Bài 5: Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu vào lòng mỗi người để con người biết yêu thương nhau

Mục đích: Tìm hiểu về tình yêu của con người qua các giá trị và phản giá trị để có một tình yêu trong sáng và tốt đẹp.

Bài 5

 

THIÊN CHÚA TUÔN ĐỔ TÌNH YÊU VÀO LÒNG MỖI NGƯỜI ĐỂ CON NGƯỜI BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU

 

Mục đích

Tìm hiểu về tình yêu của con người qua các giá trị và phản giá trị để có một tình yêu trong sáng và tốt đẹp.

 

Khởi động

Mời các tham dự viên nghe một bản tình ca (của Trịnh Công Sơn), một bài thơ tình (của Xuân Diệu) để thấy những mặt tích cực và tiêu cực của tình yêu.

 

Nhận định sự kiện

Thiên Chúa đổ tình yêu vào lòng con người nên ai cũng muốn yêu và được yêu thương.

Thiên Chúa tạo nên “con người giống hình ảnh Ngài”, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên điểm cao quý nhất khiến con người giống Thiên Chúa là con người biết yêu thương. Trong muôn ngàn quà tặng và ân huệ, tình yêu là thứ có giá trị nhất vì nó làm cho con người vượt lên trên tất cả để trở thành Thiên Chúa.

Kèm theo tình yêu, luôn luôn là tự do. Nơi nào có tình yêu là nơi đó có tự do. Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu cho loài thụ tạo có tinh thần (như thiên thần và con người), thì Ngài cũng ban cho chúng được tự do đón nhận hay khước từ tình yêu của Ngài. Ngài yêu chúng như bạn hữu chứ không như những tên nô lệ bị bó buộc phải phục vụ những ông bà chủ của mình.

(x. Câu chuyện Ađam-Eva với cây trái cấm ở giữa vườn như một dấu hiệu về tự do ý thức của con người, St 1-3).

Con người quả thật đã từ chối tình yêu Thiên Chúa (tội lỗi), đã cắt đứt mối quan hệ với nguồn tình yêu, nguồn sống đích thực, nguồn chân thiện mỹ (giống như bệnh nhân đang được truyền dịch, truyền máu, thở dưỡng khí, tự tay giật đứt tất cả các ống dẫn truyền) thì con người không còn khả năng yêu trong sáng, sống mãi mãi, sống đẹp – tốt – đúng nữa. Đó không phải là những hình phạt của Thiên Chúa đối với tội ác con người nhưng đó chỉ là hậu quả đương nhiên của hành động từ chối tình yêu Thiên Chúa.

 

Thảo luận

1. Có người cho là Thiên Chúa “bất nhân” khi phạt toàn thể nhân loại phải xấu xí, già nua, chết chóc chỉ vì tổ tiên ăn một trái cấm! Cần phân biệt tình trạng tội nguyên tổ của Ađam-Eva và hậu quả của tội nguyên tổ ảnh hưởng đến con người và vũ trụ.

2. Bạn nghĩ gì về hành động của con người từ chối tình yêu đối với Thiên Chúa?

 

Hoạt động

– Khi con người không còn tình yêu trong sáng và hành động theo những tham vọng và dục vọng của mình, thì con người chịu những hậu quả nào?

– Chia học viên thành từng nhóm nhỏ (4-6 người/nhóm) hoặc nhóm lớn (10-12 người/nhóm), mỗi nhóm dùng một tờ giấy lớn (chia ra hai phần hay hai cực đối nhau) ghi các giá trị và phản giá trị. Rồi dán tờ giấy lên bảng.

Hát: Tâm ca của Phạm Duy

“Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?”

TK.    Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hờn căm. Tên nó là tị hiềm

Tên nó là sự ghét ghen.

Học hỏi:

1. Trưởng thành trong tình yêu

·    Tưởng tượng những bước hình thành nên tình yêu của con người từ lúc mới sinh cho đến lúc trưởng thành theo tâm lý học để có thể hiểu biết và đào tạo cho tình yêu của mình hay của người khác. Mỗi giai đoạn tâm lý đều có thể xảy ra những khủng hoảng. Cần giúp nhau vượt qua.

Từ sơ sinh-3 tuổi: Con người chỉ biết có mình, tập trung vào mình. Bé khóc đòi sữa là cha mẹ đáp ứng ngay.

Từ 3-7 tuổi: Trẻ nhận ra ngoài mình còn có người khác – mặc cảm Oedipus.

Từ 7-13 tuổi: Trẻ đi học, nhận ra sự khác biệt giới tính – tuổi dậy thì.

Từ 13-18 tuổi: Trẻ hướng đến người khác phái. Đòi hỏi dục tính, thử nghiệm tính dục.

Từ 18-25 tuổi: Cảm nhận tình yêu nam nữ, tình yêu cao thượng nhờ sự hiện diện của người khác.

Từ 25 tuổi trở lên: Đào tạo một tình yêu trong sáng, mở rộng cho mọi người.

·    Những khám phá của Sigmund Freud về Libido (dục tính), của các nhà tâm lý về cấu trúc tâm lý với các tầng ý thức – tiềm thức – vô thức đã giúp ta hiểu cần phải đào tạo tình yêu cho con người chứ không phải để nó phát triển tự nhiên. Tình yêu giống như một cây trồng cần phải cắt tỉa, vun xới, chăm bón cẩn thận mới sinh hoa, kết trái tốt đẹp.

·    Những biến cố trong cuộc đời (mất cha/mẹ), những hoàn cảnh sống (ổn định hay bất ổn), những cuộc tiếp xúc (với bạn bè đồng giới hay khác giới), những phương tiện giải trí (phim ảnh, trang web, sách báo…) nhất là nền giáo dục ở gia đình và học đường ảnh hưởng đến tình yêu và sự trưởng thành trong tình yêu của con người.

2. Chữa trị và phục hồi tình yêu

“Đức Giêsu chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Chính Người có khả năng chữa trị và phục hồi tình yêu cho con người vì Người “đã yêu cho đến cùng” (Ga 13,1). Hình ảnh Người giang rộng cánh tay trên thập giá với trái tim mở to bằng chính lưỡi đồng của kẻ đâm mình, với đôi chân gắn chặt như dừng lại đợi chờ là một biểu tượng sống động về tình yêu.

Dòng nước và máu chảy từ trái tim Đức Giêsu có thể tẩy rửa tâm trí đen bẩn và khối tiềm thức, vô thức đầy những hình ảnh tiêu cực. “Dù tội ngươi có đỏ như son, Ta cũng sẽ làm cho tâm hồn ngươi trắng như tuyết”. Ta cũng cần khơi dòng nước sạch để tẩy rửa chúng bằng những giờ đọc sách báo hay xem phim ảnh đẹp, giao lưu với bạn bè tốt, nhất là đọc vài câu Lời Chúa trước khi ngủ đêm là những phương thế hữu hiệu để thanh tẩy tâm hồn và đào luyện tình yêu.

“Thiên Chúa đổ tình yêu vào lòng ta nhờ Thần Khí Ngài ban cho ta”. Phương pháp quan trọng để thanh luyện con tim là biết thở Thần Khí. Chính Thần Khí của Đức Giêsu thổi trên các môn đệ, sau khi Người sống lại (x. Ga 20,22) sẽ biến đổi dòng máu đen tội lỗi của chúng ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Đức Giêsu. Chúng ta đừng quá chú ý đến tội lỗi. Hãy lưu tâm đến việc tập thở theo Thần Khí để nhận được ơn tình yêu vì Chúa Thánh Thần chính là tình yêu liên kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau cũng như liên kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện hay nhớ đến Chúa Thánh Thần trước mỗi giờ học, giờ làm bài, giờ giải trí, xem phim để Ngài soi sáng tâm trí, thánh hoá công việc. Mỗi lần làm như thế là một lần ta thở Thần Khí.

 

Hoạt động

Hãy nghĩ đến một người mà bạn không, hay chưa yêu thương đủ, và viết ra những hành động mà bạn nên làm cho người đó.

Kết thúc

Hát bài Gần nhau

“Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người

Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối

Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này

Tình thương trao cho nhau xây đắp trên tình người.

TK:    Cho dù rừng thay lá xanh đi

Cho dù biển cả nước bao la

Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi”.