09/09/2024

Hội nghị đầu tiên về lịch sử Kitô giáo ở Campuchia

Hội nghị đầu tiên về lịch sử Kitô giáo ở Campuchia

Ngày 14/9, một hội nghị đầu tiên về lịch sử Kitô giáo ở Campuchia, với sự cộng tác của giới hàn lâm, đã được tổ chức tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh.

Một buổi học giáo lý trong một nhà thờ nhỏ ở Campuchia

Một buổi học giáo lý trong một nhà thờ nhỏ ở Campuchia  (AFP or licensors)

Hội nghị với chủ đề “500 năm tình bạn: Giáo hội và vương quốc Campuchia” được tổ chức bởi khoa lịch sử của Đại học, phối hợp với Hiệp hội Sử học Campuchia và các nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris (MEP), những người đã hiện diện tại đất nước trước cuộc bách hại của Khmer Đỏ và hiện nay vẫn tiếp tục phục vụ Giáo hội Công giáo Campuchia đã được tái sinh.

Tại hội nghị, Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Giám quản Tông toà của Phnom Penh, cùng với nhà sư Phật giáo Yon Seng Yeath đã có bài thuyết trình về mối quan hệ giữa các vị lãnh đạo Công giáo và Phật giáo từ năm 1860 đến nay.

Cha Vincent Chrétienne, thừa sai ở Hạt Phủ doãn Tông toà Battambang, đã có những đóng góp quan trọng tại cuộc gặp gỡ qua phần trình bày về lịch sử Giáo hội ở Campuchia. Thực tế, do Khmer Đỏ đã tiêu huỷ các tài liệu của Giáo hội, các nguồn tài liệu duy nhất còn sót lại từ thời kỳ trước Pol Pot chỉ được tìm thấy trong kho lưu trữ của Hội Thừa sai Paris.

Thuyết trình tại hội nghị đầu tiên về Kitô giáo ở Campuchia còn có một số học giả Khmer với nội dung liên quan đến những khía cạnh cụ thể của năm thế kỷ lịch sử: từ công cuộc chống chế độ nô lệ đến mối quan hệ với bản sắc Khmer, bao gồm cả vấn đề về các bản dịch Kinh Thánh.

Đánh giá tầm quan trọng của hội nghị, cha Franco Legnani, thuộc Hội Thừa sai Paris đã hiện diện ở Campuchia 30 năm, nói: “Tôi nghĩ hội nghị này đã đạt được mục đích, nghĩa là đã tập hợp được các học giả quan tâm đến việc nghiên cứu và đào sâu lịch sử chung của dân tộc Campuchia và Giáo hội, đồng thời khơi dậy sự quan tâm đến việc tiếp tục nghiên cứu về chủ đề này.”

Cha giải thích thêm: “Chúng tôi là một cộng đoàn nhỏ nhưng điều quan trọng là làm cho cội nguồn lịch sử của chúng tôi được biết đến. Đúng là đôi khi sự hiện diện của Kitô giáo quá gắn liền với chế độ bảo hộ; nhưng Kitô giáo không thể bị gói gọn trong kinh nghiệm đó. Và điều quan trọng cần phải chỉ ra là chúng tôi không giống như nhiều hệ phái chỉ đến đất nước sau thời Pol Pot. Thực tế, chúng tôi đã chia sẻ lịch sử và đau khổ với người Khmer.” (Asianews 17/9/2023)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-09/hoi-nghi-dau-tien-lich-su-kito-campuchia.html