22/01/2025

Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính – bất động sản

Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính – bất động sản

Để giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, TP.HCM cần tập trung xử lý các nút thắt về đất đai, ổn định thị trường tài chính – bất động sản…

Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 1.

Ổn định thị trường tài chính – bất động sản là một trong những giải pháp giúp kinh tế TP.HCM phát triển – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2022 với nhiều kết quả khả quan. 

“Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố, là năm phục hồi kinh tế – xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Cục trưởng Nguyễn Khắc Hoàng – Cục Thống kê TP.HCM – chia sẻ thông qua báo cáo.

Từ mức giảm sâu chưa từng có của năm trước (-5,4%), đến nay TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước.

Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2022 ước đạt gần 1,48 triệu tỉ đồng (theo giá hiện hành, + 9,03%).

Ngoại trừ ngành y tế và cứu trợ xã hội có mức tăng trưởng âm (-2,8%), các ngành còn lại đều tăng trưởng khá như: kinh doanh bất động sản (+4,4%), vận tải và kho bãi (+5,2%), giáo dục và đào tạo (+5,5%), dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (+6%), tài chính – ngân hàng – bảo hiểm (+8,9%), thông tin và truyền thông (+9,1%), bán buôn và bán lẻ (+10,5%). Riêng ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng cao nhất (+47%).

Tính chung cả năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 1,09 triệu tỉ đồng (+31%), tăng cao ở tất cả các ngành.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm nay của thành phố ước thực hiện hơn 300.017 tỉ đồng (+14%).

 

Gỡ nút thắt về đất đai, ổn định thị trường tài chính – bất động sản

Về dự báo tình hình năm 2023, phía Cục Thống kê TP.HCM đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm nay do tiềm ẩn nguy cơ về đứt gãy đơn hàng, áp lực tăng giá. Thế giới vẫn phải đối phó với những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng và an ninh.

Dự báo năm tới tăng trưởng GRDP của thành phố từ 7,5% đến 8%. Tuy nhiên, để giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, TP.HCM cần tập trung giải quyết tốt các nội dung sau đây:

 

1. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, chú trọng giải ngân năm dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng: dự án metro số 1, metro số 2, vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

2. Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào.

3. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động – việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động. Chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch (vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch). Cải cách chế độ công vụ, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, thúc đẩy tính chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công. Tranh thủ thời cơ đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế.

5. Tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả; xây dựng giải pháp nhằm ứng phó kịp thời biến động thị trường, đặc biệt xu hướng xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn của thành phố. Giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản.

Infographic tóm tắt “Tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM trong cả năm 2022” do Cục Thống kê TP.HCM thực hiện:

Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 3.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 4.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 5.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 6.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 7.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 8.
Cục Thống kê: TP.HCM cần ổn định thị trường tài chính - bất động sản - Ảnh 9.
BÔNG MAI
TTO