09/09/2024

Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống tái khẳng định Giáo hội phản đối an tử và trợ tử

Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống tái khẳng định Giáo hội phản đối an tử và trợ tử

Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, tái khẳng định Giáo hội hoàn toàn phản đối trợ tử và an tử, bảo vệ quyền sống của mọi người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác với chính trị về các vấn đề cuối đời.

2024.08.08 Monsignor Paglia dal Papa

Ngày 02/7/2024, Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã xuất bản “từ điển” thuật ngữ về các vấn đề cuối đời, nhắm làm rõ các thuật ngữ chính để cổ vũ cuộc thảo luận có hiểu biết.

Sáng ngày 08/8, Đức Tổng Giám mục đã trình cho Đức Thánh Cha tài liệu tại buổi tiếp kiến riêng. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Vatican News đã đề cập đến tài liệu này, đặc biệt nhận xét của một số cơ quan truyền thông cho rằng trong tài liệu này có “sự cởi mở”. Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nói: “Vấn đề cuối đời rất phức tạp và Giáo hội có một Huấn quyền phong phú về điều này từ năm 1957 thời Đức Giáo hoàng Piô XII cho đến nay. Sự sống phải được bảo vệ toàn diện, không chỉ trong những thời điểm cụ thể. Quyền sống phải được bảo vệ đặc biệt, nhất là đối với những người yếu đuối, để chống lại ‘nền văn hoá vứt bỏ’ ẩn sau đòi hỏi về quyền tự chủ của con người thời nay.”

Một số ý kiến cho rằng với “từ điển” này, Toà Thánh có sự thay đổi hướng tới việc cho phép ngưng cung cấp dinh dưỡng và nước. Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nhắc lại, vào năm 1956, Đức Giáo hoàng Piô XII – như đã được đề cập trong tài liệu – đã khẳng định cho phép ngừng sử dụng máy thở trong một số tình trạng nghiêm trọng. Và vào năm 2007, Bộ Giáo lý Đức tin đã công nhận rằng các cách thức điều trị như vậy có thể được phép khi chúng gây ra “gánh nặng quá mức hoặc khó chịu đáng kể về mặt thể lý”. Đây là hai tiêu chí nằm trong định nghĩa về các phương pháp điều trị không cân xứng, cần phải ngưng. Đây là một đánh giá luôn đòi hỏi sự tham gia của bệnh nhân, ở mức độ cao nhất có thể. Cần phải đọc toàn bộ “từ điển”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục tái khẳng định việc phản đối tuyệt đối của Giáo hội đối với bất kỳ hình thức an tử và trợ tử. Đây cũng là niềm tin của ngài, ngay cả khi một số người muốn ngài nói khác đi.

Tuy nhiên, Giáo hội cũng mời gọi suy tư về sự “bướng bỉnh trong điều trị” – biết không thể điều trị được nữa nhưng vẫn cương quyết – không lấy bệnh nhân làm trung tâm trong giải pháp y học và chăm sóc. Chắc chắn, chúng ta không bao giờ được rút ngắn thời gian sống, nhưng chúng ta cũng không nên cố tình cản trở quá trình sự sống theo mọi cách có thể. Chúng ta rất mong manh. Và đây là lý do tại sao chúng ta phải chăm sóc lẫn nhau.

Về vấn đề “hoà giải lập pháp”, Đức Tổng Giám mục nói rõ rằng không có “sự hoà giải có thể chấp nhận được”. Liên quan đến các vấn đề cơ bản và tế nhị về cuối đời, điều mong muốn là đạt được sự đồng thuận chung cao nhất có thể, tôn trọng xem xét các điểm nhạy cảm và tôn giáo khác nhau. Đây là nhiệm vụ của chính trị.

Giáo hội có thể hợp tác vì lợi ích chung của xã hội. Vai trò của Giáo hội là hình thành lương tâm hơn là soạn thảo luật lệ.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-08/han-lam-vien-su-song-tai-khang-dinh-phan-doi-tro-tu-an-tu.html