Bệnh phổi kẽ nguy hiểm

Bệnh phổi kẽ nguy hiểm

Bệnh phổi kẽ tiên lượng xấu hơn mắc ung thư phổi, tại sao? Bệnh phổi kẽ là tên gọi chung của một nhóm hơn 200 bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi…).

 

 

 

Bệnh phổi kẽ nguy hiểm - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi trung ương – Ảnh: BVCC

Điều đáng nói nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn.

 

50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm

Theo các chuyên gia, bệnh phổi kẽ không phải là bệnh mới xuất hiện, tuy nhiên đây là căn bệnh không lây nhiễm vì vậy ít người biết và ít được quan tâm.

Theo thống kê của Mỹ và châu Âu, bệnh phổi kẽ có tỉ lệ mắc 70 người/100.000 dân. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể ước tính khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ.

Ông Nguyễn Viết Nhung – nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương – cho biết bệnh phổi kẽ gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm, xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, là tổn thương không thể hồi phục.

“Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ tiên lượng rất xấu, thời gian sống ngắn hơn cả bệnh ung thư nếu phát hiện muộn. Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi trung ương, một người phát hiện ung thư phổi sớm, từ giai đoạn 1, được điều trị hiệu quả, tỉ lệ sống trên 5 năm là 80%. Thậm chí có những trường hợp dù được phát hiện ở giai đoạn muộn nhưng cũng có thể sống trên 3 năm.

Trong khi đó, từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân rất ngắn, 50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm và 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính hơn”, ông Nhung thông tin.

Hiện khoa hô hấp Bệnh viện Phổi trung ương điều trị cho từ 70 – 100 bệnh nhân/ngày. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6 – 7% tổng số bệnh nhân trong khoa.

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ phổi kẽ vô căn. Bên cạnh đó cũng cần chú ý trong gia đình có người mắc bệnh tương tự. Để điều trị bệnh cần loại bỏ yếu tố căn nguyên như ngừng hút thuốc lá, điều trị tích cực các bệnh đồng mắc.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tiến

 

Phát hiện sớm, phòng tránh nguy cơ

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tiến – khoa nội hô hấp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh phổi kẽ còn gọi là bệnh nhu mô phổi lan tỏa, tên chung của một nhóm bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi.

Thông thường khi phổi bị tổn thương sẽ kích thích quá trình sửa chữa hàn gắn, nhưng ở bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ thì quá trình sửa chữa hàn gắn đó lệch lạc dẫn đến tổ chức quanh phế nang hình thành sẹo và dày lên bất thường. 

Chính vì thế, màng phế nang mao mạch dày lên và xơ hóa dẫn đến trao đổi oxy qua đó gặp khó khăn.

Theo bác sĩ Tiến, bệnh phổi kẽ chia thành hai nhóm nguyên nhân.

Nhóm bệnh phổi kẽ rõ nguyên nhân có thể do phơi nhiễm với các chất vô cơ, các chất hữu cơ; phơi nhiễm với khói bụi; do sử dụng một số loại thuốc gây tổn thương phổi kẽ hoặc do điều trị bằng hóa chất ung thư.

Và nhóm bệnh phổi kẽ không rõ căn nguyên. “Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ phổi kẽ vô căn” – bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Tiến cũng chỉ rõ triệu chứng của bệnh phổi kẽ chính là khó thở gắng sức và tăng dần, ho khan kéo dài trên hai tháng, nặng ngực. Triệu chứng bệnh rất dễ nhầm với triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những bệnh phổi kẽ có khởi phát cấp tính thì cần phải phân biệt với các bệnh nhiễm trùng hô hấp hoặc phù phổi do suy tim ứ huyết.

 

Cần chẩn đoán điều trị đúng cách

Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung thông tin một số bệnh phổi kẽ nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mãn tính, gây xơ phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp.

Do đó, việc chẩn đoán sớm, chính xác giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh là rất cần thiết.

“Chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng trong xác định bệnh phổi kẽ. Chẩn đoán hình ảnh ban đầu (chẩn đoán trên phim thông thường) cũng có thể phát hiện bệnh. Nhưng muốn xác định cần là phim cắt lớp và các chỉ định các kỹ thuật sâu hơn để xác định bệnh phổi kẽ và ở giai đoạn nào”, ông Nhung nói.

 

Thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ gây bệnh phổi kẽ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống, có thể gây tác động sớm đối với sức khỏe hoặc gây bệnh phổi kẽ. So với bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, cũng cho hay sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma túy, cần sa).

“Nếu không quyết liệt với tình trạng sử dụng thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai”, ông Lâm nhận định.

DƯƠNG LIỄU
TTO