Thi chứng chỉ ngoại ngữ lưu ý gì?
Thi chứng chỉ ngoại ngữ lưu ý gì?
Sau khoảng thời gian tạm hoãn, nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã được cấp phép trở lại. Tuy nhiên, số lượng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với trước đây.
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép cho 14 địa điểm thi IELTS trên cả nước, trong đó IDP Việt Nam được phê duyệt tổ chức 4 địa điểm (2 tại Hà Nội, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại TP.HCM), Hội đồng Anh (British Council) 10 địa điểm (4 tại Hà Nội, 3 tại TP.HCM, 1 tại Hải Phòng, 1 tại Vinh, 1 tại Huế).
Trong khi đó, trước khi có diễn biến tạm hoãn thi IELTS tại Việt Nam vào đầu tháng 11 vừa qua, IDP đã tổ chức thi IELTS tại 44 trong tổng số 63 tỉnh thành. Con số này của Hội đồng Anh là 22 tỉnh thành.
Mở thêm nhiều ngày thi IELTS trên giấy
Theo các chuyên gia, số địa điểm thi thu hẹp đồng nghĩa nhiều thí sinh “đổ dồn” đến một số tỉnh thành lớn, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng dự thi. Số bài thi trên giấy vẫn còn hạn chế, một số thí sinh cho biết họ không thể đăng ký lịch thi trên giấy cho đến tháng 3-2022.
Hiện cả IDP và Hội đồng Anh đều đang nỗ lực tăng cường số ngày thi trên giấy. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Hội đồng Anh cho biết để hỗ trợ các thí sinh đã đăng ký thi nhưng phải dời ngày thi trong thời điểm kỳ thi tạm thời gián đoạn, đơn vị này đã mở thêm nhiều ngày thi IELTS trên giấy.
Cụ thể, Hội đồng Anh đã và sẽ mở thêm các kỳ thi IELTS trên giấy vào các ngày 22-12, 29-12, 5-1, 12-1, 2-2 tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hải Phòng và Vinh.
Tương tự, đại diện IDP cho biết đơn vị đang tiếp tục phối hợp và làm việc chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phê duyệt thêm nhiều địa điểm thi mới.
Hiện nay đối với kỳ thi IELTS trên máy tính, thí sinh có thể đăng ký thi vào hầu hết tất cả các ngày trong tuần, lịch thi linh hoạt, tần suất trải rộng khắp các ngày trong tuần. Kết quả thi sẽ có chỉ sau 3-5 ngày.
Các chứng chỉ tiếng Nhật: nhiều đơn vị được tổ chức
Theo ghi nhận, các chứng chỉ Nhật ngữ hiện có số đơn vị Việt Nam liên kết được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép nhiều nhất.
Với chứng chỉ Nhật ngữ TOJI, các đơn vị Việt Nam hiện đang tổ chức bao gồm Công ty TNHH Phát triển Văn hóa – Giáo dục quốc tế Việt, Trung tâm Tư vấn giáo dục quốc tế trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo (thi tại Hà Nội), Công ty cổ phần Phát triển giáo dục GBN (thi tại Hải Phòng), Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên Huế (thi tại Thừa Thiên Huế), Công ty TNHH Phát triển giáo dục Đông Du Đà Nẵng (thi tại Đà Nẵng).
Một chứng chỉ Nhật ngữ khác đã được cấp phép triển khai cho nhiều đơn vị là JPLT. Vào ngày 30-11, chứng chỉ JPLT đã được cấp phép liên kết tổ chức thi giữa bên nước ngoài là Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản.
Bên phía Việt Nam, các đơn vị được tổ chức bao gồm Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM (tại 2 địa điểm quận 1 và TP Thủ Đức), Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội (tại quận Cầu Giấy), Trường ĐH Hà Nội (tại quận Nam Từ Liêm), Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng (tại quận Cẩm Lệ).
Chứng chỉ tiếng Trung: đơn vị đầu tiên được cấp phép
Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) là đơn vị liên kết tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung (HSK) đầu tiên được cấp phép thi trở lại.
Sau ba tháng tạm hoãn, quyết định được đưa ra ngày 19-12, phê duyệt liên kết tổ chức thi HSK giữa Trường ĐH Thành Đông được phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Quốc tế khảo thí Hán ngữ (Bắc Kinh). Địa điểm thi được cấp phép là ngay tại cơ sở của Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương).
Sau khi nhận được quyết định cấp phép, đơn vị hiện đã lên kế hoạch tổ chức các kỳ thi tiếp theo. Dự kiến ngày thi HSK đầu tiên trở lại sẽ diễn ra sau Tết Nguyên đán, vào chủ nhật 11-2-2023. Thời gian trường mở đăng ký vào chủ nhật 25-12.
Do lịch thi HSK tại Việt Nam hoãn lại trong thời gian dài, đại diện Trường ĐH Thành Đông chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng dự kiến sẽ ghi nhận lượt thí sinh đông trong đợt thi lần này, có thể sẽ đón rất nhiều thí sinh từ các tỉnh thành lớn đổ về.
Trước khi có vụ việc tạm hoãn, Việt Nam có bảy điểm tổ chức thi chứng chỉ HSK được phía Trung Quốc ủy quyền, gồm Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Viện Khổng Tử thuộc ĐH Hà Nội, Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Chứng chỉ Cambridge: thi tại TP.HCM và Đà Nẵng
Đơn vị được cấp phép đầu tiên cho các chứng chỉ Cambridge là Trung tâm ngoại ngữ tin học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sau gần hai tháng tạm hoãn. Trước đó vào đầu tháng 9-2022, sở có thông báo tạm ngưng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài tại Việt Nam.
Từ ngày 5-12, đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức trở lại các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bao gồm chứng chỉ Starters, Movers, Flyers, TOEFL Primary, PTE Young Learners.
Mới đây nhất vào ngày 19-12, Công ty Edubase (Đà Nẵng) cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép liên kết cùng Nhà xuất bản và Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge tổ chức thi các chứng chỉ A2 Key English Test (KET), B1 Preliminary English Test (PET), B2 First Certificate in English (FCE), C1 Certificate in Advanced English (CAE). Địa điểm thi tại Đà Nẵng, thời hạn là 5 năm.
Nên tranh thủ thời gian
Ông Nguyễn Hồng Tú – giám đốc điều hành Power English – cho biết trong thời gian tới, để hạn chế những rủi ro trong các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các bạn trẻ nên sắp xếp lịch thi từ sớm, thay vì thói quen “nước đến chân mới nhảy” như trước đây.
Khoảng thời gian lý tưởng để có chứng chỉ ngoại ngữ trước để nộp cho các hồ sơ, đặc biệt là du học, sẽ rơi vào khoảng từ 2-6 tháng. Từ thời điểm dự thi được đề ra hợp lý và đối chiếu với năng lực của bản thân, người học sẽ tính toán được thời gian học và ôn tập đủ để đạt được điểm số và trình độ đề ra.