25/11/2024

Xin đừng buông tay

Những câu chuyện về người khuyết tật lúc nào cũng buồn với nước mắt, nỗi đau, sự tự ti, mặc cảm. Nhưng, như những đóa hoa xương rồng nở giữa sa mạc khô cằn, bỏng rát, họ đã chấp nhận và vượt qua nỗi đau của mình.

 Xin đừng buông tay

Những câu chuyện về người khuyết tật lúc nào cũng buồn với nước mắt, nỗi đau, sự tự ti, mặc cảm. Nhưng, như những đóa hoa xương rồng nở giữa sa mạc khô cằn, bỏng rát, họ đã chấp nhận và vượt qua nỗi đau của mình.

Các khách mời là người khuyết tật tham gia trò chơi vẽ lại dòng sông cuộc đời mình – Ảnh: My Lăng

Những thành kiến đóng khung con người và kìm hãm ý chí ở người khuyết tật là gì? Có cách nào biến những rào cản ấy thành vấn đề tích cực hơn? Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức hội thảo nâng cao năng lực bản thân – tự tin hòa nhập cộng đồng để làm rõ hơn những vấn đề này. “Đây là dự án lồng ghép cho người khuyết tật do phong tại TP.HCM năm

2013-2015 được chúng tôi phối hợp với Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật do phong và do các nguyên nhân khác” – bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng (phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết.

Những dòng sông dậy sóng

Mắc căn bệnh mà người đời ghê sợ gọi là “cùi”, “hủi” từ năm 16 tuổi, P.Kỳ (hiện đã 28 tuổi, Cà Mau) bảo đó là lúc mà cuộc đời mình bắt đầu sóng gió. Những ngón chân ngón tay bị co rút và trở nên gồ ghề, nhọn hoắt đến đáng sợ. Chẳng còn kỷ niệm đẹp thời học sinh. Thay vào đó là sự sợ hãi, tự ti và có lúc từng muốn tự tử. Kỳ bảo thời niên thiếu của mình đã biết bao đêm nằm gác tay lên trán mà nước mắt chảy dài. Trong đầu cứ xoắn lấy câu hỏi đầy tuyệt vọng: tại sao mình lại bị bệnh này?

“Người bình thường kiếm việc đã không dễ. Người khuyết tật rất khó khăn khi kiếm việc. Có lúc khó khăn quá, chán nản quá, tôi luôn mỉm cười cho qua nhưng không ngăn được mình khóc”

B.T.T.Huyền

Gia đình quá nghèo khó, điều trị bệnh xong, Kỳ lăn lộn trong cuộc mưu sinh phụ giúp cha mẹ. Phụ hồ, công nhân… việc gì Kỳ cũng làm, miễn là lương thiện và kiếm được tiền. Đã biết bao lần Kỳ cắn răng chịu đựng ánh mắt tò mò, soi mói và cả ghê sợ của những người xung quanh. Kỳ cười đó, nói đó, tỏ ra bình thản đó nhưng lòng cuộn sóng, mặn đắng. Bị phong. Đó là bí mật mà Kỳ không dám nói cho ai biết, trừ cô gái Kỳ yêu và sau này là vợ.

Thương chàng trai hiền lành, chịu khó, một người tốt bụng đã giúp tiền cho vợ chồng Kỳ mua được ba chiếc máy may. Vợ chồng Kỳ nhận hàng về gia công rồi thức đêm thức khuya làm. Nhiều bữa đang may, Kỳ chảy nước mắt. Lòng bàn tay lại căng lên, đỏ kè. Kỳ phải lấy rượu gừng xoa. Cơn đau nhức dịu đi chỉ mấy phút, Kỳ lại ráng làm để kiếm tiền nuôi con. “Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dừng lại. Có lúc buồn lắm nhưng tôi luôn ráng vượt qua những rào cản. Tôi nghĩ dù cuộc đời có nhiều màu sắc u tối, ảm đạm như thế nào tôi vẫn quyết đi lên. Bây giờ có vợ có con thì động lực sống, làm việc lại càng mạnh. Tôi không ước giàu. Chỉ mong được mọi người giúp đỡ, động viên” – Kỳ bảo.

Con đường để phấn đấu

6 tuổi. Căn bệnh kỳ lạ bắt đầu hiển hiện rõ trong cuộc sống của B.T.T.Huyền (Thái Bình). Cô bé rất dễ ngã, dễ mệt mỏi, dễ đau nhức. Lớp 8, sau một đêm thức dậy, Huyền bị mất tiếng mà không rõ nguyên nhân. Và tiếng nói khác thường của Huyền kéo dài từ đó tới giờ. Từng ngày trôi qua, Huyền cảm nhận rõ mình cứ yếu dần, yếu dần… Đang chơi nhảy dây, đột nhiên cô bé cảm giác rất nhanh mệt, chân tay rất mỏi. Mùa đông là một cơn ác mộng kéo dài với Huyền. Năm nào tới mùa đông, chân tay Huyền cũng như cứng lại. Cổ tay rồi tới những ngón tay cứ tê cứng, rất khó để Huyền cầm bút. “Tôi rất sợ mùa đông vì chữ xấu lại kiểm tra nhiều, phải viết nhiều” – Huyền kể.

Cái ngày người ta mang đến trước mặt mình chiếc xe lăn, Huyền ngạc nhiên: tại sao mình lại cần xe lăn, mình vẫn đạp xe được cơ mà? Cho tới một ngày đi học về, bàn chân Huyền như bất động. Không đạp xe được nữa. Cô bé cứ bàng hoàng đứng dưới cái nắng gay gắt và ứa nước mắt. “Chỉ đến khi phải đi xe lăn, tôi mới chấp nhận mình là người khuyết tật” – Huyền bảo.

Năm đó Huyền học lớp 10. Rồi đến bàn tay Huyền không cầm được đôi đũa nữa. “Cảm giác làm một người khuyết tật thật đáng sợ. Lúc nào tôi cũng phải gắn với chiếc xe lăn. Cầm một đôi đũa, một cây bút cũng trở nên khó khăn. Một người không đi được sẽ thấy thế giới rất xa mình. Thấy một bông hoa đẹp cũng không thể đến gần. Lúc nào tôi cũng sợ bản thân mình và sợ những người thân không chấp nhận mình” – Huyền nói.

Những môn học phải viết nhiều như sử, địa lý, văn trở thành nỗi ám ảnh suốt cấp III của Huyền vì lo sợ không viết kịp. Bù lại, Huyền học rất giỏi toán, lý, hóa, Anh, sinh. Cô bé học rất giỏi, luôn trong tốp đầu của lớp. Nhớ lại, Huyền chỉ nói đơn giản: “Tôi nghĩ rằng chỉ có học tôi mới có sự lựa chọn cho mình. Không học không có gì cả. Tôi luôn nỗ lực vươn lên để những người khỏe mạnh khác không coi thường mình”.

18 tuổi. Huyền thi đậu Học viện Ngân hàng Hà Nội. Nhớ lại khoảnh khắc khi nhận được kết quả, Huyền bảo: “Lúc đầu bố rất vui, con mình cũng đậu đại học. Nhưng khi tôi hăm hở tính toán chuyện đi lại, tìm nhà trọ thì bố im bặt, thở dài. Ông không cho tôi lên Hà Nội học vì xa quá. Tôi muốn được đi học nên chọn nguyện vọng 2 là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cơ sở ở Thái Bình, ngành kế toán kiểm toán”.

22 tuổi. Huyền tốt nghiệp đại học. Cô nài nỉ gia đình cho mình được vào Sài Gòn tìm việc. Huyền tâm sự: “Ý chí tôi mạnh mẽ lắm. Tôi hăm hở và háo hức lắm. Tôi cứ nghĩ thử thách nào mình cũng chiến đấu được. Nhưng khi ra trường tôi mới hiểu thế nào là cuộc sống thật sự. Nó như một ngọn núi quá cao, quá lớn chắn lối đi của tôi. Ra trường tôi vẫn không thể tự lập được dù cho trí não, kiến thức không thua kém ai. Khi đó, tâm lý chùng xuống, tuột dốc trầm trọng. Bạn bè có người nói: Sao mày phải cố? Tay chân thế này còn làm gì được nữa! Chấp nhận mà sống đi! Những lời nói đó như dao đâm vào tim. Đau lắm. Dường như gia đình cũng thấy tôi là gánh nặng lớn. Không ai biết rằng sống độc lập là mục tiêu và ước mơ của tôi, của người khuyết tật”.

Đã có lúc Huyền nghĩ thôi thì buông xuôi, chấp nhận số phận. Nhưng khoảnh khắc yếu đuối, cam phận đó trôi đi. Cô quyết tâm phải xin cho được một công việc.

Cuối cùng Huyền cũng xin được việc làm ở một công ty tư nhân tại quận 12. Sáng đi làm, tối về. Cuộc sống cứ bình lặng như thế, không có ai chia sẻ. Huyền ở với vợ chồng anh cả. “Tôi cảm thấy như bị cô lập trong chính gia đình mình. Tôi không dám nói ra suy nghĩ thật vì sợ mọi người cằn nhằn mình khó tính. Tôi rất sợ cảm giác sống mà phải để ý quá nhiều người, sợ quá nhiều thứ. Chỉ khi tham gia vào nhóm người khuyết tật, tôi mới tìm được sự đồng cảm sẻ chia. Đó là những thứ mà trước đây tôi không có được. Những người thân yêu nhất của mình cũng không thể hiểu được cảm giác là người khuyết tật như thế nào” – Huyền chia sẻ.

Không thể đánh mất mình

14 người khuyết tật, trong đó đa số là bệnh phong, đến từ TP.HCM và Cà Mau, đã được các chuyên gia tâm lý của Trung tâm Betterliving hỗ trợ trải qua trò chơi đầu tiên là vẽ lại dòng sông cuộc đời mình. Dường như tất cả đều có tuổi thơ êm đềm. Sóng gió chỉ ập đến khi họ mắc những căn bệnh quái ác. Dòng sông cuộc đời của mỗi người không còn phẳng lặng nữa. Những khúc quanh, ngoắt ngoéo xuất hiện. Bi kịch bắt đầu từ đó.

Các chuyên gia tâm lý của Trung tâm Betterliving đã cho một trò chơi rồi phân tích về tác dụng, tác hại tiếng nói trong đầu. Tiếng nói này không phát ra nhưng lại điều khiển cuộc sống của mình, ngăn cản mình khi định làm một điều gì đó hơi khó khăn. Nếu để tiếng nói đó theo hướng mạnh lên sẽ dẫn dắt ta làm những điều lớn lao. Ta sẽ mạnh hơn ngày hôm nay. Nhưng ngược lại thì chính tiếng nói ấy sẽ kìm hãm, ngăn trở mình. Năng lực bên trong vừa là bạn, vừa là kẻ thù. Chính mình đánh mình là điều vô cùng nguy hiểm.

MY LĂNG