ĐHY Czerny: Hoà bình đòi hỏi những nỗ lực và sự dấn thân

ĐHY Czerny: Hoà bình đòi hỏi những nỗ lực và sự dấn thân

Phát biểu tại sự kiện “Lời ngôn sứ và nghệ thuật kiến tạo hoà bình”, nhân kỷ niệm 60 năm Đức Gioan XXIII ban hành Thông điệp “Pacem in Terris – Hoà bình Dưới thế”, Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, đã nêu bật những giáo huấn của thông điệp trong thế giới ngày nay, và cách Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chúng trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài.

ĐHY Michael Czerny thăm đền thờ Santa Sophia ở Roma

ĐHY Michael Czerny thăm Đền thờ Santa Sophia ở Roma  (Yurko Hanchuk)

Trong sự kiện được tổ chức bởi Tổ chức Khoa học Tôn giáo, Khoa Thần học của Emilia Romagna và Unesco, Đức Hồng y Czerny bắt đầu bằng việc lưu ý rằng Thông điệp Pacem in Terris (11/4/1963) là một phần của một loạt nhiều tài liệu huấn quyền mà qua đó các vị Giáo hoàng của thế kỷ 20 đã hướng sự chú ý của các ngài đến chủ đề hoà bình, và đã nêu bật 3 lĩnh vực chính.

“Pacem in Terris: từ trái tim con người, đến việc suy nghĩ lại về xã hội”

Điểm suy tư đầu tiên Đức Hồng y Czerny là “Pacem in Terris: từ trái tim con người, đến việc suy nghĩ lại về xã hội”. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII viết rằng khát vọng hoà bình luôn trỗi dậy trong nhân loại, nhưng trong một kỷ nguyên lịch sử mà các dân tộc vốn đã bị các cuộc chiến tranh thế giới thử thách nặng nề, nay lại càng phải gánh thêm gánh nặng bởi sự đối lập của hai khối lớn, của các hệ tư tưởng toàn trị với những hậu quả tai hại về quyền của các cá nhân và các dân tộc, khao khát hoà bình là một dấu hiệu của thời đại.

Đức Hồng y Czerny nói tiếp rằng Đức Gioan XXIII đã chọn điểm khởi đầu của thông điệp là lưu ý rằng hoà bình là cần thiết để nhân loại phát triển và thịnh vượng trong sự sống viên mãn. Ngài nói thêm rằng hoà bình liên quan đến chất lượng của đời sống xã hội “với khả năng sống cụ thể, bởi vì đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để cuộc sống của mỗi người có thể được thực hiện đầy đủ trong sự tôn trọng phẩm giá cơ bản của họ”.

Những giáo huấn của ĐTC Phanxicô bắt nguồn từ Thông điệp Pacem in Terris

Điểm thứ hai Đức Hồng y Czerny nhấn mạnh là những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt nguồn từ thông điệp và đặc biệt là cách những giáo huấn này đã “vạch ra bối cảnh lịch sử và một số khía cạnh thiết yếu của Pacem in Terris”.

Đức Hồng y lưu ý rằng một trong những khía cạnh nổi bật nhất trong việc Đức Giáo hoàng Phanxicô đọc thông điệp của Đức Gioan XXIII là “bài học ngài rút ra từ đó liên quan đến chính chức năng của học thuyết xã hội của Giáo hội”.

“Từ Pacem in Terris, Đức Thánh Cha Phanxicô lập luận, chúng ta phải học được thái độ phải có của Giáo hội trước những thách thức mới của ngày nay. Các vấn đề như tình trạng khẩn cấp về giáo dục, ảnh hưởng của truyền thông đối với lương tâm, tiếp cận các nguồn tài nguyên của trái đất, việc sử dụng tốt hay xấu kết quả nghiên cứu sinh học, khủng hoảng kinh tế thế giới.”

Tầm quan trọng của Thông điệp Fratelli Tutti

Điểm thứ ba trong bài phát biểu của Đức Hồng y Czerny là nói về tầm quan trọng của Thông điệp Fratelli Tutti sau Thông điệp “Pacem in Terris”.

Trên thực tế, Đức Hồng y nói, thông điệp này “dường như vang vọng và làm sống lại niềm khao khát được Đức Gioan XXIII bày tỏ trong Pacem in Terris về hòa bình và tình huynh đệ”.

Hoà bình là một sự kiện của sự hiệp thông

Đức Hồng y Czerny kết luận rằng “hoà bình thật tốt đẹp vì nó chống lại sự xấu xa của tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân và là kết quả của một thực hành đòi hỏi nỗ lực và cống hiến”. Từ quan điểm của đức tin Kitô giáo, hoà bình “xuất hiện không phải là sản phẩm của một nỗ lực anh hùng của cá nhân mà là một sự kiện của sự hiệp thông”.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-04/michael-czerny-pacem-in-terris-hoa-binh-doi-no-luc-dan-than.html