Tìm hiểu Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” về lĩnh vực xã hội
Lĩnh vực xã hội luôn là một lĩnh vực phức tạp và đa dạng. Mỗi người sẽ phân tích và lựa chọn các khía cạnh tùy theo mục đích và viễn tượng của vấn đề mình đặt ra. Do đó, để hiểu các khía cạnh xã hội được thông điệp “Bác ái trong Chân lý” nói đến và lý do của sự chọn lựa những vấn đề xã hội, chúng ta cần phải xác định mục đích và viễn tượng thông điệp đề ra.
TÌM HIỂU THÔNG ĐIỆP
“Bác ái trong Chân lý” về lĩnh vực xã hội
Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh
Chủ tịch UBBAXH-Caritas Việt Nam
Trình bày ngày 29-6-2010
I. Mục đích và viễn tượng của thông điệp “Bác ái trong Chân lý”
Lĩnh vực xã hội luôn là một lĩnh vực phức tạp và đa dạng. Mỗi người sẽ phân tích và lựa chọn các khía cạnh tùy theo mục đích và viễn tượng của vấn đề mình đặt ra. Do đó, để hiểu các khía cạnh xã hội được thông điệp “Bác ái trong Chân lý” nói đến và lý do của sự chọn lựa những vấn đề xã hội, chúng ta cần phải xác định mục đích và viễn tượng thông điệp đề ra.
Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” được ĐTC Bênêđictô XVI công bố ngày 29 tháng 6 năm 2009 là một văn kiện về vấn đề xã hội. Thông điệp này có hai yếu tố đặc biệt như chìa khoá giúp hiểu thấu đáo tất cả giáo huấn của Thông điệp:
1. Lấy Bác ái hay nói theo ngôn ngữ dân gian thì dùng danh từ “Tình yêu” là yếu to nòng cốt và nguồn năng lực chính yếu để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vì tình yêu thường bị lạm dụng cho nên dễ biến thành tình cảm, dục vọng… Do đó, cần phải hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu. Do đó, thông điệp có tên là “Bác ái trong Chân lý”.
2. ĐTC Bênêđictô đã đặt giáo huấn của thông điệp trong truyền thống giáo huấn xã hội của Giáo Hội và ngài đặc biệt nhắc đến thông điệp “Sự Phát Triển của các Dân Tộc” (Populorum Progressio) của ĐTC Phaolô VI, được công bố năm 1967, như điểm tựa để Ngài khai triển và áp dụng giáo huấn của Ngài vào hoàn cảnh và tình trạng của thế giới hôm nay. Trong phần mở đầu của thông điệp (s. 8), Đức Thánh Cha Bênêđictô nói rõ ràng như sau: “Hơn 40 năm sau ngày công bố thông điệp (Sự Phát Triển của các Dân Tộc) tôi có ý muốn tuyên dương và ghi nhớ vị Giáo Hoàng Vĩ Đại Phaolô VI bằng cách nhắc lại giáo huấn của ngài về sự phát triển con người toàn diện và đặt mình vào hành trình giáo huấn ngài đã mở lối để làm cho nó hiện thực trong giây phút hiện tại”. Do đó, các vấn đề xã hội được thông điệp “Bác ái trong Chân lý” nói đến, nằm trong viễn tượng lớn của thế giới và được phân tích trong chiều hướng của sự phát triển con người toàn diện và của tất cả các dân tộc.
II.Những vấn đề xã hội
Sau phần nhập đề và chương I nói về sứ điệp của thông điêp “Sự Phát Triển của các Dân Tộc”, ĐTC Bênêđictô bắt đầu nói đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong chương II của Thông điệp. Dưới đây, chúng ta liệt kê một số vấn đề xã hội quan trọng được Thông điệp nói đến.
1. Vấn đề các nước nghèo đói (s. 21)
Vấn đề đầu tiên được nói đến là vấn đề các nước nghèo đói. Theo thông điệp “Bác ái trong Chân lý”, khi ĐTC Phaolô VI viết thông điệp “Sự Phát Triển của các Dân Tộc”, ngài nhắm mục đích kêu gọi thế giới cùng cộng tác để giúp các dân tộc thoát ly được cảnh nghèo đói, bần cùng, bệnh tật và mù chữ. Trong thế giới hôm nay, những vấn đề nói trên không những đã không được giải quyết, mà còn trở nên trầm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
2. Vấn đề đa trung tâm (s. 22)
Một đặc tính của thế giới hôm nay là vấn đề đa trung tâm (policentrico). Tình trạng nghèo đói cũng như việc giải quyết vấn đề nghèo đói tùy thuộc vào nhiều người và nhiều căn nguyên. Cho nên hiểu được căn nguyên của một vấn đề đã khó, giải quyết vấn đề còn khó hơn. Cũng từ tính cách đa trung tâm, việc phân cách giữa nước giầu và nước nghèo không còn rõ ràng như trong thời thông điệp “Sự Phát Triển của các Dân Tộc”. Tại các nước giầu, có những giai cấp xã hội trở nên nghèo và đang phát sinh ra những hình thức nghèo đói mới, trong khi tại các nước nghèo, lại có những nhóm người giầu ngoài sự tưởng tượng. Vấn đề cách biệt giầu nghèo mỗi ngày càng thêm thê thảm và vấn đề không chỉ nằm trong mối tương quan giữa các quốc gia, nhưng ngay giữa các nhóm người trong cùng một quốc gia.
Trong tình trạng này, còn phải nói đến sự tham nhũng và vô pháp luật đang lan tràn khắp nơi, tại các nước giầu cũng như nước nghèo và ngay cả trong các cơ quan thiện nguyện quốc tế. Do đó, các sự trợ giúp quốc tế cũng bị lèo lái và bị xử dụng không trúng với mục đích của nó, vì sự vô trách nhiệm đã ăn rễ trong guồng máy của những người cho cũng như của những người nhận.
3. Một hiện tượng mới: một số nước phát triển nhiều về kinh tế (s. 23)
Một số quốc gia đã thực hiện được cuộc phát triển kinh tế vượt bậc và được gia nhập nhóm các cường quốc, có khả năng chi phối tương lai của thế giới. Mặc dầu phát triển kinh tế và thăng tiến kỹ thuật là điều tốt, nhưng nếu không có phát triển con người toàn diện thì hiện tượng kinh tế và kỹ thuật phát triển sẽ gây nguy hại cho chính các quốc gia đó, cho các quốc gia đã phát triển và nhất là cho các quốc gia nghèo vì một đàng họ vẫn còn bị đè bẹp bởi những hình thức bóc lột cũ, đàng khác họ lại phải chịu ảnh hưởng của tình trạng bất ổn và bất quân bình do hoàn cảnh mới gây ra.
4. Thế lực mới: các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chánh quốc tế (s. 24)
Trong thời điểm của thông điệp “Sự Phát Triển các Dân Tộc”, các quyền lực có tính cách quyết định còn nằm trong biên giới các quốc gia. Hôm nay, các quyền lực không hoàn toàn nằm trong biên giới một quốc gia và trong tay các thế lực chính trị của quốc gia đó nữa, vì đã xuất hiện một thứ quyền lực mới, vượt biên cương các quốc gia. Đó là những tổ chức kinh tế, thương mại và tài chánh quốc tế có quyền xử dụng hay điều hành những số tiền khổng lồ và những nguồn tài nguyên nhiên liệu to lớn.
5. Những hình thức cạnh tranh kinh tế mới (s. 25)
Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế toàn cầu thúc đẩy các quốc gia giầu tìm kiếm các miền nhiều nhân công với giá lao động rẻ để hạ giá các sản phẩm. Tình trạng này làm phát sinh ra những hình thức cạnh tranh mới. Một đàng, các quốc gia giầu chuyển các hãng sản xuất đến những quốc gia có giá lao động rẻ hơn, đàng khác, các quốc gia nghèo lại tìm hết phương thức hấp dẫn để lôi kéo các hãng xưởng đến đầu tư tại quốc gia mình. Tình trạng này gây ra rất nhiều bất công làm phương hại cho quyền lợi của công nhân và cho những quyền lợi căn bản của con người.
6. Những nguy hiểm ở lĩnh vực văn hoá (s. 26)
Ngày nay, những nền văn hoá gặp nhau dễ dàng, hay nói rõ hơn, những nhóm người với những nền văn hoá khác nhau dễ dàng gặp gỡ nhau. Điều này xem ra tích cực, trong thực tế gây ra 2 mối nguy quan trọng. 1) Nguy hiểm thứ nhất là coi tất cả các văn hoá như nhau, gây ra não trạng coi tất cả là tương đối, đánh mất khả năng đối thoại văn hoá. Sống bên nhau mà không sống hòa đồng với nhau. 2) Nguy hiểm thứ hai là chạy theo một mẫu sống, đánh mất giá trị và truyền thống của các nền văn hoá các dân tộc.
7. Nạn đói kém (s. 27)
Tại nhiều quốc gia nghèo vẫn còn nạn thiếu thực phẩm và nhiều người chết vì nạn đói. Việc cứu trợ cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói là một bổn phận. Tuy nhiên, nguồn gốc vấn đề không phải là vì thiếu nhiên liệu, nhưng thiếu một cơ cấu tổ chức xã hội có khả năng bảo đảm thực phẩm cho dân chúng.
8. Ngừa thai và phá thai (s. 28)
Một vấn đề nhức nhối càng ngày càng lan tràn là vấn đề ngừa thai và phá thai. Một đàng nhiều chính phủ và nhiều cơ quan tự nguyện quảng bá tích cực các phương pháp ngừa thai nhân tạo và phá thai; đàng khác, đang phát sinh nơi dân chúng não trạng nghịch sự sống, coi việc ngừa thai và phá thai là truyện thường.
9. Tự do tôn giáo (s. 29)
Tự do tôn giáo là một trong những đề hay được nói tới khắp nơi và dĩ nhiên cũng không thể thiếu trong thông điệp “Bác ái trong Chân lý”. Về vấn đề này có một điểm mới trong thông điệp khi thông điệp nhìn vấn đề không chỉ trong chiều hướng của những cuộc bách hại hay cấm đoán giữ đạo, nhưng còn nhìn vấn đề nơi những trào lưu khuyến khích thái độ coi thường tôn giáo và thái độ vô thần thực tiễn.
10. Lệ thuộc lẫn nhau ở tầm mức toàn cầu (s. 33)
Một vấn đề xã hội có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của thế giới được thông điệp “Bác ái trong Chân lý” coi là điều mới mẻ chính yếu là sự lệ thuộc lẫn nhau trên toàn thế giới, thường được gọi là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này phát sinh từ các nước phát triển kinh tế đã có sức lôi cuốn tất cả các nền kinh tế. Nó đã là sức mạnh chính yếu giúp cho nhiều miền trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo đói và tình trạng chậm tiến. Tuy nhiên, vì không được hướng dẫn bởi Bác ái trong Chân lý, nó có thể gây ra những tổn hại khôn lường như chưa từng thấy và gây ra những sự chia rẽ mới trong gia đình nhân loại.
III. Hướng giải quyết vấn đề
Đứng trước các vấn đề của cuộc phát triển thế giới. ĐTC đề nghị đường hướng giải quyết bằng tình yêu và Chân lý
3.1. Trước hết, con người cần ý thức rằng: Bác ái và Chân lý là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban, chứ không phải phát sinh từ tư tưởng, ước muốn của con người (Số 34).
Khi ý thức được tính nhưng không của quà tặng này, con người sẽ biểu lộ tình huynh đệ để cho không nhau trong sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị, vượt qua sự công bằng, vì coi nhau như là anh em một nhà.
3.2. Khi đặt nền tảng trên sự tin tưởng lẫn nhau, thị trường sẽ là một cơ chế kinh tế tạo ra sự gặp gỡ giữa con người với con người dựa trên sự công bằng phân phối và công bằng xã hội thay vì công bằng giao hoán như hiện nay (số 36). Người nghèo được viện trợ không còn là một gắn nặng nhưng là một tài nguyên. Công bằng lúc đó sẽ hiện diện trong mỗi giai đoạn của hoạt động kinh tế (số 37), đặt nền tảng trên sự tôn trọng luân lý.
Tinh thần “quà tặng” sẽ thể hiện trong thị trường quốc tế nơi mọi người đều có gì để cho và để đón nhận, mà không làm cho sự phát triển của người này trở thành rào cản cho sự phát triển của kẻ khác (số 39).
3.3. Những hình thức của đời sống kinh tế mang tính liên đới sẽ thay đổi cách hiểu biết về kinh doanh vì người ta không chỉ tìm lợi nhuận cho người chủ đầu tư mà còn tìm ích lợi cho tất cả những ai đang góp phần vào việc kinh doanh như: các công nhân, các khách hàng, các người cung cấp trong khâu sản xuất (số 40). Từ đó, sự phát triển kinh tế mang nét đẹp của một nền luân lý chú ý đến con người. Lao động và kiến thức khoa học sẽ mang những giá trị luân lý mới; đóng góp cho sự phát triển bền vững (số 40).
Hoạt động kinh doanh sẽ mang ý nghĩa nhân bản thay vì ý nghĩa đơn thuần của kinh tế (số 41). Tiến trình hội nhập toàn cầu sẽ mang tính văn hoá nhân bản và cộng đồng, hướng đến sự siêu việt (số 42).
Để cho suy tư được sâu sa hơn, chúng ta thử đặt thêm 2 câu hỏi và cùng tìm lời giải đáp:
Câu hỏi I: Những vấn đề xã hội trong thông điệp “Bác ái trong Chân lý” đặt ra được nhìn trong viễn tượng bao quát của cả thế giới. Vậy, những vấn đề đó có ảnh hưởng gì đến hoàn cảnh của chúng ta và dựa theo những vấn đề đó, chúng ta có thể tìm ra được những vấn đề gì mà Caritas Việt Nam cần phải chú ý cho hoàn cảnh phục vụ cụ thể tại Việt Nam?
Câu hỏi II: Đứng trước những vấn đề đã được phân tích, thông điệp “Bác ái trong Chân lý” đề nghị những hướng giải quyết như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi I, chúng ta cần sự đóng góp tích cực của mọi người tham dự Hội Nghị này qua sự quy tư và qua sự chia sẻ những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm phục vụ của mỗi người.
Về cầu hỏi II, chúng ta hy vọng sẽ có được những soi sáng từ hai bài trình bày tiếp theo về thông điệp trong lĩnh vực tu đức và lĩnh vực tổ chức cộng đồng. Tuy nhiên, tôi cũng xin được trích lại đây một đoạn của chính thông điệp “Bác ái trong Chân lý” như một gợi ý để soi sáng cho công việc tìm kiếm câu trả lời của chúng ta.
Trong số 19 của thông điệp “Bác ái trong Chân lý”, ĐTC Bênedictô viết mấy lời rất đáng nghiền gẫm và suy nghĩ như sau: “ĐTC Phaolô VI trong thông điệp “Sự Phát Triển các Dân Tộc” đã nhận xét là các căn cớ của tình trạng chậm tiến (và dĩ nhiên của các hoàn cảnh và vấn đề xã hội) chính yếu không thuộc phạm vi vật chất. Ngài mời gọi chúng ta đi tìm các căn nguyên ở các bình diện khác của con người. Căn nguyên đầu tiên là ý chí coi thường các nhiệm vụ của tình liên đời. Căn nguyên thứ hai là tư tưởng đã không biết hướng dẫn ý chí. Do đó, để thực hiện công trình phát triển, cần phải có ‘những nhà tư tưởng, có khả năng suy nghĩ sâu sa, dấn thân tìm kiếm một nền nhân bản mới, giúp cho người thời đại tìm lại được chính mình’. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tình trạng chậm tiến còn có một nguyên nhân quan trọng hơn là việc thiếu tư tưởng. Đó là sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc. Nhưng tình huynh đệ này, người ta có thể tìm thấy một mình được không? Xã hội mỗi ngày mỗi toàn cầu hoá hơn làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh em hơn. Lý trí, tự nó, có thể giúp hiểu được sự bình đẳng giữa con người và giúp họ sống chung theo phép lịch sự, nhưng không có khả năng xây đắp tình huynh đệ. Tình huynh đệ múc nguồn từ lời mời gọi siêu việt của Chúa Cha, Đấng đã đi bước đầu, thương yêu chúng ta và chỉ dạy cho chúng ta, qua Chúa Con, thế nào là tình yêu huynh đệ.”
Qua câu trích trên đây của thông điệp, chúng ta đã có được những hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho công cuộc dấn thân của chúng ta, giải quyết các vấn đề trong việc phục vụ nhân loại đau khổ.