25/11/2024

Nông nghiệp đã hết thời?!

…Cán bộ ngành nông nghiệp khi chọn là nông dân đặc sệt như người viết bài này từng làm dường như đã qua thời, và nay thì chọn người có bằng cấp gì cũng được, dù không liên quan gì đến tam nông. Chọn người nhưng không phải cho tam nông, làm sao phát triển?

Nông nghiệp đã hết thời?!

Sau khi đọc loạt bài “Nông dân trả ruộng” (Tuổi Trẻ đăng từ ngày 20 đến 23-12), ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang – đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết với nhiều trăn trở. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Diện tích đất nông nghiệp ở Hà Trung, Thanh Hóa bị bỏ hoang ngày càng nhiều – Ảnh: Hà Đồng 

Sáng 23-12 tôi đọc Tuổi Trẻ thấy có bài của PGS Vũ Trọng Khải và tiến sĩ Đặng Kim Sơn, là hai nhà cựu và đang có chức trách về chính sách nông nghiệp. Liên kết lại quá trình và hiện tình nông nghiệp nước nhà; là nhà nông, nhà quản lý nông nghiệp địa phương một thời, tôi nghĩ ngợi: “Phải chăng nông nghiệp VN hết thời?!”.

 

Trước hết hoan nghênh PGS Vũ Trọng Khải nói cho dân biết rằng: “Đất là của mình sao lại trả?!” và “Dồn điền đổi thửa” từng được ca ngợi là sáng tạo, “lên sản xuất lớn” là không đúng. Dân không biết đất là của mình mới trả và cán bộ cho rằng ghép ba thửa đất liền ranh lại bằng 3.000m2 là lớn hơn trồng lúa trên mỗi thửa 1.000m2 là chưa hoàn toàn chính xác. Hai chuyện nhỏ nhưng lại ý nghĩa lớn vì nó thuộc về nhận thức, luật pháp và chính sách.

Thử lũy kế những vấn đề “tồn kho” và cập nhật “tin buồn” nông nghiệp: cà phê lận đận: người trồng lỗ lã, người uống đắt đỏ…; cao su, tiêu, điều, mía đường, cá tra và lúa gạo… đều lao đao, thậm chí phá sản cục bộ. Tôi nghĩ rằng những cái đó góp thêm nét chấm phá cho bức tranh kinh tế 2013 mà có đại biểu Quốc hội cho rằng màu xám nhưng cũng có người khác cho là màu hồng, còn những nông dân và doanh nghiệp lao đao lận đận vì chuyện thua lỗ tất nhiên là màu đen rồi. Và nếu chịu khó tra số liệu thống kê từ năm 1986 – 2006 – 2013 về tỉ lệ nông dân – lao động nông nghiệp, tỉ trọng giá trị nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo… chúng ta sẽ thấy càng hội nhập mà thiếu đầu óc độc lập, tinh thần tự chủ, tự lực tự cường… thì càng làm càng thua thiệt, thua thiệt và mất quyền ngay trên đồng ruộng và từng sản phẩm của mình. Có lúc dân ta hỏi: “Ta hay các thương lái lạ mặt là chủ đất nước này?”. Và có câu trả lời: Nông nghiệp sa sút như vậy không hoàn toàn do suy thoái kinh tế thế giới và càng không phải cộng đồng hàng chục triệu nông dân ta đều bị “sao hạn”!

Lời giải là hãy “tái cấu trúc” hệ thống chính sách tam nông và “tái cơ cấu” hệ thống bộ máy, tổ chức, cán bộ ngành nông nghiệp. Trong chính sách, cái gì đã tuyên cáo xưa nay mà chưa làm là nợ với nông dân, hãy làm đúng như vậy. Hãy làm cho nông dân yên tâm “đất là của mình” và đất không phải là thứ “gây họa” để tính bình quân đóng góp nuôi người, xây cơ sở vật chất cho xã… dưới danh nghĩa “cho dân”, cán bộ đừng vì danh nghĩa “quản lý” đất đai mà gây nên những nghiệt cảnh để dân hiểu đất không phải là của họ. Vấn đề này dễ và nhẹ vậy mà không mấy ai nghe nên mới có hậu quả như ngày nay. Khi yên tâm đất là tài sản thiêng liêng của mình, sẽ được kế thừa đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn (vàng – tiền) ra mua đất (tích tụ) và liên tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và có thể chuyển ngành sản xuất… thì nông sản mới có tính cạnh tranh cao. Chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người.

Về hệ thống tổ chức ngành quản lý nông nghiệp, sao vẫn là “hàng ngang” như có từ gần 70 năm rồi không thay đổi bao nhiêu? Cán bộ ngành nông nghiệp khi chọn là nông dân đặc sệt như người viết bài này từng làm dường như đã qua thời, và nay thì chọn người có bằng cấp gì cũng được, dù không liên quan gì đến tam nông. Chọn người nhưng không phải cho tam nông, làm sao phát triển?

Hai vấn đề trên là lớn, khó nghe và khó làm, nhưng ngoài ra không có cách gì để cho nông dân mặn nồng với đất và giàu lên được từ đất hơn nữa. Và nếu như vậy chúng ta có thể có tập trung đất nhất thời mà không có tích tụ đất phục vụ chuyển dịch được cơ cấu sản xuất, không tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Và lao động – nếu có được chuyển dịch khỏi nông nghiệp – chẳng qua là vì đói mà “tha phương cầu thực” và xuất khẩu “cô dâu” cùng với lao động “thô” mãi mãi như hiện nay.

NGUYỄN MINH NHỊ (TP Long Xuyên)

 

 

Xót xa cho nông dân

Gần 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ sự xót xa cho người nông dân với cảnh làm lúa một sào chỉ đủ mua hai bát phở…

Bạn đọc Nguyễn Thanh Long viết: “Thật xót xa cho người nông dân một nắng hai sương nhưng cuộc sống luôn khốn khó như vậy. Đảng có hẳn một nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng thực tế càng ngày nông dân càng khổ, nhất là người trồng lúa. Giá lúa ngày càng thấp. Làm lúa một tháng thu nhập chỉ bằng hai bát phở thật khổ và xót xa quá. Chính phủ có giải pháp gì không?”. Bạn đọc Trần Văn Mười so sánh: “Nông dân quê tôi (Long An) trồng lúa hàng chục năm nay nhưng không giàu nổi, hằng năm vẫn còn vay vốn ngân hàng. Ngược lại, nhà doanh nghiệp chỉ mới kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua lúa, khoảng 10 năm nay thôi phát tài thấy rõ, nào nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền…Tôi thấy lợi nhuận của nhà nông đã vào tay họ, thật bất công!”.

Nhiều bạn đọc đã đề xuất cần có những giải pháp giúp nông dân sống được trên mảnh đất của mình. Bạn đọc Hương Lan đề nghị: “Nhà nước nên mở cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của các nhà khoa học góp ý xây dựng cây trồng vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân để họ không phải bỏ làng ra đi”.

N.N.