Khủng bố điện thoại
Chuyện bị quấy rối bằng điện thoại không còn xa lạ với nhiều người dân. Không còn là số ít, vấn nạn này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trong khi việc ngăn chặn, xử lý vẫn lơ lửng.
Chuyện bị quấy rối bằng điện thoại không còn xa lạ với nhiều người dân. Không còn là số ít, vấn nạn này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trong khi việc ngăn chặn, xử lý vẫn lơ lửng.
Mới đây, ngày 14.9, bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, gửi đơn đếnĐội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.9, TP.HCM trình báo bà nhận được những tin nhắn đe dọa tính mạng bà và các con; trong lúc vụ nhắn tin dọa giết bà và người thân 4 tháng trước vẫn chưa được công an tìm ra thủ phạm.
Đây có thể không còn là những tin nhắn quấy rối thông thường như nói xấu, chọc phá mà là những tin nhắn khủng bố, đe dọa tước đoạt sinh mạng gây hoang mang tinh thần cho người nhận được. Những hành vi đe dọa giết người hay những tin nhắn vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm có dấu hiệu hình sự và đây là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, xử lý tội phạm.
Công an đã vào cuộc điều tra vụ việc xảy ra bốn tháng trước đối với bà Tuyết nhưng chỉ xác định được nơi xuất phát tin nhắn ở Đà Nẵng, do đối tượng sử dụng sim khuyến mãi rồi dừng lại, trong khi tính mạng của người bị khủng bố đang bị đe dọa. Thực tế, với công nghệ kỹ thuật cao ngày nay việc xác định, định vị, theo dõi một số điện thoại, đặc biệt là đối với ngành công an không phải là khó. Đã có không ít vụ cơ quan chức năng “bằng một số biện pháp nghiệp vụ” truy tìm đã bắt tận tay, xử lý người nhắn tin quậy phá vào các số máy của lực lượng công an, như: 113, 114… Thế nhưng, việc truy tìm, xử lý những đối tượng khủng bố bằng điện thoại đối với dân thường thì hầu như các cơ quan chức năng chưa làm rốt ráo.
Trong vụ việc này, còn có trách nhiệm của nhà mạng. Đã có Thông tư 04 và 14 về quản lý khuyến mãi đối với thuê bao trả trước chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Tuy nhiên, hiện vẫn có thể dễ dàng tìm thấy sim rác đã kích hoạt trước thời gian trên còn tồn tại, để dẫn đến tình trạng không truy tìm được “hung thủ” khủng bố điện thoại rõ ràng là trách nhiệm của nhà mạng. Vậy xử lý nhà mạng như thế nào vẫn còn là ẩn số.
Có thể thống kê có vô vàn các kiểu khủng bố điện thoại: nhá máy, gọi liên tục, nhắn tin hăm dọa, chửi bới, nói xấu, khiêu khích… triền miên. Nạn nhân bực tức, bất an, nhiều trường hợp khốn khổ vì bị khủng bố tinh thần hằng năm trời. Cuộc sống và sinh hoạt bị đảo lộn trong khi nhờ nhà mạng can thiệp thường chậm trễ xử lý và thiếu các biện pháp ngăn chặn dứt điểm. Còn nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm kẻ quấy rối để xử lý theo pháp luật thì cũng chẳng đi đến đâu vì các số điện thoại quấy rối hầu như toàn là thuê bao… không xác định được danh tính.
Cuối cùng, nếu không muốn bỏ sim, thay số điện thoại, người bị khủng bố đành cắn răng chấp nhận vì im lặng là vàng để kẻ quấy rối sẽ “rủ lòng thương” hay “chán” mà “tha” cho. Trong khi không ít cuộc họp xử lý vấn nạn này vẫn lơ lửng, không cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng trên.
Đã đến lúc chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn “sim rác” và hành vi “khủng bố” điện thoại bị “bỏ ngỏ” trong thời gian qua.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh
(Đoàn luật sư TP.HCM)