Bẻ xương khớp kêu ‘rắc rắc’ cho khỏi mỏi có tốt cho cơ thể?
Bẻ xương khớp kêu ‘rắc rắc’ cho khỏi mỏi có tốt cho cơ thể?
Rất nhiều người hiện nay có thói quen thường xuyên bẻ xương khớp như: khớp tay, khớp chân, cột sống… tạo tiếng kêu “rắc rắc” và cảm thấy rất thoải mái. Vậy việc bẻ xương khớp này có thật sự khỏi mỏi và có tốt cho cơ thể?
Chị P.H. (27 tuổi, TP.HCM) cho biết vào những lúc tập thể dục thể thao chị thường xuyên bẻ xương khớp như: các khớp tay, chân, xoay cột sống… tạo ra tiếng kêu “rắc rắc” rất vui tai. Sau khi thực hiện xong các thao tác này chị cảm thấy cực kỳ thoải mái.
“Mẹ tôi bị vẹo cột sống, gần đây lướt các trang mạng thấy quảng cáo điều trị vẹo cột sống, gai cột sống, thoái hóa cột sống… bằng phương pháp chiropractic. Vậy mẹ tôi cũng dùng phương pháp này điều trị bệnh được không”, chị H. thắc mắc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết việc bẻ xương khớp sẽ khiến cơ thể cảm thấy thoải mái nhất thời.
Tuy nhiên, về lâu dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, hậu quả rất lớn như: dị dạng xương khớp, gia tăng khả năng bị thoái hóa khớp, đau xương khớp mãn tính…
Lý do khi bẻ xương khớp lại kêu “rắc rắc” là do các khớp trượt lên nhau, cơ trượt lên khớp, đặc biệt là ở những người lớn tuổi nguy cơ thái hóa khớp tăng, do vậy tiếng kêu càng lớn.
“Các bác sĩ chỉ nắn chỉnh xương khớp trong trường hợp cơ bị cứng, trật khớp… người bình thường đi đứng được không nên tác động đến xương khớp. Các phương pháp này trong đông y, vật lý trị liệu cũng không dùng”, bác sĩ Vũ nói.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm chiropractic là phương pháp điều trị bệnh thần kinh, cột sống bằng cách tác động lực bằng tay để nắn chỉnh cột sống, cơ, xương khớp do các bác sĩ được đào tạo bài bản thực hiện. Nếu thực hiện sai có thể dẫn tới trật khớp, gãy xương.
Do vậy, khi bị vẹo cột sống hoặc thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống… nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám, điều trị phù hợp.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.