23/12/2024

1% hay 30%?

Đó là câu hỏi về tỷ lệ công chức không làm được việc được đặt ra cả năm nay nhưng tới giờ vẫn không có đáp án chính xác. Việc này có thể gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách mà Quốc hội vừa mới thông qua.

 

1% hay 30%?

Đó là câu hỏi về tỷ lệ công chức không làm được việc được đặt ra cả năm nay nhưng tới giờ vẫn không có đáp án chính xác. Việc này có thể gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách mà Quốc hội vừa mới thông qua. 

Theo thống kê, bình quân 12 năm (2001 – 2012) chi cho hoạt động của bộ máy hành chính là 55,37% tổng chi ngân sách nhà nước. Đó là lý do, hầu hết các hiến kế chống thâm hụt ngân sách cho năm 2014 đều nhấn mạnh việc phải tinh gọn bộ máy hành chính, cắt giảm biên chế. Nhưng muốn làm được việc này, phải biết chính xác chỗ nào cồng kềnh, chỗ nào dư thừa, người nào làm việc thiếu hiệu quả để cắt giảm. Nếu là 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì sẽ có khoảng 700.000 người buộc phải cho thôi việc, tiết kiệm 17.000 tỉ đồng như đại biểu Chu Sơn Hà tính toán tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 20.11. Còn nếu chỉ 1% thì con số cần cho thôi việc tương ứng là 2.400 người, số tiền tiết kiệm cũng sẽ ít hơn. Nói thế để thấy, phải có một con số cụ thể, chính xác về tỷ lệ công chức “ngồi chơi hưởng lương” thì dựa vào đó mới có thể tính chuyện cắt chỗ này, giảm chỗ kia. Nhưng như nói trên, tới lúc này chúng ta vẫn không biết chính xác bộ máy công chức đang “phình” ở chỗ nào thì rất khó để thực hiện việc tinh giản như mục tiêu của QH.

Trong việc này, không thể bỏ qua trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Tỷ lệ 30% công chức “ngồi không” được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra từ hồi cuối tháng 1. Ngay sau đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến chủ đề này cũng đã được xới lên. Chưa nói đến chuyện đúng – sai, nhưng tình trạng công chức dư dôi, trở thành gánh nặng của guồng máy là thực tế không thể phủ nhận. Thế thì, với vai trò là đơn vị thực hiện việc tinh giản biên chế, lẽ ra Bộ Nội vụ phải thực hiện một cuộc khảo sát, điều tra hay nghiệp vụ bất kỳ để có được con số chính xác, giúp Chính phủ thực hiện việc cắt giảm chi tiêu ngân sách. Nhưng gần 1 năm sau khi tỷ lệ 30% công chức “có cũng như không” được đưa ra tới nay thì theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình “giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở”. Trước đó, hồi tháng 9 cũng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Và câu trả lời cuối cùng theo Bộ trưởng là “đến thời điểm nhất định, có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này”. Với cách làm việc này, có thể hiểu tại sao, sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế, cán bộ công chức đã tăng trên 20%.

Có bộ có tới… 9, thậm chí 11 thứ trưởng; hàng chục cục phó; Các cấp – ngành “vẽ” ra quá nhiều ghế khiến ngân sách phải “giật gấu vá vai”… Đó là những điều mà các đại biểu QH nêu cụ thể ngay lại kỳ họp này và đó cũng chính là thực trạng nhức nhối của bộ máy công chức cồng kềnh, tạo gánh nặng cho ngân sách hiện nay. Vậy thì việc xác định tỷ lệ công chức ngồi chơi hưởng lương là 1%, 30% hay bao nhiêu phần trăm liệu có quá khó khăn đối với Bộ Nội vụ?

Có lẽ, vấn đề cuối cùng vẫn là, chúng ta có thực sự quyết tâm “tinh gọn” hay không mà thôi.

Nguyên Hằng