24/11/2024

Bài 4: Tâm tình ca ngợi, tạ ơn của muôn loài đối với Đấng Tạo Hoá

Mục đích: Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình nên muôn loài trong vũ trụ dâng lời ca ngợi, tạ ơn lên Thiên Chúa Tạo Hoá.

Bài 4 

TÂM TÌNH CA NGỢI, TẠ ƠN CỦA MUÔN LOÀI

ĐỐI VỚI ĐẤNG TẠO HOÁ

 

Mục đích

Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình nên muôn loài trong vũ trụ dâng lời ca ngợi, tạ ơn lên Thiên Chúa Tạo Hoá.

 

Khởi động

Những cảm nghiệm từ thiên nhiên: Dành một vài phút để mời các TDV ra khỏi lớp học, nhìn chung quanh để thấy trời xanh, biển rộng, cây cối tươi tốt, hoa lá tươi đẹp, nhiều sinh vật và con người sống quanh mình. Tất cả đang phản ánh tình yêu Thiên Chúa và biểu lộ lòng biết ơn, lời ngợi ca lên Đấng tạo dựng nên mình.

 

Nhận thức

Những giai đoạn phát triển về nhận thức của con người

Khi quan sát vạn vật, con người tưởng như chỉ có mình là loài có tinh thần còn vạn vật đều là loài vô tri vô giác.

Trước đây, khi nhận thức của con người còn hạn hẹp, khoa học chưa phát triển, con người bái thờ những sức mạnh thiên nhiên hay vật chất vì thấy chúng mạnh hơn con người. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Đó là giai đoạn bái vật với những lễ nghi cúng trời của những người thời Tiền Sử như tục lệ Đâm trâu cúng Giàng của người Tây Nguyên ở nước ta. Nhưng khi con người chế ngự được thiên nhiên, ngăn sông lấp biển, thái độ bái vật làm thần linh cũng biến mất. Chế tạo ra cột thu lôi thì thần Thiên Lôi cũng không còn!

Sau đó, con người lại tìm ra các thần linh tưởng tượng để giải thích cho những hoạt động của mình như các thần thoại của người Hy Lạp, La Mã đã diễn tả về các thần Jupiter, Mars, Venus, Diana, Minerva… Đó là thời kỳ bái thần với nhiều hình thức mê tín. Khi con người khám phá ra những khả năng và giá trị tinh thần của mình chi phối mọi hoạt động trong đời sống thì các thần linh đó cũng không tồn tại.

Với khoa học và kỹ thuật tiến bộ, con người đã đặt chân lên mặt trăng, thám hiểm sao hoả và những hành tinh khác trong Thái Dương Hệ. Con người tưởng chừng như chỉ có mình là người chủ của vạn vật nhờ tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của vật chất và thể xác. Con người nghĩ rằng chỉ có mình mới có khả năng khám phá ra Đấng Tạo Hoá để ca ngợi và tạ ơn Ngài.

Tuy nhiên, chúng ta đang được mời gọi để khám phá ra thiên nhiên không phải là loài vật chất vô hồn vì Người Cha Tinh Thần của muôn loài đã dựng nên tất cả. Nếu con người có tình yêu của Ngài thì cũng có thể nghe được tiếng nói của vạn vật, hiểu được tiếng lòng của vũ trụ như Đức Giêsu Kitô, Người Con ưu việt của Đấng Tạo Hoá. Người đã ra lệnh cho gió yên, biển lặng (x. Mc 4,37-41), bánh cá hoá nhiều (x. Mc 6,30-44), nước biến thành rượu (x. Ga 2,1-11). Vũ trụ cũng cảm thông với Đức Giêsu Kitô trong cuộc khổ nạn của Người khi trời đất tối sầm lại (x. Mt 27,45) và rúng động khi Người gục đầu tắt thở (x. Mt 27,51-54).

Vì thế, chúng ta có thể hiểu được rằng muôn loài muôn vật, mỗi loài theo bản chất của mình, đều có thể ca ngợi và tạ ơn Đấng Tạo Hoá.

 

Sinh hoạt

Các TDV được phát những tờ bìa hay chia thành nhóm nhỏ để trả lời theo câu hỏi gợi ý sau đây:

Câu hỏi:

Khi quan sát vạn vật quanh mình, bạn có nghĩ rằng vạn vật có thể ca ngợi và tạ ơn Đấng Tạo Hoá không? Nếu có thì chúng diễn tả như thế nào? Nếu không thì tại sao?

 

Con người trong vũ trụ

Một trong những vấn đề được các nhà khoa học quan tâm đó là có những con người giống chúng ta trong các hành tinh khác hay không. Người ta nói rất nhiều đến những UFO (Undefinite Flying Object:vật thể bay không xác định) và những người đến từ hành tinh xa xôi. Trước đây, rất nhiều người tín hữu Công giáo đã nghĩ rằng Ngôi Lời Thiên Chúa làm người ở trái đất này nên trái đất là trung tâm của vũ trụ và không có con người nào ở các hành tinh khác. Đó cũng là một sai lầm mà nhà bác học Galilê đã tốn bao công sức để sửa đổi và chứng minh rằng không phải mặt trời xoay quanh trái đất, mà là trái đất xoay quanh mặt trời.

Khoa học còn khám phá ra rằng sau vụ nổ Big Bang có hàng trăm ngàn thiên hà xuất hiện trong vũ trụ giống như thiên hà của chúng ta. Thiên hà gần chúng ta nhất tên là Andromède cách chúng ta 3,5 triệu năm ánh sáng. Thiên hà của chúng ta có 400 triệu ngôi sao, trong số đó có khoảng 8.000 hành tinh có điều kiện phát triển sinh vật giống như trái đất (Tiến sĩ Nguyễn Quang Rự, Giám đốc Đài Thiên văn Pháp). Đức ông Giám đốc Đài Thiên văn Vatican năm 2008 đã xác định: “giả thiết có con người sống trên những hành tinh khác trái đất không đi ngược với Giáo lý Hội Thánh Công giáo” vì Ngôi Lời Thiên Chúa khi làm người cũng mang tất cả những yếu tố của vật chất trong vũ trụ như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ. Người cũng chết và sống lại để cứu độ toàn thể vũ trụ chứ không phải chỉ có con người sống trên trái đất, vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16).

Chắc chắn những con người sống trong vũ trụ đó có thể có thể xác vật chất không giống như chúng ta và tinh thần phát triển hơn chúng ta, nhưng họ cũng là “con người” vì có cả thể xác với tinh thần. Họ cũng biết dâng lời ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa bằng những hành động riêng của mình. Và con người chúng ta được mời gọi để tìm hiểu, gặp gỡ những người anh em đó và cùng họ xây dựng một nền “hoà bình giữa các vì sao”.

Câu hỏi:

Bạn nghĩ gì về những người ngoài hành tinh, và nếu gặp họ, bạn sẽ đối xử với họ như thế nào?

 

Con người trên trái đất ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa Tạo Hoá

Ngay từ thuở sơ khai, lúc còn ăn lông ở lỗ theo từng bộ lạc, con người đã cảm nghiệm được sức mạnh của trời đất, vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như sự yếu đuối, tật bệnh, tội lỗi của con người và đã diễn tả thành những lễ nghi, lễ hội của bộ lạc, cộng đồng, xã hội. Tuỳ theo mức độ nhận thức cao hay thấp của các thành viên mà các nghi lễ này có những hình thức khác nhau. Tuy nhiên, chúng có thể có giá trị như nhau đối với Thiên Chúa vì cùng mục đích là ca tụng, cảm tạ ơn lành của Ngài.

Chính những hành vi tôn giáo này đóng góp vào sự ổn định của xã hội vì luật pháp có thể tác động và chi phối hoạt động bên ngoài, còn lương tâm với sự hiện diện của Thiên Chúa tác động bên trong. Khi luật pháp chưa hoàn thiện, con người có thể phạm những hành vi như gian dối, dâm đãng, tham nhũng, trộm cắp… nếu không bị ai phát hiện. Nhưng khi con người lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính của mình, họ sẽ không thực hiện những hành vi tiêu cực ấy và muốn dùng đời sống ngay chính của mình để ca tụng Thiên Chúa.

Trong dòng lịch sử của gia đình nhân loại, nhiều cuộc chiến tranh về tôn giáo đã xảy ra giữa những người Công giáo và Hồi giáo, giữa Công giáo và Tin Lành… chỉ vì những nhận định khác nhau về niềm tin tôn giáo của nhau. Chúng ta được mời gọi tôn trọng lẫn nhau dựa trên tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người và giữ thái độ trân trọng đối với các nghi lễ ấy.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan “Đừng ngăn cản người ta” khi ông thấy có một người nhân danh Đức Giêsu trừ quỷ mà lại không cùng nhóm với các môn đệ và ông đã ngăn cản người ấy đã giúp chúng ta hiểu cần phải có thái độ cởi mở đối với mọi người không cùng tôn giáo với mình (x. Mc 9,38-40).

 

Hoà mình với cộng đồng xã hội

Bạn hãy tưởng tượng mình vừa tham dự một lễ hội dân gian hay một nghi lễ tôn giáo như:

Lễ hội Chùa Hương ở miền Bắc.

Lễ hội Đâm trâu cúng Giàng của đồng bào Tây Nguyên.

Thánh lễ của người Kitô hữu ngày Chủ Nhật.

Lễ Cầu Mưa của một làng nông nghiệp hay Lễ Nghinh Ông của một làng chài ven biển.

Nghi thức đốt vàng mã cho người đã khuất.

Lễ giỗ giáp năm của người thân đã qua đời.

Đàn chay giải oan cho hồn thai nhi của tín đồ Phật giáo.

Làm phép trừ tà cho một người bị hồn ma ám ảnh.

Nghi thức xin quẻ thẻ, xin xâm của tín đồ ở Lăng Ông Lê Văn Duyệt…

Chia sẻ:

Bạn hãy viết hay nói cảm nghĩ và nhận định của bạn trước các hành vi trên đây (khoảng 5 dòng chữ (50 từ) hay 2 phút phát biểu).

Gợi ý (thảo luận nhóm):

·        Các hành vi nào bị coi là mê tín?

·        Các hành vi nào được xem là tín ngưỡng hay nghi lễ tôn giáo?

Mê tín: là tin một cách mù quáng vào thần thánh, ma quỷ, số mệnh và những điều huyền hoặc (Từ điển Việt Nam).

Tín ngưỡng: là niềm tin theo một tôn giáo nào đó (Từ điển Việt Nam).

Tôn giáo: hệ thống những quan niệm tín ngưỡng đối với những thần linh và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy (Từ điển Việt Nam).

 

Con người có thể diễn tả những tâm tình nào đối với Thiên Chúa?

Con người cũng là một tinh thần gắn liền với thể xác (x. CĐ Vat. II, Gaudium et Spes, số 61). Phân tích con người mình, mỗi người chỉ thấy được những cái thuộc về vật chất. Những bộ phận, dù cấu trúc có phức tạp đến mấy, cũng chỉ gồm các phân tử, nguyên tử như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng… Thế mà con người đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ… Vậy thì sự sống, tình yêu, sự khôn ngoan và rất nhiều những thứ khác thuộc về tinh thần, phải bắt nguồn từ một ai đó hay một nơi nào đó. Tinh thần này vượt ra ngoài vật chất, không gian và thời gian, là phần thâm sâu và cao quý của con người.

Nhờ tinh thần, con người mở ra với Đấng Vô Biên (là Tinh thần Tuyệt đối) cũng như với mọi thụ tạo khác (HTXHCG, số 130; Gaudium et Spes, số 3, 15): “Trên hết, con người mở ra với Đấng Vô Biên, tức là Thiên Chúa, vì nhờ trí khôn và ý chí, con người có thể nâng mình lên trên mọi thụ tạo và cả chính mình… Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu” (HTXHCG, số 130). Như thế, hành động mở ra với Thiên Chúa này chính là hướng phát triển vừa cao quý nhưng lại rất hiện thực của con người.

Những tâm tình tự nhiên đối với Thiên Chúa có thể là: sung sướng, hạnh phúc, cảm thấy bé nhỏ, yếu đuối, kính sợ, yêu mến, biết ơn, buồn khổ vì thấy mình bất xứng, thống hối vì thấy mình tội lỗi trước sự thánh thiện của Thiên Chúa… Chúng dẫn con người đến những hành động như chúc tụng, tôn thờ, tạ ơn, ca ngợi, xin ơn… đối với Đấng Vô Biên.

 

Tại sao con người có thể có những tâm tình đó?

Nếu đã tin nhận Thiên Chúa như là câu trả lời hợp lý cho những gì mà con người và vũ trụ đang thụ hưởng, thì việc diễn tả những tâm tình và thái độ đối với Thiên Chúa là điều rất chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải trân trọng trước những thái độ khác của những người không tin nhận Thiên Chúa. Sự chọn lựa của họ như muốn nhắc nhở những tín hữu phải sống theo đúng niềm tin của mình. Nhiều người chọn thái độ vô thần một phần cũng vì cách sống của những tín hữu có khi đi ngược với đức tin (x. CĐ Vat. II, Gaudium et Spes, số 19, đoạn 3).

 

Thảo luận: Diễn tả lòng biết ơn

1. Bạn diễn tả lòng biết ơn đối với Thiên Chúa như thế nào?

2. Bạn có nghĩ cầu nguyện với Thiên Chúa là một hành vi diễn tả lòng biết ơn đối với Đấng Yêu Thương và cũng là phương tiện để diễn tả sự liên đới với người khác, với muôn loài khi ta chuyển cầu cho họ không? Vì sao? Hay bạn cho rằng đó chỉ là những hình thức biểu lộ sự yếu kém của người mê tín hay của người đánh mất chính mình?

Câu hỏi gợi ý:

1.    Để diễn tả lòng biết ơn trước những người cho bạn một thứ gì đó tương đối quý giá (1 chiếc xe, 1 bộ máy, 1 căn nhà) hay giúp đỡ một việc nào đó tương đối quan trọng (kiếm việc làm, giúp bạn học hành, cứu vớt hạnh phúc gia đình)… bạn diễn tả lòng biết ơn như thế nào?

2.    Để diễn tả lòng biết ơn trước người cứu sống bạn (qua khỏi một tai nạn, một căn bệnh nan y) hoặc ban sự sống cho bạn (cha mẹ), tạo điều kiện sống cho bạn (chiến sĩ hy sinh bảo vệ đất nước), bạn làm gì cho những người đó?

3.    Bạn có bao giờ muốn diễn tả lòng biết ơn của mình bằng cách tìm cho bằng được người ban ơn cho bạn để nói lời cám ơn không?

 

Kết thúc

Hát một bài hát diễn tả lòng biết ơn: Tạ ơn Trời – Tạ ơn đời

Tình yêu Thiên Chúa của Thế Thông – Đinh Diễn.

ĐK: Tình yêu Thiên Chúa như trăng như sao, đưa con lên cao, ôi nào biết lấy chi báo đền. Chúa dắt dìu con đi qua đêm đen, cho con ca khen tình yêu Chúa ôi như đại dương.

Tình yêu Thiên Chúa chói sáng khắp chốn, gội sạch tội đời, ôi tình Chúa sao quá cao vời. Con quyết trọn đời dâng hiến xác thân, loan báo thiên ân cho khắp gian trần.

TK. 1. Người đã thương tôi, từ thuở xa xôi chưa có bầu trời.

Nào ai có biết tôi đã từ đâu sinh đến trong đời.

Chúa đã thương tôi nên có đôi môi

Tôi ca ngàn khúc hát vang lên ngợi khen.

2. Trời đất bao la, dành hết cho ta đâu có tình cờ.

Tình yêu Thiên Chúa đã tác tạo nên sông núi trên đời.

Trong gió lên khơi, trong tiếng mưa rơi,

Nghe như là tiếng Chúa trong tim mọi người.

3. Nhìn ngước lên cao, ngàn ánh trăng sao tinh tú dạt dào.

Nào ai dám nói đất thấp trời cao Chúa ở nơi nào.

Chúa ở bên tôi đâu có xa xôi

Như đôi hình với bóng theo nhau mọi nơi.