băng hoại. Nền kinh tế thị trường đang làm nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục đạo đức thanh thiếu niên (TTN), sau một số năm tích tụ bây giờ mới bung ra và trở thành một hiện tượng rất cần chú ý”.
* Phải chăng chúng ta còn thiếu cơ sở pháp lý để xử lý kiên quyết các hiện tượng vi phạm về đạo đức, thưa ông?
– Không hẳn như vậy. Ví dụ, luật về bạo hành ở nước ta có rồi, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào. Tôi cho rằng đây là thời điểm thử thách của chúng ta trong việc thực hiện luật pháp.
Cá nhân tôi cho rằng gần đây, có thể những vụ việc được phát hiện hơi chậm nhưng xử lý thì tương đối nghiêm túc.
* Những hiện tượng vi phạm đạo đức trong giới trẻ thời gian vừa qua, dư luận cho rằng nguyên nhân chính là do nhà trường hiện nay vẫn chỉ nặng dạy chữ mà coi nhẹ dạy người. Ý kiến của ông về điều này?
– Có nguyên nhân đó, nhưng vấn đề đạo đức trong giới trẻ không chỉ liên quan đến giáo dục trong nhà trường. Giáo dục có nhiều biện pháp, khuôn khổ của nhà trường thì cũng có vai trò nhất định nhưng gia đình, xã hội và các đoàn thể cũng có vai trò rất lớn trong định hướng giáo dục đạo đức, lối sống cho TTN.
Tôi cho rằng vai trò của nhà trường không quan trọng bằng môi trường gia đình và môi trường xã hội mà mỗi bạn trẻ đang sống. Cần một quá trình hợp tác giữa cá nhân và cộng đồng, trong đó vai trò của cộng đồng rất quan trọng. Một môi trường xã hội lành mạnh, các cá nhân được trang bị cách thức hành xử, kỹ năng thích ứng với các biến đổi bất thường sẽ góp phần làm giảm bớt những xung đột, tránh xảy ra những hành động điên cuồng, mất hết nhân tính.
* Thông qua những hình thức sinh hoạt vui chơi, giải trí sẽ góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi nhà trường thì TTN lại rất thiếu địa chỉ để có thể vui chơi, giải trí?
– Đúng là hiện nay ngoài xã hội hầu như chưa có những hoạt động, những địa chỉ tổ chức vui chơi, giải trí lành mạnh cho TTN. Còn những hoạt động của tổ chức, đoàn thể thì còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến nhu cầu, sở thích của giới trẻ.
Một khi những hoạt động còn nặng về tính phong trào thì người tham gia cũng sẽ miễn cưỡng. Tại sao chúng ta không kết hợp với các đoàn thể, nhà trường tổ chức những hoạt động mà nhiều bạn trẻ ưa thích, để họ không tự phát tổ chức ở bên ngoài, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ, nhiều bạn trẻ rất thích đua xe vì nó mang lại cảm giác mạnh, chúng ta không nên chỉ cấm đoán mà hoàn toàn có thể tổ chức cho giới trẻ đua xe một cách lành mạnh, trong khuôn khổ cho phép…
* Thưa ông, rõ ràng những vấn đề mà dư luận đang bức xúc có liên quan nhiều đến hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Vậy có nên đưa vấn đề này ra Quốc hội để bàn thảo và tìm giải pháp?
– Tiếp xúc với cử tri, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri cho rằng cần đưa hiện tượng này như một vấn đề đáng chú ý về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước ta trong thời gian qua. Tôi cho rằng đó là vấn đề đáng báo động, cần sự trao đổi sâu hơn trong dư luận xã hội. Đó là sự chuẩn bị tốt để khi chín muồi, cần thiết thì đưa ra Quốc hội để bàn thảo.
* Xin cảm ơn ông!
* Hai học sinh lớp 7 đánh nhau, một người chết * Giết bạn vì… không cho mượn điện thoại TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Phạm Hoài Phong (22 tuổi, ngụ KV 5, đường Mậu Thân, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) 9 năm tù về tội giết người; buộc bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân với số tiền 39 triệu đồng. Theo cáo trạng, trước đó, Phong và một số bạn, trong đó có anh Võ Ngọc Ân (28 tuổi) ngồi nhậu trong quán trên đường Mậu Thân. Đến 23 giờ thì giữa Phong và anh Ân xảy ra cự cãi về việc anh Ân không cho mượn điện thoại di động để Phong gọi cho bạn, sau đó hai bên xảy ra xô xát. Phong dùng chân đá vào người làm anh Ân té xuống nền nhà, sau đó tiếp tục dùng chân giẫm lên ngực. Hậu quả: anh Ân bị dập tim, chấn thương vùng ngực kín, dẫn đến tử vong tại bệnh viện. (Mai Trâm) * Xin tiền không cho… đâm chết người Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Cần Thơ vừa hoàn tất bản kết luận điều tra chuyển sang Viện KSND đề nghị truy tố Trần Thanh Tòng (22 tuổi), Võ Tấn Lợi (19 tuổi), Lâm Tiến Đông (19 tuổi), Võ Minh Trí (17 tuổi, cùng ngụ KV1, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ) về tội danh giết người. Trước đó, khoảng 2 giờ ngày 17.6, Tòng, Lợi, Đông, Trí tụ tập chơi ở trước nhà số 61A/13 đường Lê Hồng Phong, P.Bình Thủy thì gặp Võ Văn Thừa (21 tuổi) cùng với 2 người bạn là Nguyễn Hoàng Vinh (22 tuổi) Nguyễn Văn Lượm (22 tuổi, cùng ngụ tại ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, H.Thới Lai, TP Cần Thơ) đi làm thuê tại TP.HCM đang đón xe về nhà. Thấy nhóm của Thừa đi tới, Tòng bàn với Lợi, Đông, Trí ra chặn đường xin tiền để đi nhậu. “Xin” không được, Tòng đã dùng dao bấm đâm 2 nhát vào bụng Thừa. Tuy được đưa đi cấp cứu, nhưng Thừa đã chết tại bệnh viện vào lúc 8 giờ cùng ngày. (Mai Trâm) Đánh nhau vì đua xe… chưa đã TAND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tuyên phạt Lê Thị Diễm Thu (19 tuổi, ở P.Ghềnh Ráng) 3 năm tù giam và Trần Quang Nghĩa (19 tuổi, ở P.Trần Hưng Đạo) 4 năm tù giam. Do mâu thuẫn với nhau trong việc đua xe trên đường phố, Thu và Nghĩa đã rủ rê, tụ tập bạn bè, dùng hung khí tổ chức đánh nhau. Cùng với mức án cho 2 kẻ cầm đầu, tòa còn phạt 16 thanh thiếu niên liên quan từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù giam. Theo thống kê sơ bộ của Công an Bình Định, trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra hơn 4.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó số vụ do các đối tượng còn trong độ tuổi vị thành niên gây ra chiếm gần 40%. (Phi Hùng – T.G) |
Tuệ Nguyễn (thực hiện)