10/01/2025

Chọn môn mà chơi

Rất nhiều người đã sốc với thông tin mà ông Hoàng Vĩnh Giang nói với phóng viên Tuổi Trẻ, đó là việc chủ nhà Sea Games 2013 Myanmar ngã giá, đòi chia bớt 7 HCV ở môn nếu muốn họ đồng ý đưa môn võ quốc hồn quốc tuý của VN vào chương trình thi đấu chính thức của đại hội

Chọn môn mà chơi

Rất nhiều người đã sốc với thông tin mà ông Hoàng Vĩnh Giang nói với phóng viên Tuổi Trẻ, đó là việc chủ nhà SEA Games 2013 Myanmar ngã giá, đòi chia bớt 7 HCV ở mônnếu muốn họ đồng ý đưa môn võ quốc hồn quốc túy của VN vào chương trình thi đấu chính thức của đại hội.

 

Các võ sĩ VN thi đấu ở Giải vô địch vovinam tiền SEA Games 27-2013 vào tháng 8 vừa qua ở Myanmar – Ảnh: Q.L.

Trong đó, nhiều cán bộ quản lý ngành thể thao thì sốc vì… tại sao ông Giang lại huỵch toẹt với báo chí chuyện này! Còn người hâm mộ (gần cả ngàn phản hồi gửi về thethao.tuoitre.vn) sốc bởi giá trị thể thao, nơi thể hiện tinh thần thượng võ, đã bị chà đạp thô bạo.

Thật ra chuyện chia chác huy chương chẳng xa lạ gì trong thể thao đỉnh cao, nhất là ở SEA Games và cũng đặc biệt ở những môn mà vai trò trọng tài quyết định quá lớn đến chuyện thắng thua. Vì vậy, cứ mỗi kỳ SEA Games đến, người hâm mộ đều dễ dàng bắt gặp trên các trang báo thể thao, trên truyền hình những giọt nước mắt tức tưởi của VĐV. Và cũng chính vì vậy mới có chuyện nước nào làm chủ nhà thì số HCV bỗng dưng tăng vọt một cách bất thường. Nhân đây cũng xin nói thẳng là thể thao chúng ta cũng chẳng vừa gì, thế nên mới có chuyện thực lực của chúng ta chỉ ở mức hạng hai hoặc ba của thể thao Đông Nam Á nhưng khi SEA Games 2003 tổ chức trên sân nhà thì nhảy vọt lên dẫn đầu bảng tổng sắp, nhiều hơn gấp đôi so với Thái Lan xếp hạng nhì!

Sự thiếu tinh thần thượng võ trong thể thao đỉnh cao không chỉ có ở SEA Games, mà cả những đấu trường lớn hơn cũng có. Xin dẫn chứng một chuyện: chúng ta đã có rất nhiều HCV thế giới ở môn wushu nhưng ở đấu trường Asiad (Á vận hội) thì đố hề có. Tại sao vậy? Đơn giản bởi ở Asiad, Trung Quốc – ông tổ của wushu – cần HCV để khẳng định sức mạnh của mình trước các đối thủ Nhật, Hàn Quốc. Điều này không phải là tôi tự suy diễn, mà chính là tâm sự của một “ông trùm” wushu VN.

“Khoảng tối” phi thể thao của thể thao đỉnh cao là một điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, những người yêu thể thao chân chính mới thường cổ xúy cho những môn mà chuyện thắng thua rất minh bạch. Ví dụ: trên đường chạy, ai nhanh hơn thì thắng. Trên bãi nhảy cao, gác một cây sào lên, ai nhảy qua mà không rớt sào thì đoạt HCV… Hay trên bể bơi, cứ chạm tay vào đích trước là người chiến thắng…

Từ đây mới có chuyện lâu nay nhiều người đề nghị với các nhà quản lý thể thao VN rằng: Thà ít huy chương cũng được, nhưng hãy tập trung vào những môn cho đáng đồng tiền bát gạo còn hơn chạy theo thành tích – nhiều huy chương nhưng ở những môn mà thắng thua chưa hẳn dựa vào tài năng VĐV!

 

Phản hồi từ bạn đọc:

 

Nhường một bước để tiến ba bước

Trong số gần 1.000 email từ bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ phản hồi việc chủ nhà Myanmar muốn VN phải nhường 7 HCV trong tổng số 18 bộ HCV mới chấp nhận đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27, một số email đưa ra đề nghị VN nên nhường huy chương để quảng bá môn vovinam:

* quynhhailang@yahoo..: “Nhường một bước mà tiến ba bước, thành công của vovinam không phải ở thành tích mà đó là sự truyền bá rộng rãi ra khắp thế giới. Đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta vẫn thường coi trọng thành tích. Hãy làm như Indonesia đã làm với môn pencak silat”.

* dongthang@gmail...: “Chúng ta đành chịu chia huy chương để phát triển vovinam. Nên chia đều cho nhiều nước… Mình không có huy chương nào cũng được, báo chí quốc tế sẽ nhận thức được, cần gì phải cố kiếm huy chương”.

* nguyentrong@yahoo…: “Hàn Quốc cũng đi những bước đầu tiên đưa taekwondo vào chương trình thi đấu Olympic bằng cách “tặng” các nước khác huy chương. Nhật cũng làm như vậy với môn judo. Thái Lan cũng đang nỗ lực tìm cách đưa muay vào các giải đấu quốc tế bằng việc chia huy chương. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác”.

* thachvy@yahoo..: ”Hoan hô ông Hoàng Vĩnh Giang công bố thông tin này. Câu chuyện này cho chúng ta thấy mặt trái của đấu trường SEA Games, nhưng từ đây chúng ta sẽ biết cách uyển chuyển và linh hoạt hơn để quảng bá môn vovinam”.

* lamtantai@gmail…: “Ưu tiên số 1 trong kỳ SEA Games 27 của thể thao VN không phải là những tấm huy chương mà là quảng bá vovinam. Hãy làm tất cả những gì có thể để bạn bè trong khu vực biết nhiều hơn về môn vovinam”.

K.B. tổng hợp 

 

HUY THỌ